Kinh Doanh

Bùng nổ thị trường smartphone

Thứ Hai | 25/01/2010 17:40

2009 là năm bùng nổ của thị trường điện thoại di động thông minh (smartphone) trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Chỉ trong 1 năm mọi trật tự và công nghệ trên thị trường đã bị xáo trộn đáng kể, với sự góp mặt của rất nhiều gương mặt mới. Và đó chính là cơ sở để các công ty nghiên cứu thị trường tin rằng 2010 sẽ là năm cạnh tranh mạnh mẽ của smartphone. Vậy các đối thủ đang chuẩn bị những gì để bước vào trận chiến mới?

iPhone của Apple hiện là một trong những smartphone được ưa chuộng nhất tại Việt Nam hiện nay. Và trong tuần qua, 3 nhà mạng di động lớn nhất Việt Nam là MobiFone, Vinaphone và Viettel cùng công bố đã đàm phán thành công với Apple về việc phân phối chính thức iPhone trong vài tháng tới. Đến nay, cả 3 đều chưa tiết lộ gì về giá cả và chính sách bán sản phẩm này.

Tuy nhiên, nhiều người tỏ ý nghi ngờ khả năng thành công khi iPhone chính ngạch đến Việt Nam, nếu nó được bán với giá cao hơn giá hàng xách tay. Hiện nay, những chiếc điện thoại iPhone có mặt trên thị trường đều là hàng xách tay, có giá rất cạnh tranh và có cả chế độ bảo hành. Công ty Thế Giới Di Động (TGDĐ) ước tính, năm 2009, có hơn 3.000 chiếc iPhone được nhập không chính thức vào Việt Nam với giá bán lẻ từ 7-17 triệu đồng tùy cấu hình.

Không chỉ có iPhone, theo một nhà phân phối smartphone, hàng xách tay chiếm đến hơn một nửa, thậm chí đến 3/4, thị phần smartphone tại Việt Nam. Vì thế, sản phẩm nhập khẩu chính thức với mức thuế nhập khẩu 5% và 10% thuế VAT chắc chắn sẽ bị sức ép cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc của Viettel ông Nguyễn Mạnh Hùng vẫn rất tự tin, vì theo ông tiềm năng của thị trường smartphone còn rất rộng lớn.

Long hổ tranh hùng

Công ty Nghiên cứu Thị trường GfK cho biết, doanh số bán smartphone tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây và hiện chiếm khoảng 13% thị trường điện thoại di động tại Việt Nam. Một cuộc khảo sát của NCĐT tại nhiều điểm phân phối smartphone ở TP.HCM và Hà Nội thuộc hệ thống phân phối của Thế Giới Di Động, FPT và các nhà phân phối lẻ trong tháng 1.2010 cho thấy, Nokia, Samsung, Apple, HTC, BlackBerry, Sony Ericsson hiện là 6 thương hiệu smartphone được ưa chuộng nhất tại Việt Nam, trong đó Nokia và Samsung chiếm ưu thế với hơn 70% trên cả thị trường chính ngạch lẫn xách tay.

Nhìn chung năm 2009 thị trường smartphone dường như vẫn đang “lấy đà”, chưa tạo nên bước đột phá về doanh số bán. Ông Đinh Anh Huân, Giám đốc Kinh doanh Công ty TGDĐ, cho biết, trong năm 2009, smartphone (với mức giá từ 4,5 triệu đồng trở lên) chỉ chiếm khoảng 4-6% tổng số điện thoại công ty này bán ra. Trong đó, smartphone của Nokia luôn chiếm hơn 50%.

Thị trường smartphone chính ngạch năm 2009, theo đa số nhà phân phối, cho thấy sự so kè của “ngôi sao mới nổi” HTC với “đại gia” dẫn đầu thị trường là Nokia. Cả hai đã tạo nên những cuộc đua gay cấn về sản phẩm, cả lượng lẫn chất, chưa từng thấy trước đây.

Suốt 12 tháng của năm 2009, Nokia chiếm lĩnh thị trường với bộ sưu tập N-series và E-series gồm 5800 XpressMusic, E71, E63 (phiên bản rút gọn của E71), E72 và mới nhất là N97.

Đáp trả lại, HTC giới thiệu trung bình 2 sản phẩm mới ra thị trường mỗi tháng và trong năm qua HTC đã trình làng 6 mẫu chiến lược, trong đó có các dòng Touch Hero, Touch Diamond và HD2.

Kết quả của cuộc chạy đua này thế nào? Nokia khẳng định họ thành công như mong đợi, dù không tiết lộ doanh số. Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Châu, đại diện HTC Việt Nam, cho biết, smartphone HTC đã tăng trưởng khoảng 500% so với năm 2008, chiếm khoảng 15% thị trường smartphone tại Việt Nam.

Trong khi đó, Omnia II của Samsung dù được chú ý vẫn không bán chạy bằng Omnia i900 được tung ra năm 2008. Satio là “con ngựa chiến” duy nhất của Sony Ericsson trong năm 2009 nhưng cũng chỉ thu hút được một số ít người dùng trung thành của Hãng. BlackBerry Bold 9000 của hãng Research in Motion (RIM) có mặt từ năm 2008 vẫn được người tiêu dùng chọn lựa nhiều nhất, mặc dù năm 2009 RIM cũng trình làng thêm một số mẫu mới như Curve 8250, 8900, Storm2.

 

Trên thị trường hàng xách tay, iPhone gần như thống trị, bên cạnh những “chú dế” độc của Nokia và HTC. iPhone 3G và iPhone 3GS có doanh số bán cao nhất tại hơn 20 cửa hàng điện thoại di động xách tay được khảo sát tại TP.HCM, chiếm khoảng 90% (iPhone 3G được đánh giá là bán chạy nhất). Bên cạnh đó, N900 của Nokia (xách tay) được quảng cáo là có sức mạnh ngang ngửa với một chiếc máy tính xách tay và Imagio của HTC (xách tay) cũng được người tiêu dùng chọn lựa nhiều vào tháng cuối năm 2009.

Tuy nhiên, thị phần giữa hàng chính ngạch và xách tay sẽ thay đổi trong năm 2010. “Đó là vì có sự tham gia của iPhone”, ông Huân, Công ty TGDĐ, dự đoán.

4 xu hướng của smartphone năm 2010

Điều thú vị là trong năm 2009, xu hướng tiêu dùng smartphone tại thị trường Việt Nam đã định hình nhiều điểm chung với xu hướng của thế giới. Đây cũng chính là tiền đề cho xu hướng phát triển trong năm 2010 cũng như tương lai gần của dòng điện thoại này.

Thứ nhất là xu hướng giá cả. Công ty Nghiên cứu Thị trường ABI Research (Mỹ) dự đoán, giá smartphone trên thế giới trong vòng 5 năm tới có thể chỉ còn 100-200 USD/chiếc. Cơ sở để ABI đưa ra dự báo này là năm 2007 chỉ có khoảng 20% lượng smartphone toàn cầu có giá bán lẻ dưới 200 USD, nhưng năm 2009 con số này đã lên đến khoảng 30%.

Thứ hai là xu hướng lên ngôi của hệ điều hành Android do Google phát triển. Tại Việt Nam, năm 2009, HTC tiên phong trong việc ứng dụng Android. Ông Châu, đại diện HTC, cho biết, dòng HTC Magic chạy trên hệ điều hành Android đã được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận rất nhiệt tình ngay trong tuần ra mắt đầu tiên vào giữa tháng 2.2009. Đến tuần thứ hai thì sức nóng có vẻ bị hạ nhiệt, vì hệ điều hành này quá mới, khiến HTC phải nhanh chóng phát hành tài liệu hướng dẫn cho người tiêu dùng và giới thiệu cách thức sử dụng trên các kênh truyền thông. Đến nay người tiêu dùng đã bắt đầu quen với hệ điều hành này (ông Châu cho biết, dòng Touch Hero ứng dụng Android đạt doanh số tốt trong năm 2009).

Theo sau HTC, rất nhiều nhà sản xuất điện thoại di động sẽ trình làng nhiều mẫu smartphone mới chạy hệ điều hành Android trong năm 2010. Và việc Motorola tự tin dự đoán chiếc Droid của họ được tung ra vào tháng 11.2009 sẽ bán được 1 triệu chiếc trong quý I/2010 đã phần nào minh chứng cho sự lên ngôi của hệ điều hành này.

Đến năm 2012, theo dự báo của Công ty Nghiên cứu Thị trường Gartner, Android sẽ trở thành hệ điều hành phổ biến thứ hai sau Symbian. Còn Công ty Nghiên cứu Thị trường Frost & Sullivan tính toán, trong năm 2009 có gần 4 triệu smartphone sử dụng Android, đến năm 2010 sẽ tăng gấp đôi. Và đến năm 2014, Android sẽ trở thành hệ điều hành phổ biến thứ ba thế giới (sau Symbian và RIM) với khoảng 65 triệu smartphone được tung ra trong năm này.

Thứ ba là xu hướng tích hợp mạng xã hội trên smartphone. Một lần nữa, vẫn là câu chuyện của HTC. Năm 2009 đánh dấu việc HTC thay đổi định vị mới trên toàn cầu với khẩu hiệu “Quietly Brilliant” (“Tinh hoa ẩn dấu”), mở màn bằng chiến dịch quảng bá mang tên “YOU” (bắt đầu từ tháng 10.2009).

“Ngày nay mọi người liên lạc với nhau qua đủ các công cụ như email, nhắn tin, gọi điện, đặc biệt là qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter… Với khả năng dồn tất cả các tiện ích này trên cùng một giao diện sử dụng, HTC có thể giúp người dùng liên lạc nhanh nhất. Bạn không cần phải có một chiếc di động. Cái mà bạn cần là một chiếc điện thoại biết phục vụ bạn. Đó là ý nghĩa của chiến dịch YOU”, ông Châu, đại diện HTC, cho biết. Theo ông, HTC sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch “YOU” vào quý I/2010 và dự kiến ngân sách cho chiến dịch này sẽ chiếm khoảng 40% ngân sách marketing quý I.

 

Không chỉ HTC, ngày càng có nhiều nhà sản xuất tung ra thị trường các loại điện thoại di động có chức năng cập nhật thông tin từ các mạng xã hội. Thậm chí, RIM còn xây dựng mạng xã hội MyBlackBerry, được tích hợp sẵn trên điện thoại, cho phép người sử dụng chia sẻ những ứng dụng hay, hoặc những thủ thuật khi sử dụng điện thoại di động. Và “chính các mạng xã hội đã giúp thị trường smartphone khởi sắc”, ông Nguyễn Hoàng Đăng Khoa, Giám đốc Tiếp thị khu vực Đông Dương của Nokia, nhận xét.

Thứ tư là xu hướng bùng nổ ứng dụng trên smartphone. Trong năm 2009, cửa hàng bán các ứng dụng trực tuyến App Store của Apple đã có 100.000 ứng dụng, thu hút hơn 2 tỉ lượt tải về. Thành công này của Apple khiến các nhà sản xuất smartphone lẫn các hãng viễn thông lớn trên thế giới đều muốn tạo ra những kho ứng dụng tương tự với mục đích kinh doanh quảng cáo. Nokia đã khai trương siêu thị ứng dụng Ovi Store, dù cửa hàng trực tuyến kinh doanh nhạc và trò chơi N-Gage trước đây của họ chỉ mang về nguồn thu khiêm tốn.

Đại gia máy tính “lấn sân”

Tại Việt Nam, Nokia vẫn dẫn đầu thị trường smartphone chính ngạch. Tuy nhiên, trong năm 2010, Nokia có nhiều lý do để lo lắng về khả năng bị lật đổ: iPhone của Apple sẽ được phân phối chính thức, sự nỗ lực không ngừng của các đối thủ Samsung, Sony, BlackBerry, HTC và đặc biệt là sự lấn sân của các đại gia máy tính sang lĩnh vực smartphone.

Và cục diện của thị trường smartphone Việt Nam chắc chắn sẽ không nằm ngoài sự ảnh hưởng của xu hướng cạnh tranh trên thế giới.

Theo thống kê không chính thức của Công ty Nghiên cứu Thị trường IDC (Mỹ), Nokia và Samsung đang chiếm giữ khoảng 60% thị trường smartphone thế giới. Riêng đối với mảng smartphone, Nokia dẫn đầu với 38% thị phần di động, RIM 19%, Apple 17% trong năm 2009.

Tuy nhiên, Công ty Nghiên cứu Thị trường Generator Research dự đoán, 2 năm tới, thị phần của Apple sẽ bằng Nokia. Apple sẽ xuất xưởng 77 triệu chiếc smartphone trong năm này. Cũng theo Generator Research, thị phần của Nokia được dự đoán sẽ giảm từ 40% xuống còn 20% trong khoảng năm 2013, trong khi thị phần iPhone sẽ tăng lên 33%.

Bên cạnh đó, Nokia còn đối mặt với những mối đe dọa mới. Đó là sự lấn sân của các “đại gia” máy tính sang lĩnh vực smartphone. Ông G. Lanci, CEO của Acer, nhận định: “Việc tiêu thụ smartphone dù có giảm đi thì vẫn ngon lành hơn so với thị trường máy tính”.

Tháng 2.2009, Acer ra mắt chiếc smartphone đầu tiên của Hãng và đến nay đã tung ra tổng cộng 5 mẫu. Tham vọng của Acer là lọt vào “top 5” nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm tới (Apple cũng là nhà sản xuất máy tính vươn sang lĩnh vực smartphone).

Để thực hiện tham vọng này, Acer vận dụng chiến lược tìm kiếm và tận dụng những sức mạnh sẵn có. Tháng 9.2008, Acer mua lại một công ty sản xuất di động Đài Loan mang tên E-Ten với giá 275 triệu USD để sở hữu cơ sở hạ tầng sản xuất và hơn 100 kỹ sư thiết kế smartphone của hãng này.

Tiếp đó, hiểu rằng thiết kế thông minh chưa đủ quyết định sự thành công của smartphone mà còn phải là dịch vụ, Acer đã nghĩ đến việc gia tăng sức mạnh về ứng dụng. Tuy nhiên, Acer không có kế hoạch tạo ra kho ứng dụng di động riêng như App Store của Apple, mà sẽ liên kết với các kho ứng dụng sẵn có của Google và Microsoft.

Mới đây nhất, trong tuần đầu tháng 1.2010, Dell tiếp gót gia nhập thị trường với việc trình làng Dell Mini 3 chạy trên hệ điều hành OPhone (có nền tảng là Android cộng với những tùy biến) được bán đầu tiên tại Trung Quốc và Brazil.

 

Hãng sản xuất máy tính Trung Quốc Lenovo cũng dồn lực vào thị trường điện thoại thông minh với phiên bản màn hình cảm ứng chạy hệ điều hành Google Android mang tên LePhone. Lenovo cho biết, LePhone sẽ có mặt tại Trung Quốc trong năm nay và Hãng sẽ tập trung phát triển thị trường Trung Quốc trước để tạo bàn đạp tấn công sang các thị trường khác.

Và chắc rằng, những smartphone của Acer, Dell, Lenovo cũng sẽ không bỏ qua thị trường Việt Nam nhiều tiềm năng! Như vậy, Nokia phải làm gì để bảo vệ “ngai vàng”? “Một chiến lược nâng cấp phần mềm, cộng với việc tung ra các dòng sản phẩm cao cấp để làm tăng khả năng cạnh tranh”, Giám đốc Bộ phận smartphone của Nokia ông Jo Harlow nói.

Cách đây 1 năm, Nokia đã chi một khoản tiền không nhỏ (khoảng 370 triệu USD) để mua cổ phần của nhà cung cấp hệ điều hành Symbian và biến phần mềm Symbian và Series 60 thành Symbian Foundation, một dạng hệ điều hành mã nguồn mở, cho phép tất cả những ai quan tâm đều có thể tham gia phát triển các ứng dụng trên điện thoại di động.

Nhưng theo Ben Wood, Giám đốc Công ty Nghiên cứu CCS Insight, hệ điều hành Linux Maemo (cũng là hệ điều hành mã nguồn mở) với rất nhiều tính năng mới mới có thể giúp Nokia cạnh tranh được với Apple và các đối thủ khác.

Thực tế, N900 chính là dòng smartphone đầu tiên của Nokia chạy trên nền tảng Linux Maemo. So với Symbian, Ben Wood nói, “Maemo sẽ là tương lai của các dòng sản phẩm N-series”.

Bên cạnh đó, có tin đồn Nokia đang hợp tác với hãng Verizon Communications để sản xuất một mẫu điện thoại 4G.

Liệu Nokia toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng có thể giữ được vị thế của mình khi trong “đại dương” giờ đây đã có quá nhiều “cá mập”.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày