Cho vay ngang hàng: Doanh nghiệp “vừa đi vừa dò đường”
Ngày một nhiều quỹ đầu tư nước ngoài bắt tay với fintech (công ty công nghệ tài chính) để thực hiện dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P). Ông Mai Duy Quang, Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), nói với NCĐT rằng: “Khi các quỹ tài chính đổ tiền vào, cộng thêm mạng lưới của quỹ tài chính, các startup sẽ đi nhanh hơn rất nhiều”.
Các công ty P2P đã tạo ra một hệ thống mà trong đó hai bên, bên vay và bên cho vay, có thể trực tiếp liên lạc và thỏa thuận với nhau. Các công ty này chấm điểm tín dụng và thu phí cho việc kết nối, không hưởng lợi từ chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động.
Ông nói thêm “khoảng 10 fintech đang cho vay ngang hàng”, trong khi nhiều startup đang tìm kiếm sự hậu thuẫn về tiền đầu tư, cũng như sự trợ giúp để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và có kế hoạch đi ra ngoài.
Dư địa phát triển
Thuật ngữ cho vay ngang hàng được nhắc đến ngày một nhiều trên thị trường, đặc biệt là sau khi Sàn kết nối tài chính Tima công bố khoản đầu tư 3 triệu USD ở vòng đầu tư thứ hai (series B) từ Quỹ đầu tư ngoại Belt Road Capital Management (BRCM), giúp công ty này được định giá gần 500 tỷ đồng.
Tima trước đó cũng đã nhận được khoản đầu tư vòng thứ nhất (series A) từ các quỹ đầu tư Dunearn Singapore Fund và G Capital vào năm 2016 dù chỉ mới khởi nghiệp vào năm 2015.
Kế hoạch của Tima cho nguồn vốn mới này là sử dụng cho mục tiêu tăng trưởng, mở rộng địa bàn hoạt động ra ở 63 tỉnh, thành phố, tăng đầu tư cho công nghệ tài chính và tuyển dụng. Tổng Giám đốc của Tima, ông Trần Thế Vĩnh, tại họp báo hôm 1.10, cho đây là cách "kết nối người vay với người cho vay nhanh chóng và tiện lợi”.
Tima sử cũng dụng dịch vụ của Bảo hiểm VietinBank VBI (Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam) để cung cấp cho người vay vốn. Ông Vĩnh tin rằng giải pháp của Bảo hiểm VietinBank sẽ giúp cho khách hàng vững tâm khi sử dụng dịch vụ của Tima.
Trên thực tế, Tima chỉ là một trong nhiều fintech nhận được vốn đầu tư từ các quỹ tài chính nước ngoài. Đầu tư vào lĩnh vực fintech Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh. Theo thống kê của Topica Founder Institute (TFI), tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tài chính năm 2016 chỉ khoảng 160 triệu USD, năm 2017 khoảng 291 triệu USD, nhưng năm nay ước tính tăng lên mức 350-400 triệu USD.
Phát triển dịch vụ cho vay ngang hàng đang, một xu hướng tất yếu của nền kinh tế chia sẻ và hầu hết các quốc gia trong khu vực và thế giới đang đi theo xu hướng này. Một điều ông Quang chắc chắn rằng: “Doanh nghiệp Việt sẽ không vì sợ rủi ro mà chịu đi đường vòng và điều này, các quỹ tài chính đã nhìn thấy”.
Cho vay tiêu dùng đã tăng trưởng theo cấp số nhân trong vài năm gần đây, với dư nợ đạt 47,84 tỷ USD vào cuối năm 2017, theo số liệu từ Viện Chiến lược Ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và StoxPlus, nhưng thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam vẫn đứng sau các nước khác trong khu vực. |
Trong khi đó, ông Witt Gatchell, Giám đốc Đầu tư của Belt Road Capital, cũng xác nhận, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Với nền tảng của Tima trên thị trường, ông Witt tin rằng công ty đang có cơ hội rất lớn trong việc phát triển và mở rộng kinh doanh.
Theo ông Witt, đầu tư 3 triệu USD vào Tima là khoản đầu tư đầu tiên của quỹ này tại thị trường Việt Nam. Trước đó, Belt Road Capital đã đầu tư 7 triệu USD vào Oway, một công ty taxi và du lịch hàng đầu tại Myanmar, trong vòng gọi vốn 14,7 triệu USD của startup này.
Loay hoay pháp lý
Fintech đang làm thay đổi cách vận hành hệ thống tài chính trong nước, nhưng, Việt Nam đến nay vẫn loay hoay với vấn đề hành lang pháp lý, dù thị trường hay sức mạnh công nghệ đều không thua kém các quốc gia trong khu vực.
Những tiện ích vượt trội nhờ công nghệ cộng với quá trình xét duyệt phức tạp và yêu cầu khắt khe của ngân hàng đang khiến mô hình này phát triển mạnh. Một khảo sát của Tima cho thấy, đang có 23.775 đơn vị, cá nhân cho vay và 2.133.405 người vay trên các nền tảng công nghệ.
Trong khi đó hoạt động cho vay ngang hàng, nếu có một hành lang pháp lý đủ mạnh có thể giúp các nhà quản lý theo kịp được tốc độ phát triển của mô hình này, đồng thời ngăn chặn được một phần không nhỏ rủi ro cho các công ty P2P trong nước.
Phó chủ tịch VINASA cho biết "mảng cho vay ngang hàng, doanh nghiệp vẫn phải “vừa đi vừa dò đường”, trong khi ở một số nước trong khu vực đã thể chế hóa hoạt động này, doanh nghiệp vững tin hơn khi triển khai các kế hoạch đầu tư, kinh doanh".
“Pháp lý có thể đi sau, có thể 1 đến 2 năm, với lý do thận trọng, nhưng không nên quá chậm so với tốc độ phát triển của thị trường. Bởi vì, cho vay ngang hàng tương đối nhạy cảm, cần một sự hỗ trợ rất lớn về pháp lý, tài chính cũng như sự hậu thuẫn của nhiều bên”.
Một tin tốt là Ngân hàng Nhà nước trong cơ chế quản lý thử nghiệm với công nghệ tài chính, đã tính đến vấn đề pháp lý cho hoạt động cho vay ngang hàng, nhằm quản lý được hình thức kinh doanh ngày, cũng như tạo điện kiện cho doanh nghiệp fintech phá triển.
Dù vậy, Phó chủ tịch VINASA nói thêm rằng, điều quan trọng là các công ty P2P cần chú trọng “kiểm soát về tài chính và nguồn vốn” cũng như “cẩn trọng trong việc sử dụng tín dụng đen”.
Ông Quang, cựu sinh viên Đại học FPT, cảnh báo rằng, tỷ lệ thành công và thất bại của mô hình này là 50-50. Truyền thống tín dụng đen là lý do khiến hàng loạt công ty P2P bị đổ vỡ tại của Trung Quốc.
Quy mô của ngành công nghiệp cho vay ngang hàng của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới, với dư nợ 1,49 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 217,96 tỷ USD, theo trang p2p001.com của Viện nghiên cứu tài chính Internet Thâm Quyến Qiancheng.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư