Kinh Doanh

Cổ đông Vinamilk chất vấn vai trò của ông Nguyễn Bá Dương trong HĐQT

Thứ Bảy | 15/04/2017 11:15

Hội đồng quản trị Vinamilk đã quyết định mời ông Nguyễn Bá Dương tham gia làm thành viên HĐQT nhằm phụ trách các vấn đề về lương thưởng.

Sáng nay (15/4), CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã VNM) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017.

Tại Đại hội, cổ đông Vinamilk đã chất vấn ban lãnh đạo công ty về vai trò của ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP xây dựng Coteccons (CTD), trong ban điều hành nhiệm kỳ mới 2017-2021.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, cho biết HĐQT công ty đã nghiên cứu rất kỹ. Năm nay Vinamilk sẽ cơ cấu lại, ít nhất 1/3 HĐQT là thành viên độc lập. Với 9 người trong HĐQT nhiệm kỳ này, ba thành viên độc lập sẽ phụ trách các tiểu ban quan trọng gồm nhân sự, kiểm toán và lương thưởng.
 
"Ông Dương là Chủ tịch của một công ty phát triển rất mạnh và có kinh nghiệm trong quản lý", bà Liên nói và cho biết HĐQT Vinamilk mời ông về làm trưởng tiểu ban lương thưởng. "Ông sẽ quyết định lương thưởng đối với nhân viên như thế nào là phù hợp và hài hòa lợi ích cho các cổ đông."

Năm nay, Vinamilk cũng sẽ tiến hành thay đổi cơ cấu quản trị từ mô hình Ban Kiểm soát sang mô hình Tiểu ban Kiểm toán (tên gọi khác là Ban Kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT). Theo các chuyên gia, luật doanh nghiệp đã quy định tại điều 134, doanh nghiệp có quyền lựa chọn mô hình quản trị. Vinamilk chuyển sang mô hình mới hoàn toàn phù hợp với luật và phù hợp với mong muốn của người làm luật. Theo vị chuyên gia, mô hình mới giúp Vinamilk có được sự tin cậy và tiếng nói khi đàm phán với các đối tác nước ngoài, đồng thời có vai trò lớn trong việc bảo vệ lợi ích của cổ đông thiểu số.

Một vị luật sư khác cũng xác nhận tính pháp lý của mô hình quản trị mới của Vinamilk và cho biết vai trò mới này đòi hỏi tối thiểu phải có 20% thành viên độc lập trong HĐQT.

Về kết quả kinh doanh quý I, bà Mai Kiều Liên cho biết, doanh thu quý này tăng 16,1%, lợi nhuận trước thuế tăng 30,3%, sau thuế tăng 34% so với quý I/2016. Như vậy, ước tính doanh thu quý I của Vinamilk đạt 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.900 tỷ đồng.

Lý giải kết quả kinh doanh quý I tăng trưởng mạnh, lãnh đạo Vinamilk cho biết giá sữa tăng trong thời gian qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, năm nay, lợi nhuận tăng nhanh hơn doanh thu vì chi phí bán hàng và marketing không tăng. Lường trước giá nguyên liệu tăng nên Vinamilk đã kìm hãm bớt chi phí bán hàng, bà Liên giải thích và cho biết để thận trọng, Vinamilk vẫn xin duyệt kế hoạch đệ trình và mong cổ đông chấp thuận.

Năm nay, Vinamilk đặt kế hoạch doanh thu 51.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 9.735 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8% và 4% so với năm 2016. Tỷ lệ cổ tức được đề xuất trình cổ đông phê duyệt là tối thiếu 50% lợi nhuận sau thuế, chi trả bằng tiền.

Công ty không chia cổ phiếu thưởng trong năm nay vì còn tùy thuộc vào kết quả lợi nhuận 2017, dự phòng tiền để đầu tư phát triển, M&A trong và ngoài nước, rồi mới xem xét việc chia cổ phiếu thưởng.

Chia sẻ với cổ đông, ông Lê Song Lai, Thành viên HĐQT Vinamilk, cho biết hiện nay SCIC đang báo cáo chính phủ tiếp tục triển khai thoái vốn Vinamilk thời gian tới. SCIC sẽ thoái vốn khi nhận được sự chấp thuận của Chính phủ và sẽ lựa chọn nhà đầu tư có cam kết lâu dài với công ty.

Năm 2016, tổng doanh thu của Vinamilk đạt 46.965 tỷ đồng, vượt 5% kế hoạch đề ra, lợi nhuận sau thuế cũng vượt 13% kế hoạch khi đạt 9.364 tỷ đồng. Như vậy, kể từ khi lên sàn năm 2006, đến nay doanh thu của Vinamilk đã tăng hơn 7 lần, lợi nhuận tăng gấp 17 lần.

Đến cuối năm 2016, thị phần sữa nước của Vinamilk đạt 54,5%, thị phần sữa chua ăn đạt 84,7%, sữa chua uống 33,9%, thị phần sữa bột trẻ em trên cả nước đạt 40,6%, còn sữa đặc chiếm 79,9% thị phần.

Danh sách các ứng viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021, gồm có:

Bà Mai Kiều Liên (1953), là Tổng Giám đốc Vinamilk từ tháng 12/1992 đến nay.

Bà Lê Thị Băng Tâm (1947), Chủ tịch HĐQT Vinamilk từ tháng 7/2015 đến nay.

Hai đại diện của cổ đông lớn SCIC là bà Đặng Thị Thu Hà (1973), Phó trưởng ban - Ban Đầu tư 3 Công ty kinh doanh vốn nhà nước SCIC và ông Nguyễn Hồng Hiển (1974), Phó Tổng giám đốc SCIC.

Hai đại diện đến từ Fraser và Neave (F&N), tổ chức hiện là cổ đông lớn thứ hai của Vinamilk, gồm ông Michael Chye Hin Fah (sinh năm 1959) và ông Lee Meng Tat (1963), quốc tịch Singapore. Tính đến ngày 17/3/2017, F&N đang sở hữu 17,88% cổ phần Vinamilk.

Đáng chú ý, trong danh sách này có ông Nguyễn Bá Dương (1959), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP xây dựng Coteccons (CTD) đồng thời là Chủ tịch CTCP Xây dựng Unicons và là Thành viên HĐQT CTCP Xây dựng Ricons. Ông được khen thưởng là một trong 10 Nhà lãnh đạo phát triển đội ngũ xuất sắc nhất Việt Nam.

Ông Đỗ Lê Hùng (1969), từng là Giám đốc Kiểm toán và Kiểm soát nội bộ của Big C Việt Nam trước cuối năm 2016.

Ông Lê Thành Liêm (1973), là Giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng Vinamilk từ tháng 12/2015 đến nay.

Trường Văn


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày