Kinh Doanh

Giới hạn mất giá của tiền đồng là bao nhiêu?

Vũ Hoài Thứ Năm | 26/03/2020 07:49

Ảnh: TBCK.

Vừa qua, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, đồng nghĩa với việc đồng VND của Việt Nam đang trở nên mất giá…
Ảnh: TBCK.

Theo tỷ giá công bố của Ngân hàng Vietcombank ngày 25/03, tỷ giá bán của USD/VND đã lên mức 23.675.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán TP HCM (HSC), về mặt lý thuyết, sự mất giá của tiền đồng không có nhiều bất ngờ.

DXY Chart. Ảnh: Tradingview.
DXY Chart. Ảnh: Tradingview.

Theo lý giải của HSC, mốc 100 điểm của DXY thường được coi là ngưỡng tâm lý khiến tiền đồng mất giá. Lần gần đây nhất chỉ số DXY vượt ngưỡng 100 điểm là năm 2016, khi đó đã làm VND giảm 2,33% so với USD trong một tháng (nhưng tính cho cả năm đó VND chỉ giảm 1,41%).

Thêm vào đó, tỷ giá USD/VND đã đi ngang trong khoảng thời gian tương đối dài (tính đến thời điểm này là khoảng 15 tháng, nếu không tính một đợt tăng ngắn hạn trong tháng 5/2019), tích tụ đủ kỳ vọng cho đợt mất giá tiếp theo.

Tuy nhiên, quan điểm của HSC, giới hạn mất giá của VND là 2,5%.

Mặc dù tỷ giá USD/VND gần đây có biến động mạnh, HSC không nghĩ có thể có thêm một đợt tăng mạnh nữa trong năm.

Thứ nhất, giá dầu giảm ảnh hưởng không đáng kể đến thu ngân sách

Khác so với các thập kỷ trước, nguồn thu từ sản xuất và xuất khẩu dầu chỉ đóng góp 3,5% vào NSNN Việt Nam trong năm 2019. Do vậy, việc giá dầu thô giảm mạnh trên 50% trong 30 ngày qua ảnh hưởng không đáng kể đến đồng VND; khác với trường hợp của Malaysia (thu ngân sách từ dầu chiếm 21%) và Indonesia (chiếm 7,4%).

 

Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đầu tư vào thị trường trái phiếu Việt Nam không đáng kể

 

Nếu loại trừ các công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại thị trường Việt Nam, tỷ lệ của các NĐTNN đầu tư vào thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam là dưới 1%, theo số liệu của Bộ Tài chính.

Có thể thấy rằng các quốc gia có tỷ lệ NĐTNN đầu tư vào thị trường trái phiếu cao thì đồng nội tệ có nguy cơ mất giá sẽ cao trong thời kỳ khủng hoảng; đó là lý do tại sao VND không phải đối mặt với áp lực tương tự như Rupiah của Indonesia, Ringgit của Malaysia hoặc Baht của Thái.

Thứ ba, chính sách tiền tệ: VND không phải là đồng tiền tự do chuyển đổi

NHNN cũng có nhiều chính sách hỗ trợ VND trước áp lực mất giá, trong đó có chính sách điều hành lãi suất. Ngay cả sau đợt cắt giảm lãi suất vào tuần trước, lãi suất OMO của NHNN vẫn ở mức cao (3,5%) so với Mỹ (0,25%), Thái Lan (1%), Malaysia (2,5%), Trung Quốc (2,4%) và gần như cùng mức với Philippines (3,25%).

Ngoài ra, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước tính khoảng 83-85 tỷ USD, lớn hơn đáng kể so với trước, đủ giúp NHNN tự tin can thiệp khi cần thiết.

Nhìn về quá khứ, HSC dẫn chứng việc đồng VND bị mất giá vài lần trong 10 năm qua. Cụ thể,  vào năm 2011, VND giảm 5,1% so với USD do khủng hoảng nợ xấu, đi kèm với lạm phát cao (23%).

Trong giai đoạn năm 2014 - 2015, VND giảm 7% do đồng USD tăng mạnh: chỉ số DXY tăng 25% từ 80 điểm lên 100 điểm. Năm 2016, VND bị mất giá khoảng 1,5% do chỉ số DXY tăng 7%, vượt mốc 100 điểm. Và năm 2018, VND giảm 2,2% do thị trường chứng khoán sụt 20% và chỉ số DXY tăng gần 10%.

Với các lý do nêu trên, cùng kinh nghiệm thực tế, và chỉ số DXY* được cho là không vượt mốc 105 điểm, HSC cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ tăng không quá 2,5% trong năm nay.

(*) DXY là một chỉ số đo lường giá trị của đồng USD so với một nhóm các đồng tiền của các quốc gia hàng đầu thế giới đồng thời là đối tác thương mại lớn của Mỹ.

Có thể bạn quan tâm 

►Dịch COVID-19 ít ảnh hưởng tới ngành điện trong ngắn hạn

►Vì sao tiền đồng sẽ không mất giá quá mạnh so với USD trong thời gian tới?

Nguồn Công ty chứng khoán HSC


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày