Kinh Doanh

Lực đẩy “bình đẳng” cho kinh tế tư nhân

Minh Đức Thứ Tư | 08/02/2023 10:53

Nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam đã tạo việc làm cho 10,4% lao động.

Là động lực quan trọng cho tăng trưởng nhưng khu vực kinh tế tư nhân vẫn bị nhiều rào cản lớn về chính sách.
Nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam đã tạo việc làm cho 10,4% lao động.

Ngôi sao bị “phân biệt đối xử”?

Tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo giảm từ 8% trong năm ngoái về 6% trong năm nay, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phủ bóng đen suy thoái. Nhiều khó khăn trước mắt khiến giới chuyên môn đang phải đánh giá lại mục tiêu về phát triển kinh tế, trong đó có mục tiêu phát triển trụ cột kinh tế tư nhân.

Cụ thể, Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ mới đây đã đưa ra định hướng: khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, với tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60%-65%.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu lớn này, cần có những chính sách đột phá nhằm gỡ bỏ nhiều rào cản và vướng mắc hiện hữu. Bởi vì, theo ông Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Việt Nam vẫn lúng túng chưa biết làm thế nào để xây dựng được một đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh và hùng hậu. Nếu không làm được điều này, nền kinh tế sẽ khó phát triển. 

Thực tế, sau Đổi mới và hơn 30 năm phát triển, tại Việt Nam đã xuất hiện những doanh nghiệp tư nhân lớn, hoạt động đa ngành, mang tầm cỡ quốc tế. Nhiều cái tên trong khối doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ của Việt Nam đã xuất hiện như Vingroup, Thế Giới Di Động, Vinamilk, Doji, Thaco, Hòa Phát, FPT, Vietjet, VPBank, Masan…

Theo dữ liệu của Economica Việt Nam, trong tỉ trọng đóng góp gần 40% vào GDP của kinh tế tư nhân thì 75% đến từ khu vực kinh tế tư nhân không chính thức. Mức đóng góp của khu vực chính thức với gần 900.000 doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 25%.

Theo kết quả đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) công bố năm 2022, nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (chiếm 0,089% tổng số doanh nghiệp) nhưng đã tạo việc làm cho 10,4% lao động, chiếm 13% tổng tài sản và tạo ra 15,8% doanh thu thuần.

Dù kinh tế tư nhân là ngôi sao trong hành trình đến một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045 nhưng dường như cơ chế, chính sách cho khu vực kinh tế này vẫn kém thuận lợi so với khu vực kinh tế nhà nước và FDI. Nguyên nhân, theo giới chuyên môn nhận định, là do môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn thiếu thuận lợi và bức xúc nhất hiện nay vẫn là tình trạng "phân biệt đối xử". 

Khảo sát vừa qua của VCCI cho thấy, có 39,5% doanh nghiệp tư nhân cho biết, lãnh đạo các địa phương vẫn ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước hơn là phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Các doanh nghiệp tư nhân luôn gặp khó trong tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, cũng như bất lợi về thanh, kiểm tra, thuế, hải quan so với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước…Vì vậy, đầu tư của khối doanh nghiệp tư nhân vẫn thiên về ngắn hạn, nhỏ lẻ và không mang tính chiến lược dài hạn. 

Cũng như khối doanh nghiệp nhà nước, khối doanh nghiệp FDI dù hưởng nhiều ưu đãi nhưng hiệu quả không tương xứng, thậm chí là báo lỗ thường xuyên. Chẳng hạn, trong báo cáo của Bộ Tài chính đánh giá về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp FDI năm 2021 công bố ngày 28/12/2022, năm 2021, cả nước có hơn 14.200 doanh nghiệp FDI báo lỗ, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp, tăng 11% so với năm 2020. Tổng giá trị lỗ lên tới hơn 168.000 tỉ đồng. 

Nhìn nhận lại trong thế bình đẳng

Để thúc đẩy các động lực tăng trưởng trong thời kỳ mới, Việt Nam phải mở rộng quy mô bằng cách duy trì tốc độ tăng trưởng kỳ vọng; mặt khác, nâng cao nội lực của nền kinh tế thể hiện bằng vai trò và sức mạnh của khối nội, trong đó vai trò quan trọng của doanh nghiệp tư nhân và thu nhập thực tế của người lao động.Qua hơn 30 năm, khối FDI chỉ nổi trội trong các con số xuất khẩu nhưng chưa đem lại gì nhiều cho Việt Nam về công nghệ, lao động hay thuế. Tốc độ tăng luồng tiền chảy ra nước ngoài lớn hơn mức tăng trưởng GDP chỉ chứng tỏ Việt Nam vẫn luôn chịu thiệt.

Dây chuyền in ấn Saigon Plastic.
Dây chuyền in ấn tại Công ty Saigon Plastic. Ảnh: Quý Hoà

Vì vậy, để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, những ưu đãi về chính sách thuế, đất đai… dành cho khối FDI cần được nhìn nhận lại trong thế bình đẳng với doanh nghiệp trong nước trong Luật Doanh nghiệp, các luật về quản lý thuế, thuế và một số luật có liên quan nhằm hình thành một hình thức pháp lý phù hợp, một khung pháp lý thuận lợi...

 

Chẳng hạn, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nhìn nhận, thuế tối thiểu toàn cầu được xây dựng nhằm ngăn chặn “cuộc đua xuống đáy”, tức việc các nước đua nhau giảm thuế để thu hút các doanh nghiệp FDI. Khung pháp lý về thuế của Việt Nam nói riêng được hoàn thiện hơn, từ đó, thúc đẩy sửa đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam theo hướng giảm ưu đãi về thuế và tăng cường cạnh tranh bằng môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, nhân lực...

Bên cạnh đó, Việt Nam đang bàn thảo về thuế tối thiểu toàn cầu nhằm  góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế, chặn hiện tượng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài - một chiêu né thuế tinh vi của các tập đoàn xuyên quốc gia tại Việt Nam. Theo tính toán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các tập đoàn đa quốc gia lẩn tránh khoảng 100-240 tỉ USD tiền thuế hằng năm của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. 

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài,cho biết quy định ưu đãi đầu tư đặc biệt nằm trong chiến lược thu hút đầu tư FDI có chọn lọc đã được Chính phủ đề ra. Quy định này khuyến khích các nhà đầu tư FDI vốn lớn, công nghệ cao gắn bó lâu dài với Việt Nam. Nó cũng thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, tăng tính lan tỏa của đầu tư FDI mà lâu nay chúng ta vẫn đề cập.

Trước quan điểm cho rằng cơ chế ưu đãi đặc biệt chỉ hướng tới các doanh nghiệp FDI quy mô lớn đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam, ông Toàn cho rằng cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cũng khuyến khích các doanh nghiệp lớn trong nước, những "sếu đầu đàn" vươn lên, dần làm chủ công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất, bắt tay và cạnh tranh sòng phẳng với các nhà đầu tư nước ngoài.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày