Kinh Doanh

Ngân hàng trước áp lực thu hẹp NIM

Nhật Anh Thứ Ba | 27/08/2024 19:00

Lãi suất cho vay các giao dịch mới của các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm nhưng có xu hướng chậm lại. Ảnh: TL.

NIM có thể đi ngang trong 3 quý đầu năm 2024 và chịu áp lực thu hẹp vào quý IV/2024.
Lãi suất cho vay các giao dịch mới của các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm nhưng có xu hướng chậm lại. Ảnh: TL.

Số liệu từ báo cáo của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) cho thấy, tỉ lệ NIM toàn ngành giảm nhẹ trong 6 tháng đầu năm và đạt khoảng 3,27%, so với mức 3,42% của cùng kỳ năm 2023 và 3,4% trong 6 tháng cuối năm. Mức tỉ lệ này nhìn chung đã trở lại với với giai đoạn bình thường của ngành ngân hàng trước COVID-19 và thấp hơn so với giai đoạn 2021 - 2022 (là giai đoạn mặt bằng lãi suất cho vay giảm chậm hơn so với lãi suất tiền gửi).  

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay và tiền gửi đều đã giảm trong 6 tháng đầu năm 2024. Lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96%/năm so với cuối năm 2023. 

Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động thu hẹp lại, tạo áp lực lên biên lãi thuần các ngân hàng trong các quý tới. Nguồn: Agriseco Research.
Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động thu hẹp lại, tạo áp lực lên biên lãi thuần các ngân hàng trong các quý tới. Nguồn: Agriseco Research.

Trong khi đó, số liệu từ thống kê sơ bộ của NCĐT cho thấy, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng đang ở mức bình quân dưới 5,5%/năm.  

Theo Agriseco Research, sự phân hóa trái chiều của lãi suất huy động và cho vay tạo áp lực vào NIM của các ngân hàng giai đoạn cuối năm. Lãi suất cho vay các giao dịch mới của các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm nhưng có xu hướng chậm lại, tính đến 30/6/2024 giảm bình quân 0,62% so với cuối năm 2023; trong khi đó mặt bằng lãi suất tiền gửi ở mức tương đương. Bên cạnh đó lãi suất tiền gửi đang có tín hiệu tăng nhẹ từ đầu tháng 5 với mức tăng phổ biến từ 0,5%-1%.  

"Trong tháng 6, theo ghi nhận của chúng tôi đã có hơn 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động và đang tiếp tục diễn ra trong tháng 7. Điều này có thể khiến chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động thu hẹp lại, tạo áp lực lên biên lãi thuần các ngân hàng trong các quý tới", Agriseco Research nhận định.  

 

Ở góc nhìn khác, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần lên từ mức đáy, tuy nhiên mặt bằng lãi suất ở thời điểm hiện tại vẫn đang thấp hơn mức lãi suất huy động trung bình 3 năm trước giai đoạn dịch COVID-19.  

"Chúng tôi cho rằng tác động của việc tăng lãi suất lên NIM của hệ thống ngân hàng sẽ có độ trễ từ 3 - 6 tháng, áp lực có thể sẽ rõ ràng hơn từ quý IV/2024", VCBS nhận định.  

Theo VCBS, NIM của các ngân hàng có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ trong năm 2024. Cụ thể, tổ chức này cho rằng NIM có thể đi ngang trong 3 quý đầu năm 2024 và chịu áp lực thu hẹp vào quý IV/2024 trong kịch bản lãi suất huy động tăng thêm từ 50-100 điểm cơ bản.  

Cùng với đó, các ngân hàng cũng có sự phân hóa nhất định, tiềm năng mở rộng NIM thuộc về những ngân hàng có lợi thế trong hoạt động huy động vốn (có tỉ trọng CASA cao, đa dạng hóa nguồn vốn thông qua phát hành giấy tờ có giá, vay hợp vốn nước ngoài …) và có chất lượng tài sản tốt, tập khách hàng có khả năng trả nợ hồi phục nhanh chóng. Có khả năng đẩy mạnh tỉ trọng cho vay bán lẻ. 

Có thể bạn quan tâm 

“Chìa khóa” để duy trì dòng vốn FDI mạnh mẽ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày