Xu hướng mua sắm mới nhất: Không mua
Nhiều người tham gia vào xu hướng tiêu thụ dưới mức cũng cho biết đã chán ngấy tiếp thị không chân thực từ các công ty và người có sức ảnh hưởng. Ảnh: Getty Images.
Nhiều người tiêu dùng đã chán ngán cảm giác như họ phải bắt chước một lối sống không thể đạt được.Những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội thường truyền tải lối sống hoặc giới thiệu sản phẩm cho người theo dõi, thúc giục họ mua quần áo mới, đồ dùng vệ sinh công nghệ cao hoặc sản phẩm chăm sóc tóc mới nhất. Nhưng một số người dùng cho biết cảm thấy quá áp lực khi phải liên tục mua đồ mới.
Từ đó đã có làn sóng theo đuổi lối sống "Underconsumption core", có thể hiểu là lối sống chỉ sử dụng một số ít đồ vật trong nhiều năm thay vì chạy theo xu hướng mới nhất. Trên mạng xã hội, những người có sức ảnh hưởng hưởng ứng phong cách tiêu dùng dưới mức đã khoe những món đồ mà họ dùng trong thời gian dài, như khăn tắm thừa kế từ cha mẹ, bộ sưu tập đồ trang điểm chỉ có một vài sản phẩm, nội thất cũ mua ở các cửa hàng đồ si và họ không có kế hoạch mua thêm cho đến khi những món đồ đó hết sử dụng được.
Theo dữ liệu của Google Trends, tìm kiếm về “underconsumption core” đã tăng hơn 4.250% trong 12 tháng qua tính đến ngày 6/9. Người dùng đang đăng video trên TikTok để khoe lối sống underconsumption core của họ, nhiều video nhận được hàng trăm nghìn lượt thích.
Các chuyên gia cho biết xu hướng cốt lõi của tình trạng tiêu thụ dưới mức không chỉ là duy trì ngân sách hoặc muốn giảm thiểu đồ đạc. Nhiều người tiêu dùng đã chán ngán cảm giác như họ phải bắt chước một lối sống không thể đạt được. Đồng thời, họ đang tìm cách giảm thiểu lượng khí thải carbon của mình.
Bà Bea lưu ý rằng, một thuật ngữ thích hợp hơn cho tình trạng tiêu thụ dưới mức sẽ là tiêu thụ bình thường, đối lập hoàn toàn với tiêu thụ quá mức: Chẳng hạn tủ đầy ắp cốc nước Stanley đủ màu sắc, quần áo trị giá hàng nghìn USD và kệ lấp đầy đồ ăn nhẹ, mỹ phẩm hoặc sản phẩm vệ sinh cá nhân được sắp xếp tỉ mỉ.
Xu hướng tiêu dùng dưới mức diễn ra khi người tiêu dùng vật lộn với lãi suất cao trong nhiều thập kỷ và một đợt lạm phát thất thường đã đẩy giá mọi thứ từ hàng tạp hóa đến ăn uống bên ngoài, tiền thuê nhà đều tăng cao. Tiền tiết kiệm tích lũy trong thời kỳ đại dịch Covid đang cạn kiệt, các doanh nghiệp đang sa thải nhân viên và một số nhà kinh tế lo ngại rằng Mỹ có thể rơi vào suy thoái.
Chuẩn hóa chi tiêu ít hơn
Cô Diana Wiebe, 30 tuổi, đăng các video “de-influence” (tạm dịch: chống lại sức ảnh hưởng) trên TikTok cho hơn 200.000 người theo dõi.
Các nhà bán lẻ từ Kohl's đến Best Buy đến Home Depot đã bị ảnh hưởng trong những tháng gần đây do chi tiêu của người tiêu dùng giảm. Trái ngược với một vài năm trước, khi người Mỹ bị kẹt ở nhà do các hạn chế của đại dịch Covid đã mua mọi thứ từ vật dụng làm bánh mì, thiết bị tập thể dục đến đồ điện tử.
Nhiều người tham gia vào xu hướng tiêu thụ dưới mức cũng cho biết đã chán ngấy tiếp thị không chân thực từ các công ty và người có sức ảnh hưởng. Cô Wiebe chỉ ra rằng những người có sức ảnh hưởng thường được tặng quà hoặc được các công ty trả tiền để quảng bá sản phẩm, khiến thói quen chi tiêu xa hoa của họ trở nên không thực tế đối với hầu hết người Mỹ.
Cô Katrina Leibee, Biên tập viên truyền thông xã hội tại một tờ báo ở Denver, cho biết cô đặc biệt thấy mệt mỏi với những video mà người có sức ảnh hưởng quảng cáo những sản phẩm "phải có" cho người theo dõi, bao gồm quần áo hợp thời trang, đồ trang trí nhà cửa và sản phẩm làm đẹp.
“Nếu bạn cần, bạn đã có rồi”, cô Leibee, 24 tuổi, cho biết.
Mối quan tâm về môi trường
Những người ủng hộ tiêu thụ dưới mức cho rằng xu hướng này cũng liên quan đến việc mua hàng tập trung vào chất lượng, một mô hình mà nhiều doanh nghiệp đã chỉ ra trong những tháng gần đây. Ví dụ, với mức giá cao hơn ở tất cả các nhà hàng, nhiều thực khách đang lựa chọn ăn tại một nhà hàng có phục vụ thay một quán ăn nhanh.
Cô Eleanor, 24 tuổi, làm việc bán thời gian tại một công ty xây dựng ở Utah, cho biết cô ưu tiên mua sắm có ý thức hơn là tiết kiệm từng xu. Cô sở hữu một số quần jeans có giá hơn 150 USD, những món đồ cô tin là xứng đáng với mức giá cao ngất ngưởng của chúng vì độ bền của chúng so với thời trang nhanh.
Cô Eleanor cho biết thói quen chi tiêu của mình xuất phát từ mối quan tâm đến môi trường. Cô từng sống ở Tây Phi, nơi cô tận mắt chứng kiến hàng tấn chất thải dệt may đổ vào lục địa này từ một lượng lớn thời trang nhanh bị loại bỏ.
Cô nói: "Thay vì mua 20 bộ đồ bơi trên Amazon, tôi sẽ mua hai bộ đồ bơi đắt tiền hơn nhưng tôi thực sự thích và có thể mặc trong nhiều năm".
Tuy nhiên, người Mỹ vẫn đang chi tiêu.
Mặc dù xu hướng tiêu dùng dưới mức phổ biến, chi tiêu tại Mỹ nhìn chung vẫn mạnh mẽ. Doanh số bán lẻ tăng 1% trong tháng 7 so với tháng trước, và vượt qua kỳ vọng của các nhà kinh tế là tăng 0,3%, theo dữ liệu từ Bộ Thương mại.
Có thể bạn quan tâm:
"Cú sốc Trung Quốc" với trung tâm thương mại xa xỉ Hong Kong
Nguồn CNN
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư