Sẽ không còn các quỹ tiết kiệm của ngân hàng
Thông tư này sẽ có hiệu lực vào ngày 23/10/2013. Theo quy định, trong vòng hai năm kể từ ngày 23/10, các ngân hàng phải nâng cấp các quỹ tiết kiệm lên thành phòng giao dịch hoặc cho giải thể các quỹ tiết kiệm.
Trước đây, các ngân hàng đua nhau mở quỹ tiết kiệm vào khoảng năm 2010 về sau nhằm thu hút tiền gửi và lách quy định lúc đó là NHNN siết việc mở chi nhánh, phòng giao dịch để rà soát lại và nghiên cứu cho ra đời thông tư mới quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại. Sau hơn hai năm nghiên cứu, Thông tư 21 đã được ra đời.
Vì thực hiện ít nghiệp vụ nên điều kiện để xin phép mở một quỹ tiết kiệm trước đây dễ hơn mở chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng, đặc biệt là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, nơi mà ngân hàng có cơ hội huy động vốn và cho vay tốt hơn ở các tỉnh khác. Theo Quyết định 13 năm 2008 của NHNN nay đã bị thay thế bởi Thông tư 21, Thống đốc NHNN đã ủy quyền cho Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố xác nhận đăng ký việc mở quỹ tiết kiệm.
Theo tổng hợp của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online thì đến nay có khoảng hơn 100 quỹ tiết kiệm của các ngân hàng mở tại địa bàn TPHCM. Như vậy, hơn 100 quỹ tiết kiệm này sẽ phải chuyển đổi thành phòng giao dịch hoặc đóng cửa. Tuy nhiên, những ngân hàng nào có số lượng phòng giao dịch đã vượt quá lượng phòng giao dịch tối đa quy định trong Thông tư 21 sẽ khó có thể chuyển quỹ tiết kiệm thành phòng giao dịch.
Thông tư 21 đã có nhiều quy định chặt chẽ hơn về việc mở chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng. Cụ thể, một ngân hàng không được mở hơn 10 chi nhánh tại mỗi khu vực nội thành của TPHCM và Hà Nội. Khu vực nội thành là các quận của hai thành phố trên.
Bên cạnh đó, số lượng phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại tại khu vực nội thành Hà Nội và nội thành TPHCM không được lớn hơn quá hai lần số lượng chi nhánh hiện có của ngân hàng tại mỗi khu vực trên, tức tối đa chỉ được 20 phòng giao dịch tại mỗi khu vực nội thành Hà Nội và TPHCM.
Tuy nhiên, đối với ngân hàng có số lượng chi nhánh và phòng giao dịch vượt quy định tối đa trên trước ngày thông tư này có hiệu lực sẽ không phải điều chỉnh giảm số lượng chi nhánh và phòng giao dịch. Theo khảo sát của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, hiện nay đa số các ngân hàng lớn đều có số chi nhánh và phòng giao dịch vượt mức tối đa quy định tại TPHCM và các ngân hàng này sẽ không được xét mở chi nhánh hoặc phòng giao dịch mới.
Trong khi đó, đa số các ngân hàng nhỏ có số chi nhánh và phòng giao dịch chưa vượt mức tối đa tại TPHCM. Các ngân hàng này sẽ chỉ có thể có tối đa 10 chi nhánh và 20 phòng giao dịch tại mỗi khu vực nội thành TPHCM và Hà Nội.
Nguồn TBKTSG
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư