Kinh Doanh

Sự cố tàu Ever Given và khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam

La Quang Trí (*) Chủ Nhật | 28/03/2021 21:13

Tàu Ever Given mang cờ Panama chỉ dài dưới 400m và rộng 59m và đang trên đường đến Rotterdam. Ảnh: Reuters.

Nếu sự cố này kéo dài, thiệt hại với thương mại toàn cầu không dừng lại ở con số 9,5 tỉ USD nữa.
Tàu Ever Given mang cờ Panama chỉ dài dưới 400m và rộng 59m và đang trên đường đến Rotterdam. Ảnh: Reuters.

Kênh đào Suez dài 190km, rộng 205m sâu 24m đi vào hoạt động từ năm 1869 và là một trong những tuyến hàng hải đông hàng đầu thế giới với khoảng 12% thương mại toàn cầu được vận chuyển qua kênh đào này.

Tàu Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez và những thiệt hại

Những ngày này, sự việc con tàu khổng lồ chắn ngang giữa dòng kênh đào Suez không chỉ làm xôn xao dư luận trong giới hàng hải mà cả xã hội bởi những yếu tố ảnh hưởng của sự cố này là quá lớn. Các nổ lực giải cứu con tàu này kể từ hôm đầu tiên bị cạn là ngày 23 tháng 3 đến nay vẫn chưa có nhiều kết quả.

 Con tàu Ever Given là một trong 13 con tàu container lớn nhất thế giới được đóng vào năm 2018. Tàu có tải trọng GRT là 219.079MT, DWT là 199.489MT, chiều dài là 399,94m, chiều rộng 59m, mớn nước 15,9m chở được khoảng 20.000TEU, đây là một lượng hàng rất lớn.

 Kênh đào Suez là tuyến đường huyết mạch của 12% lượng hàng hoá toàn cầu vận chuyển bằng đường biền qua lại hàng ngày. Trung bình có khoảng 30% lượng container luân chuyển của thế giới đi qua kênh đào này. Nếu vẫn tiếp tục bị nghẽn do cự cố này chưa được xử lý thì dòng luân chuyển của khối hàng hoá trị giá đến hơn 9,5 tỷ USD lưu thông qua kênh đào này mỗi ngày, tính trung bình trị giá 400 triệu USD mỗi giờ là một tổn thất rất lớn cho kinh tế thế giới.

 Kênh đào Suez cũng là tuyến đường mà lượng dầu thô và dầu tinh chế lưu thông qua lại rất lớn. Nếu sự cố vẫn còn kéo dài thì việc ảnh hưởng tiêu cực cho dòng năng lượng toàn cầu và tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến giá năng lượng sẽ có những biến đổi theo chiều hướng tăng cao là không tránh khỏi.

Kênh đào Suez
Kênh đào Suez

 Tàu Ever Given thuộc sở hữu của chủ tàu Shoei Kisen Kaisha Nhật Bản và được quản lý bởi Luster Maritime có trụ sở chính tại Panama nơi con tàu Ever Given mang cờ. Luster Maritime là một công ty thành viên của Shoei Kisen Kaisha Nhật Bản. Con tàu Ever Given được Evergreen thuê định hạn để khai thác.

 Nguyên nhân tàu Ever Given mắc cạn do nguyên nhân gì vẫn còn đang trong quá trình điều tra. Có thể yếu tố thời tiết, có yếu tố con người và cả yếu tố kỹ thuật… điều này sẽ có kết quả sau một quá trình điều tra sau sự cố. Tuy nhiên, thử tính đến các yếu tố thiệt hại do sự cố này có thể dẫn đến.

 Đầu tiên sẽ là thiệt hại cho chính con tàu. Hiện tại, con tàu bị mắc cạn nằm chắn ngang kênh đào, vẫn chưa thấy được các thiệt hại của nó là gì. Song sau khi giải cứu, chắc chắc một số sự cố cho con tàu như biến dạng kết cấu, than vỏ, chân vịt, bánh lái… điều này bắt buộc con tàu sẽ phải lên đà sửa chữa và thiệt hại hàng triệu USD là không tránh khỏi.

 Chi phí qua kênh đã được trả nhưng hiện tại tàu vẫn chưa qua do bị kẹt chi phí phát sinh do tàu nằm lại trong kênh đào có thể sẽ phải được tính thêm. Sau khi được giải cứu con tàu sẽ phải được hỗ trợ kéo ra ngoài vùng neo phía tây của kênh để tránh gây tê liệt kênh. Nếu như bình thường, riêng phí qua kênh của con tàu này khoảng 800.000USD theo ước tính của người viết và tổng các chi phí qua kênh là hơn 900.000usd thì các chi phí hoa tiêu thêm, lai dắt thêm khi bị sự cố là rất đáng kể nữa.

 Tàu Ever Given khởi hành từ Kaohsiung ghé các cảng Qingdao, qua Ningbo và Shanghai để lấy hàng trước khi lên đường đi Rotterdam, Holland. Trị giá tiền hàng trên tàu với 20.000TEU ước tính đến khoảng 500 triệu USD sẽ bị ảnh hưởng rất lớn do chờ đợi trong thời gian dài. Hàng hoá có thể hỏng hóc, có thể bị giao hàng chậm… đều có thể phát sinh thêm chi phí. Đó là chưa kể có thể phải sang hàng cho tàu khác sau khi giải cứu mà tàu Ever Given không thể tiếp tục hành trình.

Tàu Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez
Tàu Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez

 Với rất nhiều đội cứu hộ tinh nhuệ sẽ phải tham gia và với các trang thiết bị hiện đại đắt tiền bởi con tàu bị sự cố là quá lớn, mắc kẹt ở vị trí quá khó khăn mà bằng chứng là đã 5 ngày trôi qua, những nổ lực giải cứu vẫn chưa thành công. Dự kiến đây sẽ là kỷ lục mới về chi phí được thiết lập trong ngành công nghiệp cứu hộ thế giới.

 Mỗi ngày, tính trung bình kênh đào Suez có khoảng 50 tàu qua lại. Chi phí khai thác kênh đào cho mỗi tàu ước tính trung bình khoảng 250.000 USD mỗi ngày (Tất nhiên có tàu nhỏ, tàu to như tàu Ever Given chi phí lên đến 900.000 USD thì sẽ có tàu nhỏ hơn nhiều). Như vậy, chi phí khai thác kênh đào này mỗi ngày khoảng 12,5 triệu USD.

Thiệt hại của kênh đào do quá trình đào, vét trực tiếp để đưa tàu ra, sau đó phải trả lại hiện trạng bằng cách xây lại bờ kênh, nạo vét lại luồng lạch với chi phí sẽ rất lớn.

 Nhưng tất cả những thiệt hại nêu trên chưa phải đã hết. Thiệt hại chỉ riêng về giao thương do hàng loạt tàu phải chờ đợi theo ước tính của Lloyd’s List Intelligence là khoảng 5 tỷ USD ở phia tây và 4,5 tỷ USD ở phía đông kênh đào Suez. Tổng cọng 2 đầu kênh đào Suez thiệt hại khoảng cước tính khoảng 9,5 tỷ USD mỗi ngày.

 Một số tàu phải đi đường vòng do không thể nằm chờ quá lâu làm ảnh hưởng kế hoạch khai thác tàu, ảnh hưởng đến hàng hoá trên tàu. Cho dù phải đi đường vòng thì việc ảnh hưởng đến chất lượng hàng hoá trên tàu do phải lưu lại trên tàu lâu hơn dự kiến là không tránh khỏi. Điều này cũng có thể được đưa ra kiện tụng để được bồi thường.

Cùng với các yếu tố làm nâng giá vận tải biển quốc tế trong thời gian gần đây như lượng container lưu tại Châu Âu và Trung Quốc tăng đột biến làm khan container rỗng, nhu cầu than tăng cao trong mùa nóng hút lượng tàu hàng rời đáng kể vào chở than, sự cố 14 tàu vận tải hàng rời bị kẹt gần 2 tháng tại Quảng Ninh do các chính sách của hải quan… sự cố hàng hải tại kênh Suez lần này cũng sẽ góp phần làm tăng nhu cầu về đội tàu và giá cước tàu biển chắc chắn sẽ tăng thêm lên.

Giống như trường hợp COVID vừa qua, đây là sự cố gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp vận tải biển toàn cầu. Dự kiến tới đây, điều khoản canal locked down (làm kẹt kênh) có thể sẽ phải được đưa vào các mẫu hợp đồng đối với các hợp đồng thuê tàu.

Doanh thu từ kênh đào Suez là một trong ba trụ cột chính của nền kinh tế Ai Cập. Ảnh: Los Angeles Times.
Doanh thu từ kênh đào Suez là một trong ba trụ cột chính của nền kinh tế Ai Cập. Ảnh: Los Angeles Times.

Những ảnh hướng đổi với Việt Nam

Tàu Ever Given sau khi lấy hàng từ Đài Loan, Trung Quốc đi sang châu Âu đã gặp sự cố nằm chắn ngang kênh đào Suez. Điều này làm thiệt hại cho nền kinh tế thế giới đến 9,5 tỉ USD mỗi ngày. Đó là chưa kể các nỗ lực cứu nạn con tàu bị mắc kẹt cũng ngốn rất nhiều chi phí và nguồn lực đáng kể.

Nếu sự cố này kéo dài, thiệt hại với thương mại toàn cầu không dừng lại ở con số 9,5 tỉ USD nữa mà sẽ tăng theo cấp số nhân. Bởi, điều này sẽ gây đứt gãy nguồn nguyên liệu, thiếu sản phẩm tiêu dùng và chất lượng hàng hóa bị ảnh hưởng do phải vận chuyển lâu hơn.

Kênh đào Suez là cửa ngõ rất quan trọng để hàng hoá xuất đi từ châu Á, trong đó có Việt Nam, đến châu Âu. Trong trường hợp sự cố kéo dài do khó khăn trong việc giải cứu, sẽ dẫn đến việc các tàu xuất khẩu qua châu Âu buộc phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng. Hành trình này kéo dài thêm hơn 5.000 hải lý, khiến một con tàu bình thường phải mất thêm ít nhất 2 tuần di chuyển. Thời gian vận chuyển kéo dài sẽ làm cho chi phí tăng cao.

Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu khoảng 43,7 tỉ USD và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỉ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu khoảng 7,5 tỉ USD và nhập khẩu khoảng 3,1 tỉ USD.

Tuyến đường các tàu xuất phát từ Việt Nam đi qua eo Singapore, Malacca vào Ấn Độ Dương, Biển Đỏ rồi đi qua kênh đào Suez trên biển Địa Trung Hải, sau đó vượt Đại Tây Dương để đến Mỹ, tuyến đường này cũng thường được các hãng tàu lựa chọn vì đi gần bờ nếu có sự cố dễ dàng ứng cứu hơn. Nhưng với sự cố lần này, cho dù kim ngạch xuất nhập khẩu theo đường này giữa Việt Nam và Mỹ không quá lớn song cũng ảnh hưởng phần nào đến giá thành sản phẩm Việt Nam khi đến thị trường này.

Do phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng nên chắc chắn sẽ làm tăng giá cước và làm chậm thời gian vận tải thêm khoảng 15 ngày nữa. Điều này chắc chắn sẽ làm thay đổi kế hoạch sản xuất, kế hoạch giao hàng của các nhà sản xuất, những công ty thương mại Việt Nam có thị trường chính là châu Âu hay bờ Đông Mỹ.

Việt Nam cũng là nước nhập khẩu dầu chính, sự cố của tàu Ever Given cũng tác động đến việc nhập khẩu dầu của Việt Nam. Trước mắt lượng dầu sẽ giảm, thời gian giao hàng chậm lại, giá dầu sẽ tăng.

Một số tàu vận tải hàng rời, khí hoá lỏng, hoá chất của Việt Nam đi qua kênh đào Suez cũng sẽ bị ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác tàu là điều không tránh khỏi.

Sự cố tàu Ever Given bị kẹt trong lòng kênh đào Suez ảnh hưởng rất lớn đến thương mại toàn cầu. Chắc chắn với độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện tại, sự cố này cũng ảnh hưởng không ít đến thương mại giữa Việt Nam và châu Âu, châu Mỹ. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nếu sự cố này kéo dài gây nên tình trạng cước tàu tăng, giá dầu tăng, giá thành sản phẩm tăng…

(*): Chủ tịch HĐQT ShipOffer Corp

Có thể bạn quan tâm:

Kênh đào Suez bị phong tỏa sau khi tàu container khổng lồ mắc cạn


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày