Kinh Doanh

Tái cơ cấu nông nghiệp: Làm gì để người nông dân ly nông bất ly hương?

Vân Nguyễn Thứ Hai | 21/05/2018 11:30

Tái cơ cấu nông nghiệp ở Việt Nam mới chỉ ở bề nổi. Ảnh: Quý Hòa

Sau 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những thay đổi về quản lý nhà nước vẫn diễn ra nhưng rất chậm.
Tái cơ cấu nông nghiệp ở Việt Nam mới chỉ ở bề nổi. Ảnh: Quý Hòa

Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện từ năm 2013 đến nay, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đề án nhấn mạnh mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn.

Tiến sĩ Nguyễn Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, người đã nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu và thay đổi của nông thôn Việt Nam từ năm 1990, cho rằng, đến nay “những cải cách động chạm đến nông nghiệp là quá ít”.

Việt Nam mong muốn phát triển nông nghiệp theo cơ chế thị trường. Nhưng, theo Tiến sĩ Hương, người dân không được hưởng lợi nhiều, bất bình đẳng gần như giữ nguyên trong khi bất bình đẳng tuyệt đối lại gia tăng, khoảng cách về phúc lợi xã hội tăng lên mức cao hơn.

Sau năm năm thực hiện, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng, Viện Chính sách Chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng, tái cơ cấu mới chỉ ở “bề nổi”, thể hiện rõ nhất đó chính là kết cấu sản xuất.

Cải cách nông nghiệp cho kết quả hạn chế, Tiến sĩ Sơn cho là do thiếu “đột phá” cơ bản về thể chế, khoa học công nghệ và thị trường. Những kết quả đạt được trong 5 năm qua, mới là sự cố gắng của riêng ngành nông nghiệp.

Cạnh đó, do thiếu sự đồng bộ về mục tiêu, đã dẫn đến tình trạng người nông dân chỉ vì phúc lợi của bản thân, chưa vì quyền lợi người tiêu dùng, dù đã có những dịch chuyển nhất định theo hướng tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế.

Vấn đề ông Sơn lo ngại nhất là “cách thức quản lý của nhà nước”, trong khi đây là yếu tố quyết định cho sự thay đổi và phát triển của ngành nông nghiệp. Đến nay, những thay đổi về quản lý nhà nước vẫn đang diễn ra nhưng rất chậm.

Cải cách thể chế, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, cho là yếu tố “quan trọng nhất” để thúc đẩy cải cách nền nông nghiệp của Việt Nam thời gian tới. Theo ông, tái cơ cấu nông nghiệp phải đi cùng tái cơ cấu nền kinh tế.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, tác giả của chính sách “tam nông”, nói rằng, ngành nông nghiệp cần một chiến lược tái cơ cấu rõ ràng hơn, với công nghiệp phải phục vụ nông nghiệp và người lao động ly nông nhưng bất ly hương.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày