Tăng xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn: Cần gỡ nút thắt hạ tầng
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Long Hải, ngày 23.4, đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ đầu tư hạ tầng giao thông, đảm bảo toàn tuyến giao thông từ Bắc Giang đến cửa khẩu Hữu Nghị được hoàn thành trong năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sang Trung Quốc qua địa bản tỉnh Lạng Sơn những năm qua tăng từ 15 đến 20%. Riêng năm 2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 5,25 tỷ USD. Tuy nhiên, “khả năng thông quan vẫn rất hạn chế”, ông Nguyễn Long Hải cho biết.
Hiện nay, Trung Quốc chỉ cho phép xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản từ Việt Nam qua 3 cửa khẩu của Lạng Sơn là Tân Thanh, Hữu Nghị và Cốc Nam, với công suất 500-700 contener/ngày.
Trong khi đó, lưu lượng hàng hóa xuất khẩu của nước ta rất lớn, hơn nghìn xe mỗi ngày. Tính đến nay, khoảng 2700 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, lưu lượng qua các cửa khẩu trung bình 1.500 xe/ngày.
Tuyến quốc lộ 1A đến Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị không còn phù hợp với lưu lượng giao thông hiện nay. Đặc biệt, đoạn từ Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn trung bình 8-9.000 lượt phương tiện tham gia giao thông mỗi một ngày, thậm chí có những thời điểm 17.000 lượt/ngày.
Thêm nữa, năng lực vận tải kém đã tạo ra sự mất cân đối lớn trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn. Việc khai thác lợi thế của tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, cũng vì thế mà mang lại hiệu quả chưa cao.
Hiện, phía Trung Quốc đã đầu tư, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao Nam Ninh - Bằng Tường, tốc độ đạt trên 100 km/h. Tuy nhiên khi kết nối với tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng của Việt Nam, tốc độ tàu chỉ đạt trung bình 50 km/h.
“Ùn tắc cục bộ, vấn đề không thể tránh khỏi khi hạ tầng chưa được đầu tư kịp thời”, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, nhận định.
Đầu tư hạ tầng, một vấn đề cấp bách của Lạng Sơn, dù 9 năm gần đây, đã có gần 9.000 tỷ đồng của các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước đầu tư nâng cấp hạ tầng các cửa khẩu. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh và doanh nghiệp thông qua xã hội hóa chiếm 66%, đầu tư của nhà nước chiếm 33%, theo theo thông kê của UBND tỉnh Lạng Sơn.
Áp lực hạ tầng lớn hơn khi nhu cầu xuất nhập khẩu qua địa bản tỉnh Lạng Sơn dự báo tiếp tục tăng trong năm 2018 và những năm tiếp theo, trong bối cảnh Việt Nam thực hiện Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030.
Thực ra, ngoài việc báo cáo trực tiếp, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản số 181 ngày 5/3/2018 gửi Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về một số vấn đề cấp bách, trong đó có tháo gỡ khó khăn cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, phân bổ vốn ngân sách...
Lạng Sơn đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan sớm triển khai Dự án Đường sắt tốc độ cao nối Hà Nội - Đồng Đăng, kết nối với đường sắt cao tốc Nam Ninh - Bằng Tường của Trung Quốc theo hình thức đường sắt liên vận quốc tế, đáp ứng xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới Việt – Trung và nhu cầu đi lại của nhân dân.
Tỉnh này cũng đề nghị Thủ tướng cho phép các tỉnh biên giới được dùng toàn bộ khoản thu phí sử dụng công trình hạ tầng, dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực để đầu tư cho kết cấu hạ tầng, phát triển đặc biệt khu kinh tế cửa khẩu.
Theo Chủ tịch Lạng Sơn, khoản thu này được cân đối vào nguồn ngân sách chung của tỉnh Lạng Sơn đang được chi cho cải cách tiền lương và chi thương xuyên. Ông nói, “đồng ý" cân đối lại nguồn ngân sách, nhưng “cần ghi rõ" là để đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, các khu vực biên giới.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư