Thế lưỡng nan của điện mặt trời
Tháng 5/2023, một chương mới cho ngành điện Việt Nam đã mở ra khi Quy hoạch điện VIII chính thức được phê duyệt. Ảnh: Quý Hòa
Gricha Safarian có 3 nhà máy chế biến ca cao tại Việt Nam. Ông đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho nhà máy tại Bến Tre từ năm 2021, nhờ vậy giảm được một phần khí thải nhà kính. Tuy vẫn đang phải mua chứng chỉ carbon để trung hòa lượng phát thải, ông Gricha không có ý định lắp đặt điện mặt trời tại 2 nhà máy còn lại. Thay vào đó, ông chọn giải pháp mua điện từ các dự án năng lượng xanh ngay khi Chính phủ cho phép.
Điện xanh là một phương tiện doanh nghiệp có thể lựa chọn trên con đường đến Net Zero (phát thải khí bằng 0), nhưng điều gì khiến cho cỗ máy tưởng dễ vận hành vẫn đứng yên trong thời gian dài?
Quá tải lưới điện
Tháng 5/2023, một chương mới cho ngành điện Việt Nam đã mở ra khi Quy hoạch điện VIII chính thức được phê duyệt. Tỉ lệ điện tái tạo tăng đáng kể so với các bản dự thảo trước đó. Tuy nhiên, dưới áp lực quá tải của lưới điện, Quy hoạch điện VIII chỉ ưu tiên cho các dự án điện mặt trời mái nhà tiêu thụ tại chỗ và miễn là không đấu nối vào lưới điện của Nhà nước.
Giám đốc Nhà máy BlueScope, ông Nguyễn Thanh Bằng, chia sẻ có 2 lựa chọn để cắt giảm lượng carbon trong việc sử dụng gần 20 triệu kWh điện mỗi năm tại nhà máy cán thép tại Vũng Tàu, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại nhà máy hoặc ký hợp đồng mua điện trực tiếp (DPPA) từ một dự án điện tái tạo. Tại thời điểm 1 tháng trước khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, một phần mái nhà máy đã được phủ những tấm pin năng lượng mặt trời, thế nhưng việc không thể đấu nối vào lưới điện khiến lượng điện sản xuất vào ban ngày bị lãng phí, trong khi nhà máy chưa thể đầu tư hệ thống lưu trữ điện.
Điều này nằm ngoài kế hoạch của Công ty, trong đó có tính đến một nguồn thu nhỏ khi phát điện dư thừa lên lưới. Để kế hoạch cắt giảm carbon đúng lộ trình, ông Bằng đặt hy vọng vào việc ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp, có thể là từ 85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp đã và đang chờ kết nối với lưới điện.
Bắt đầu từ cuối năm 2018, nhờ cơ chế giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) ưu đãi, một cuộc đua tốc độ cao về năng lượng tái tạo đã bao phủ khắp mảnh đất hình chữ S, đưa Việt Nam đứng đầu khu vực về năng lượng tái tạo với 30% công suất thiết kế thuộc về điện xanh. Thế nhưng, những người chậm chân trong cuộc đua khi hoàn thành dự án sau năm 2020 đã nhận trái đắng. Sau nhiều tháng chờ đợi, Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp thấp hơn 21-29% so với cơ chế giá FIT.
“Chúng tôi đánh giá khung giá mới là những tín hiệu giải cứu đầu tiên cho các nhà phát triển năng lượng, khi các dự án đã bị đình trệ một khoảng thời gian dài sau khi giá FIT hết hạn”, báo cáo phân tích của VNDirect bình luận. Tuy nhiên, với khung giá này, không phải dự án nào cũng sẽ ghi nhận được mức sinh lời hiệu quả. VNDirect tính toán tỉ suất hoàn vốn IRR của các dự án điện mặt trời mặt đất chỉ đạt 5,1%, từ mức hơn 12% theo giá FIT cũ.
Ngành điện chiếm gần 3/4 tổng lượng phát thải của các ngành sản xuất công nghiệp Việt Nam tính theo phạm vi 1 và 2. Vì vậy, việc giải bài toán về năng lượng sạch bước đầu sẽ giúp doanh nghiệp đi đúng hướng trên lộ trình cắt giảm phát thải. Dù công suất lắp đặt điện tái tạo cao, nhưng sản lượng thực tế của điện tái tạo trong lưới điện vẫn thấp hơn rất nhiều một phần là do còn rất nhiều hạn chế ở hạ tầng lưới điện, cũng như thiếu cơ chế thị trường để tạo điều kiện công bằng và thông thoáng cho nhiều nhà cung cấp tham gia thị trường. “Hậu quả là tỉ lệ cắt giảm cao cho các dự án tái tạo và chính các nhà phát triển, đầu tư năng lượng tái tạo và người tiêu dùng điện sẽ không được hưởng lợi ích từ năng lượng sạch”, bà Hằng Đào, đại diện Chương trình Thúc đẩy Đầu tư Năng lượng sạch (CEIA) tại Việt Nam, bình luận.
Mái nhà hay dự án?
Trong một cuộc hội thảo trực tuyến do CEIA tổ chức, một khó khăn chung được nhiều bên nêu lên là về thủ tục cấp phép cho dự án điện mặt trời áp mái tại các nhà máy. Đó có lẽ là khó khăn chung mà nhiều công ty đa quốc gia như Puratos Grand-Place hay BlueScope gặp phải khi sốt sắng hành động để hưởng ứng lời cam kết về tương lai trung hòa carbon của Chính phủ.
Trong khi chính sách ưu đãi về giá FIT không còn thời hạn và có lẽ không có hy vọng được gia hạn, điều đáng ghi nhận là FIT đặc biệt áp dụng cho năng lượng mặt trời mái nhà đã mở cánh cửa doanh nghiệp được mua và sử dụng năng lượng tái tạo thông qua ký kết các hợp đồng mua bán điện với các nhà phát triển năng lượng mặt trời. Trong vài năm qua, đã có nhiều hợp đồng mua bán điện được ký kết cho điện mặt trời mái nhà. Mặc dù hướng dẫn từ các cơ quan chức năng về FIT, thị trường điện mặt trời mái nhà vẫn đang tiếp tục phát triển với nhiều nhà cung cấp chất lượng, cho thấy sự hấp dẫn của thị trường này đối với nhà đầu tư, nhà phát triển và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Quan trọng hơn, Việt Nam đã lên kế hoạch thực hiện tiếp cận rất tiến bộ cho mua bán năng lượng sạch quy mô lớn, thông qua lần đầu tiên đề xuất chương trình thí điểm mua bán điện trực tiếp DPPA. Đây là một cơ chế rõ ràng được thúc đẩy bởi 2 yếu tố: nhu cầu năng lượng sạch lớn của doanh nghiệp và sự sẵn sàng cải tiến mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam cho ngành năng lượng nói chung.
Việt Nam cũng có thể cân nhắc thí điểm các cơ chế mới và sáng tạo khác ngoài DPPA như giá điện xanh (green tariff) cũng như đưa ra các quy định rõ ràng cho phép pin lưu trữ được vận hành hoặc nối lưới, đồng thời khuyến khích đầu tư vào công nghệ nhiệt sạch trong công nghiệp để tạo điều kiện cho sản xuất và tiêu dùng năng lượng tái tạo thuận lợi hơn nữa và cho phép các công ty đạt tới mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo. “Đề xuất thí điểm DPPA cũng cung cấp cho thị trường một tín hiệu tích cực về con đường chuyển đổi của Việt Nam để đi tới một thị trường năng lượng cạnh tranh hơn và minh bạch hơn nữa...“, chuyên gia của CEIA kết luận.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư