Kinh Doanh

Thị trường chứng khoán Việt Nam có đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?

Thứ Hai | 03/08/2015 17:10

Bên cạnh những chuyển biến tích cực của các chính sách cải cách, nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều nghi ngại khi chọn đầu tư vào Việt Nam

Việt Nam đang được nhận định là thị trường cận biên với tốc độ phát triển nhanh chóng, các chính sách cải cách mới đang tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thêm vào đó, trước diễn biến kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc, có nhiều nhận định cho rằng vốn ngoại đang rút khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc để đổ về Việt Nam.

Trước các vấn đề vĩ mô, tình hình kinh tế thế giới như hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đang nghĩ gì, liệu thị trường Việt Nam có đủ hấp dẫn giới đầu tư quốc tế? Vấn đề gì đang ngăn cản nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam? 

Các nhà đầu tư nước ngoài đã có những trao đổi về vấn đề này tại hội nghị Nhà đầu tư được công ty cổ phần Stoxplus kết hợp với Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 31/7, với chủ đề “Cơ hội và Thách thức khi đầu tư vào Thị trường Chứng khoán Việt Nam-Góc nhìn nhà đầu tư nước ngoài”.

Niềm tin vào các cải cách thể chế

Bà Phạm Thị Việt Hà, Thành viên chuyên trách hội đồng quản trị Sở giao Dịch thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cải cách tích cực cho nền kinh tế như đảm bảo tỷ lệ lạm phát, thay đổi luật đầu tư, các kế hoạch tái cấu trúc thị trường.

Điển hình là Nghị định 60, có hiệu lực vào tháng 9 tới, sẽ phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó là các nỗ lực giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các công ty cổ phần, thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi.

Bà Hà cho biết, trong thời gian tới, để hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận thị trường chứng khoán, kế hoạch sáp nhập hai sàn giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng như thống nhất chuẩn kế toán IFRS sẽ được thông qua nhằm giải quyết những điểm không tương đồng giữa hai sàn giao dịch, và minh bạch hóa thị trường.

Với những dấu hiệu tích cực, nhiều chuyên gia phân tích đầu tư nước ngoài tỏ ra lạc quan về thị trường Việt Nam hơn.

Ông Koichi Takeuchi, Chuyên gia Chiến lược đầu tư của Japan Securities Incorporated (JSI) tin rằng, Việt Nam sẽ sớm được công nhận là thị trường mới nổi, và đạt các tiêu chuẩn của giới đầu tư quốc tế.  

Ông cho rằng, Việt Nam có khả năng sẽ trở thành xưởng gia công lớn của thế giới như Nhật Bản trước đây. Việt Nam có chi phí lao động thấp hơn nhiều so với các nước như Úc và Singapore. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam cũng đang gia tăng số lượng và có xu hướng tiêu dùng tích cực.

Bà Yoko Ogimoto, chuyên gia tư vấn cấp cao từ Viện Nghiên cứu Nomura (Tokyo Nhật Bản) có cái nhìn khá lạc quan về thị trường Việt Nam. Bà cho rằng "Với các luật định mới, tôi tin nhà đầu tư nước ngoài sẽ chọn Việt Nam để đầu tư. Hiện thời tôi thấy thị trường Việt Nam đang ổn định và đã vượt qua thời kỳ bong bóng. Trong tương lai thị trường này sẽ phát triển bền vững hơn và có khả năng thu hút được vốn ngoại hơn."

Vấn đề quy mô và chính sách quản trị công ty

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, các chuyên gia vẫn nhìn nhận còn nhiều vấn đề cần giải quyết để đạt được kỳ vọng.

Những thách thức ngăn trở nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo bà Hà là: quy mô thị trường nhỏ, tổng số vốn hóa thấp. Ngoài ra việc thiếu các sản phẩm đa dạng như bán khống và hợp đồng tương lai, hay việc thiếu công cụ đề phòng rủi ro... cũng tạo lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc công ty cổ phần StoxPlus, nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam đều muốn tiếp cận với những công ty sản xuất hàng tiêu dùng vì Việt Nam là một thị trường lớn với 90 triệu dân. Ngoài ra, họ cũng tìm kiếm các doanh nghiệp kích cỡ lớn với mức tăng trưởng 2 con số.

Một chuyên gia khác cho rằng, thị trường Việt Nam rất phân mảng, giá trị vốn hóa rất thấp chỉ với 20 triệu đô, rất khó để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Một lo ngại khác cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm là vấn đề về quản trị ở các công ty vẫn chưa cải thiện tốt lắm, điển hình như vụ JVC. Nhiều nhà đầu tư rất hứng thú với thị trường Việt Nam, nhưng vấn đề là họ không biết nên chọn công ty nào.

Theo phân tích của ông Koichi Takeuchi, Việt Nam sẽ thu hút được luồng vốn ngoại nhiều hơn nếu tổng vốn hóa của thị trường tăng lên và các vấn đề về rủi ro tỷ giá được giải quyết. Ông nhận xét, “nhiều nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy rủi ro khi rót vốn vào thị trường Việt Nam. Họ gặp nhiều vấn đề về đồng ngoại tệ khi đưa tiền vào thị trường Việt Nam, do vậy Chính phủ cần phải cải thiện tình hình này trong thời gian sớm nhất”.

Thùy Loan


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày