Việt Nam trên bản đồ IVF
_7950234.png)
Bắt đầu từ chu kỳ IVF đầu tiên thành công vào năm 1997, Việt Nam đã trở thành quốc gia tiến hành IVF thường xuyên nhất ở khu vực ASEAN. Ảnh: Phương Nam
Chi phí thấp nhưng tỉ lệ thành công cao đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng về khám và điều trị vô sinh trên thế giới.Hai vạch”, nữ diễn viên kiêm đạo diễn 46 tuổi cùng người chồng kém cô 11 tuổi vui mừng thông báo với người hâm mộ trên trang mạng cá nhân về tin vui của họ. Ở ngoài độ tuổi sinh nở thông thường, hành trình tìm con trong 3 năm của cô không dễ dàng sau nhiều lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thất bại.
Trước cô, đã có nhiều diễn viên, người nổi tiếng ở mọi độ tuổi tại Việt Nam cũng tìm đến IVF như một giải pháp để có niềm hạnh phúc “được làm cha mẹ”. Nhưng có lẽ diễn viên nổi tiếng này là một trong những người lớn tuổi nhất trong số họ mang thai lần đầu.
Từ phép mầu...
Sau khi kết hôn 3 năm trước, vợ chồng nữ diễn viên nổi tiếng với các phim hành động đã dành một năm để thử có thai tự nhiên mà không được. Họ không phải là trường hợp cá biệt khi tỉ lệ vô sinh, hiếm muộn đang ở mức cao và ngày càng gia tăng. Theo The Economist, cứ 1 trong 6 người trên thế giới bị vô sinh.
Vì thế, không có gì khó hiểu khi càng nhiều người tìm đến IVF, một quy trình y tế giúp các đôi bị hiếm muộn có thể thụ thai. Quy trình này bao gồm việc thụ tinh bằng tinh trùng bên ngoài cơ thể trước khi cấy phôi vào tử cung. Một chu kỳ IVF bao gồm nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn đều quan trọng để tăng cơ hội mang thai thành công.
Một nghiên cứu được Đại học Stanford đăng tải cho biết: “Nhiều câu chuyện vô sinh kết thúc có hậu, với gần 75% phụ nữ sinh con trong vòng 8 năm sau khi bắt đầu phương pháp điều trị vô sinh đầu tiên. Tuy nhiên, 1/4 số phụ nữ bắt đầu điều trị vô sinh sẽ vẫn vô sinh”.
Nữ diễn viên trong bài viết này đã trải qua 2 chu trình IVF thất bại. Một chu trình IVF bắt đầu từ lúc sử dụng thuốc để kích thích buồng trứng và kết thúc khi phôi đã thụ tinh được đưa vào tử cung của người mẹ. Không kể đến chi phí vô cùng tốn kém, tinh thần của các cặp điều trị vô sinh không thành công cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. “Hai vợ chồng đã rất suy sụp”, cô kể lại trong nước mắt sau 2 lần IVF thất bại.
Quá trình IVF rất khắc nghiệt và tốn kém, khiến người phụ nữ chịu đau về thể xác và làm kiệt quệ cảm xúc của cả 2 vợ chồng. Nhiều phụ nữ phải trải qua các đợt tiêm hormone, đôi khi phải chuyển từ phòng khám này sang phòng khám khác. Ở Mỹ và Anh, khoảng một nửa số người được về nhà với đứa con trên tay sau nhiều năm thực hiện lên tới 8 chu kỳ IVF.
“Bác sĩ rất tự tin. Điều đó đã truyền năng lượng tích cực cho mình. Hành trình này phải có tâm lý vững vàng, sự tự tin thì các bà mẹ có thể làm bất cứ việc gì”, nữ diễn viên tâm sự.
Thực vậy, yếu tố tinh thần, tâm lý đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị hiếm muộn. Khi cặp vợ chồng điều trị, họ thường rất căng thẳng. Căng thẳng có thể làm tăng các yếu tố stress trong cơ thể lên gấp 4 lần, dẫn đến co thắt tử cung, gây khó khăn cho việc phôi làm tổ. Do đó, việc tư vấn tâm lý, áp dụng các phương pháp như thiền, yoga hoặc môi trường tĩnh lặng trước khi chuyển phôi giúp tâm lý của người phụ nữ ổn định, từ đó tăng khả năng thành công của chu kỳ điều trị.
![]() |
“Chuẩn bị tốt về thể chất và tinh thần cũng góp phần nâng cao hiệu quả điều trị”, bác sĩ CKI Vũ Đình Tuân, Phó Đơn nguyên Hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện Phương Nam (IVF Phương Châu Sài Gòn), phân tích.
... đến bùng nổ
Bắt đầu từ chu kỳ IVF đầu tiên thành công vào năm 1997, Việt Nam đã trở thành quốc gia tiến hành IVF thường xuyên nhất ở khu vực ASEAN và là quốc gia dẫn đầu khu vực về kỹ thuật IVF dù khởi đầu chậm hơn. Đến nay, hơn 60 trung tâm hỗ trợ sinh sản và thụ tinh trong ống nghiệm trên cả nước đang tạo ra 150.000 em bé với chi phí từ 80-200 triệu đồng mỗi chu kỳ.
Thị trường IVF Việt Nam được Research and Markets định giá gần 217 triệu USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 7,46%. Nhận thức và sự chấp nhận ngày càng tăng đối với thủ thuật hỗ trợ sinh sản trong các cặp vợ chồng Việt Nam, cùng với tỉ lệ vô sinh gia tăng do các yếu tố như trì hoãn việc làm cha mẹ, thay đổi lối sống và ảnh hưởng của môi trường, là những động lực quan trọng cho sự phát triển này.
Khách du lịch ngày càng trở thành một phân khúc quan trọng thúc đẩy thị trường IVF tại Việt Nam, nhờ một số yếu tố hấp dẫn: chi phí thấp nhưng tỉ lệ thành công cao đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng về khám và điều trị vô sinh trên thế giới. Một trong những trường hợp gây ấn tượng với bác sĩ Vũ Đình Tuân là ca điều trị xuyên quốc gia, trong đó người cho trứng sống ở Việt Nam, còn người nhận là một phụ nữ đang định cư tại Mỹ. Người nhận, trên thực tế là chị em ruột với người cho, đã bay về Việt Nam để thực hiện thủ thuật và trở về Mỹ sau khi chắc chắn đã thụ thai thành công.
“Việt Nam cung cấp mức giá cạnh tranh so với các nước phương Tây và thậm chí là các quốc gia Đông Nam Á lân cận, khiến nơi đây trở thành lựa chọn hấp dẫn cho những cá nhân tìm kiếm phương pháp điều trị hiếm muộn chất lượng cao nhưng có giá phải chăng”, báo cáo của Research and Markets phân tích.
Tại Mỹ, ước tính một chu kỳ IVF dao động từ 15.000-20.000 USD và có thể vượt quá 30.000 USD nếu liên quan đến trứng hiến tặng. Chương trình bảo hiểm tại một số quốc gia bao gồm cả chi phí điều trị IVF. Tại Thụy Điển, các đôi và phụ nữ độc thân từ 39 tuổi trở xuống, tùy thuộc vào nơi họ sống, được hưởng 3 chu kỳ IVF về cơ bản là không phải trả bất kỳ khoản phí nào. Nhưng khi phụ nữ bước sang tuổi 40, họ sẽ bị loại khỏi danh sách chờ bảo hiểm công cộng.
Trong khi đó, chi phí trung bình cho một chu kỳ IVF tại Việt Nam chỉ vào khoảng 100 triệu đồng, tương đương chi phí tại Thái Lan, Indonesia, Philippines và thấp hơn đáng kể so với Singapore hay Nhật. “Chỉ riêng tiền thuốc ở Mỹ đã bằng tiền điều trị cả chu kỳ ở Việt Nam”, Ngọc Anh, một phụ nữ Việt từng điều trị ở cả 2 nơi, cho biết.
Bên cạnh lợi thế về chi phí phải chăng, những tiến bộ trong công nghệ y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực IVF, cũng đóng góp đáng kể vào sự phát triển của thị trường điều trị vô sinh tại Việt Nam, với một loạt cải tiến đã nâng cao hiệu quả, tính an toàn và khả năng tiếp cận của các thủ thuật IVF trên cả nước.
![]() |
Theo Thạc sĩ - bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TP.HCM (HOSREM), mỗi năm Việt Nam thực hiện hơn 50.000 ca IVF mới, cao nhất khu vực. IVF Việt Nam đang tiếp cận IVF thế giới khi làm chủ được tất cả các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại nhất hiện nay, tiêu biểu là kỹ thuật lưu trữ và rã đông trứng với tỉ lệ tạo phôi thành công lên đến 97%, tương đương với tạo phôi từ trứng tươi, kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), nuôi cấy phôi bằng hệ thống máy ấp timelapse theo dõi thời gian thực và tích hợp trí tuệ nhân tạo.
Đáng chú ý là tỉ lệ thành công của các phương pháp điều trị IVF đã được cải thiện. Những cải tiến trong các kỹ thuật phòng thí nghiệm, bao gồm hệ thống nuôi cấy phôi và phương pháp bảo quản đông lạnh, đã dẫn đến tỉ lệ thành công cao hơn trong việc đạt được thai kỳ thành công. Những tiến bộ này không chỉ cải thiện sự thoải mái cho bệnh nhân mà còn góp phần nâng cao tỉ lệ thành công bằng cách tối ưu hóa các điều kiện chuyển phôi.
Nhờ các tiến bộ trong công nghệ và thay đổi trong quan niệm xã hội, IVF không chỉ dành cho các cặp vợ chồng hiếm muộn mà còn mở rộng cho nhiều đối tượng khác nhau, từ những người muốn bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai, cho đến những phụ nữ muốn làm mẹ đơn thân. Tất cả đã tạo nên một thị trường điều trị vô sinh sôi động tại Việt Nam.
Tương lai IVF
Nhờ hành lang pháp lý thông thoáng cùng tư duy cởi mở của tầng lớp trung lưu đang gia tăng, IVF đang đóng vai trò là phương thức sinh đẻ chủ động nhiều hơn. Cũng cần nói thêm, luật pháp mở rộng đối tượng có thể thực hiện IVF, nhưng không cho phép lựa chọn giới tính thai nhi và các hoạt động mua bán tinh trùng, trứng.
Theo bác sĩ Vũ Đình Tuân, xu hướng phát triển của IVF trong tương lai gần sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính nhằm nâng cao tỉ lệ thành công và chất lượng điều trị gồm lâm sàng, trung tâm lab, quản lý vận hành - cải tiến chất lượng.
![]() |
Thị trường IVF Việt Nam được Research and Markets định giá gần 217 triệu USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 7,46%. Ảnh: shutterstock.com |
Về lâm sàng, để đạt được nhiều phôi chất lượng tốt và tăng khả năng thành công khi chuyển phôi, các bác sĩ sẽ tập trung vào việc đưa ra phác đồ điều trị được cá thể hóa riêng biệt cho từng khách hàng. Điều này giúp tối ưu hóa hiệu quả điều trị dựa trên đặc điểm cơ địa và các chỉ số xét nghiệm riêng của mỗi người.
Trong khi đó, các trung tâm lab sẽ tiếp tục đầu tư vào những thiết bị và công nghệ tiên tiến như sử dụng các tủ nuôi cấy phôi dài ngày, kết hợp nuôi cấy phôi với công nghệ timelapse và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc lựa chọn phôi, đảm bảo phòng lab đạt tiêu chuẩn phòng sạch quốc tế để môi trường nuôi cấy phôi luôn tối ưu và giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn và ứng dụng xét nghiệm di truyền tiền làm tổ để sàng lọc phôi.
Việc quản lý vận hành - cải tiến chất lượng chặt chẽ được xem là yếu tố chiếm tới 70% thành công của việc điều trị IVF, theo chia sẻ của bác sĩ Vũ Đình Tuân, người đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Các quy trình và chính sách rõ ràng sẽ được xây dựng và đội ngũ chuyên môn phải tuân thủ nghiêm ngặt. Điều này bao gồm việc áp dụng các hệ thống cảnh báo tự động khi có sai sót và công nghệ nhận diện khách hàng để đảm bảo tính chính xác. Mục tiêu là cải thiện các chỉ số hiệu suất quan trọng trong IVF, từ việc có nhiều phôi tốt, tăng khả năng có thai cho đến đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh và em bé chào đời an toàn.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư