Người Tiên Phong

Ông Vũ Tiến Thập, CEO Công ty Cổ phần D’Furni: Đi ra quốc tế và mở trung tâm bán sỉ trong đại dịch

Cẩm Tú Thứ Tư | 27/10/2021 15:12

Thích ứng để quyết liệt chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mới.

Xây dựng thành công thương hiệu ở phân khúc nội thất văn phòng cao cấp, D’Furni tiếp tục vươn đến xuất khẩu hàng cao cấp và mở trung tâm bán sỉ tại các thành phố lớn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lan rộng. Ông Vũ Tiến Thập, CEO D’Furni, cho rằng thành quả này đến từ nguồn nhân lực gắn bó với doanh nghiệp bất kể khủng hoảng, và sự nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu mới của khách hàng.

Từ khi bắt đầu đại dịch đến nay, D’Furni không giảm nhân sự, không giảm lương và cũng không tăng giá sản phẩm. Nhờ đâu mà doanh nghiệp của ông làm được như vậy?

Khi dịch bệnh kéo dài quá 20 tháng, nội thất cùng với hầu hết các ngành liên quan như xây dựng, địa ốc, giải trí... bị ảnh hưởng nặng nề, và D’Furni cũng không ngoại lệ. Phần lớn các dự án bị tạm ngưng, sức mua đều giảm mạnh, nhưng chúng tôi nhận định rằng còn nhu cầu tiêu dùng thì vẫn còn cơ hội.

Khi tình hình kinh doanh tốt thì doanh nghiệp thường tập trung vào những mảng lớn, nhưng khi khó khăn, chúng tôi lấy những vật tư dự án bị hủy, hoặc kích thước vụn để
làm những thứ nhỏ nhỏ, bán vẫn có tiền. Từ ghế lười, tới đôn thú ngộ nghĩnh, và ghế thư giãn... đều phù hợp với giãn cách kéo dài. Giá bán không cao, lợi nhuận không nhiều nhưng điều quan trọng là tạo ra công ăn việc làm cho nhân viên, và làm trống được kho nguyên liệu vụn tồn. Đặc biệt khi nhu cầu học và làm việc tại nhà bùng nổ, 3 thương hiệu nội thất văn phòng Manager, O’furni, Bestuhl phủ kín 3 phân khúc đã được đẩy mạnh bán online.

So với các nước, mô hình chuỗi bán sỉ nội thất ở Việt Nam vẫn chưa phổ biến. Là doanh nghiệp tiên phong trong việc mở trung tâm bán sỉ tại các thành phố lớn, D’Furni sẽ phải giải quyết các thách thức nào?

Mô hình kinh doanh chuỗi bán lẻ ở Việt Nam đã thông dụng, nhưng chuỗi bán sỉ thì vẫn chưa tồn tại. Trong 6 tháng đầu năm, D’Furni đã khai trương thêm 2 trung tâm phân phối sỉ Đông và Tây Sài Gòn. Kế hoạch sắp tới của D’Furni là hoàn chỉnh chuỗi các cửa hàng tại thành phố lớn, tiếp cận gần để chăm sóc từng dự án lớn. Tôi tin là từ người tiêu dùng lẻ, chủ doanh nghiệp, nhà thầu, kiến trúc sư - designer... đều muốn đến chuỗi bán sỉ để có thêm giải pháp nội thất toàn cầu.

Những trở ngại như kẹt xe, khoảng cách địa lý, luồng thông tin tư vấn rời rạc, giải pháp mẫu đơn điệu, chưa linh hoạt ngân sách... sẽ được hệ thống cửa hàng phân phối sỉ D’Furni với 4 thương hiệu khắc phục. Thách thức của chúng tôi là xây được hệ thống đồng nhất, đủ kiên trì để gồng được chi phí mặt bằng trong thời cách ly chập chờn trên 3 năm tính từ đầu năm 2020.

Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu đồ nội thất cho các công trình lớn, D’Furni hiện đang đầu tư vào công nghệ - con người ra sao?

Sau hơn 18 tháng thành lập Ban điều hành dự án đầu tư hệ thống quản trị ERP, chúng tôi đã triển khai thành công. Hệ thống phần mềm này sẽ nâng cấp vận hành nội bộ doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa những công việc không hiệu quả, tăng cường kiểm soát quy trình bán hàng, giao nhận để hướng đến mục tiêu cuối cùng là cải tiến dịch vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng khi cần nội thất.

Ngoài ERP, một số đầu tư số hóa đặc biệt phát huy tác dụng thời dịch bệnh tại D’Furni như: cloud server, các kênh bán online, showroom ảo 3D, các kênh kết nối để nhân viên làm việc tại nhà.

Trong nguy có cơ, nhìn lại thì D’Furni đang nắm bắt được các cơ hội nào trong đại dịch?

Sau khi phân tích thị trường nội thất năm 2020, tôi đã quyết định thu hẹp nhiều dòng hàng, đẩy mạnh các phân khúc lâu nay còn bỏ ngỏ như nội thất văn phòng tại nhà. Tăng cường hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ và các kênh phối hiện đại nhằm phù hợp với xu hướng thay đổi của người tiêu dùng trong thời dịch bệnh. Showroom 3D, các clip review liên tục được đầu tư, nhờ đó khách hàng trên toàn thế giới thấy rõ chất lượng sản phẩm và tin tưởng vào nhà máy của chúng tôi.

Ngoài ra, trong bối cảnh hàng triệu lao động rời khỏi vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nguồn nhân lực còn nguyên vẹn chính là thế mạnh của D’Furni.

Những năm qua, ngành gỗ nội thất tăng trưởng mạnh, hiện đã đạt giá trị xuất khẩu lên đến 10 tỉ USD/năm và còn nhiều dư địa phát triển. Vượt qua đại dịch, sắp tới, D’Furni sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh ở khía cạnh nào để đón nhận các cơ hội?

Chúng tôi lớn mạnh hơn ở khía cạnh bắt đầu tham gia thị trường quốc tế. Việc D’Furni xuất khẩu được container ghế văn phòng cho dự án khách sạn 4 sao tại Mỹ năm 2020 có thể coi là một thành công, bảo chứng cho chất lượng ghế văn phòng Việt Nam và chúng tôi tận dụng tối đa các lợi thế riêng để làm được điều này.

Trong khi 95% các nhà máy xuất khẩu Việt Nam cung ứng cho các nhà bán lẻ, D’Furni làm ngược lại: Chỉ chọn phân khúc chuyên cung cấp cho dự án riêng lẻ. Tới đây, Công ty sẽ mở rộng kinh doanh trên nhiều góc độ: mở rộng nhà máy, mở rộng các nhóm hàng bằng cách tự sản xuất, mở rộng các kênh phân phối... Đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu và chỉ tập trung vào phân khúc nội thất văn phòng cho các công trình lớn chứ không xuất khẩu hàng đại trà. 

Đại dịch khiến chúng tôi phải thu hẹp nhiều dòng hàng, nhưng sẽ giúp hệ thống phân phối sỉ D’Furni gọn gàng, linh hoạt, đáp ứng từ người tiêu dùng lẻ mua một sản phẩm, tới kiến trúc sư - designer luôn có yêu cầu riêng, cho tới các chủ đầu tư cần hàng vạn món nội thất rời. 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày