Phát triển bền vững

80 doanh nghiệp và tổ chức xã hội tham gia tập huấn ý tưởng CSV

Thanh Hằng Thứ Ba | 11/04/2023 11:11

Các thành viên trong buổi huấn luyên. Ảnh: RED.

Cuối tháng 3/2023, chuỗi tập huấn hai ngày chủ đề "Khởi xướng một ý tưởng CSV lĩnh vực giảm thiểu cacbon" đã được Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển tổ chức.
Các thành viên trong buổi huấn luyên. Ảnh: RED.

“CSV là một chiến lược quan trọng, bởi khi thực hiện CSV, doanh nghiệp đã đưa các thách thức xã hội vào hoạt động kinh doanh của mình, biến những thách thức đó thành cơ hội kinh doanh.", GS. TS. Markus Beckmann (Trưởng Bộ môn Quản lý Phát triển Bền vững Doanh nghiệp, Đại học FAU Erlangen-Nuremberg, Giảng viên của khóa tập huấn) cho biết. Ở nhiều quốc gia, không nhiều doanh nghiệp nhận ra được tiềm năng của CSV. Chúng ta đang bước những bước đầu tiên, nhưng CSV chắc chắn sẽ sớm trở thành một xu hướng quan trọng trong tương lai và là một tiến trình đáng để theo đuổi.

Nếu CSR thiên về thực hiện trách nhiệm thì CSV thiên về tạo ra giá trị, tích hợp việc giải quyết các vấn đề xã hội vào quá trình tạo ra giá trị kinh tế của doanh nghiệp. Mối quan hệ chuyển từ thắng-thua đến thắng-thắng, từ đánh đổi đến tất cả các bên cùng có lợi.

Một ví dụ CSV hiệu quả được đưa ra tại tập huấn là hợp tác giữa Edeka, chuỗi bán lẻ lớn nhất tại Đức và tổ chức World Wildlife Fund (WWF) trong nỗ lực hướng đến phát triển bền vững toàn diện, từ đa dạng sinh học đến giảm thiểu rác thải. Hợp tác này giúp Edeka tạo ra chuỗi cung ứng bền vững, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19, cũng như nâng cao uy tín sản phẩm và hình ảnh thương hiệu trong mắt khách hàng, đồng thời góp phần gia tăng số lượng các loài chim và côn trùng, đóng góp lớn vào nỗ lực đảm bảo đa dạng sinh học. Những thành quả đó nuôi dưỡng mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai bên, với những chiến lược và hành động cụ thể, được nghiên cứu kỹ càng, tận dụng thế mạnh của từng bên để phát huy tối đa tác động.

GS. TS. Markus Beckmann (trái) và bà Bùi Thị Minh Châu
GS. TS. Markus Beckmann (trái) và bà Bùi Thị Minh Châu.

Theo bà Bùi Thị Minh Châu (Project Manager tại Pro NGO! e.V., Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học FAU Erlangen-Nuremberg, Giảng viên tập huấn), các yếu tố thúc đẩy doanh nghiệp trong nỗ lực hành động khí hậu và giảm thiểu carbon bao gồm nhu cầu thị trường, mối quan tâm của nhà đầu tư, áp lực cạnh tranh, kỳ vọng xã hội, áp lực của chính phủ và áp lực chi phí. Giờ đây, phát triển bền vững theo các tiêu chí ESG không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, là quyết định mang tính sống còn của doanh nghiệp.

Những thay đổi lớn về chính sách lẫn kỳ vọng của xã hội không chỉ thể hiện bước tiến của những nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, mà còn mang đến cơ hội để phát triển nền kinh tế xanh. Ông Hồ Việt Hải (Co-founder công ty Alternō, Founder Liên minh Phát triển bền vững Sustainations) nhấn mạnh: “Những chính sách mới là tiền đề của những cơ hội mới. Doanh nghiệp cần nắm bắt những cơ hội đầu tiên để đạt được mục tiêu xanh hóa nền kinh tế tại Việt Nam và trên thế giới”. Ông cũng khẳng định: “Trong tương lai, carbon chính là tiền”.

Hoạt động tập huấn này được Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED Communication) thực hiện trong khuôn khổ dự án Win-Win for Việt Nam hợp tác với Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E).

* CSV: creating shared value - tạo giá trị chung.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày