Phát triển bền vững

Điện gió chờ gió

Minh Đức Chủ Nhật | 25/06/2023 08:00

Điện giớ Phan Thiết. Ảnh: Quý Hòa.

Tình trạng thiếu điện trầm trọng khiến việc huy động nguồn điện gió, mặt trời đang bị lãng phí càng trở nên bức thiết hơn.
Điện giớ Phan Thiết. Ảnh: Quý Hòa.

Mới đây, Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) tuyên bố giảm mục tiêu của họ từ 30 GWh xuống 28 GWh cho đến năm 2030 và rút khỏi thị trường Việt Nam. Đây là tin không vui cho ngành năng lượng tái tạo và điện gió và tiếp tục cho thấy những bất hợp lý trong lĩnh vực này khiến nhiều nhà đầu tư chùn bước. 

Tuyên bố này đáng chú ý trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp điện gió đang thua lỗ nặng nề từ sự thay đổi đột ngột về mặt chính sách, nhất là các quy định về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Chưa kinh doanh đã lỗ 

Chẳng hạn, là đơn vị vận hành nhà máy điện gió Ea Nam (Đắk Lắk), công suất 400 MW - công trình điện gió lớn nhất cả nước, Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 lỗ gần 860 tỉ đồng. Công ty Cổ phần Phong điện Ia Pết Đak Đoa Số Một và Ia Pết Đak Đoa Số Hai cũng đang ghi nhận khoản lỗ trăm tỉ đồng... Điểm chung của các doanh nghiệp dự án điện gió thua lỗ là sử dụng đòn bẩy tài chính thông qua huy động lượng lớn vốn vay từ trái phiếu doanh nghiệp. Báo cáo gửi HNX của các đơn vị này đều ghi nhận hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu từ 4 lần trở lên, có doanh nghiệp nợ cao hơn vốn 5-6 lần.

 

Với nhóm dự án không được hưởng giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) còn có rủi ro cao hơn. Một mặt, các doanh nghiệp này phải gánh chi phí tài chính lớn, mặt khác chịu áp lực khi khung giá phát điện tái tạo mới của Bộ Công Thương ở mức thấp hơn 20-30% so với trước đây. Tình hình này khiến gần đây, 23 nhà đầu tư có các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa kịp vận hành thương mại, phải gửi kiến nghị Thủ tướng. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), ước tính tổng chi phí lãi vay và nợ gốc của 34 dự án chậm tiến độ gần 10.000 tỉ đồng, trong khi lãi trước thuế, khấu hao và lãi vay quanh mốc 9.000 tỉ đồng. Nếu không nỗ lực cắt giảm chi phí hoạt động, đầu tư và lãi vay để tăng hiệu quả sinh lời, các doanh nghiệp này ngày càng lún sâu vào nợ nần.

Vì thế, Quy hoạch điện 8 được kỳ vọng sẽ “giải cứu” các doanh nghiệp đang thua lỗ này, cũng như giúp doanh nghiệp đầu tư năng lượng tái tạo tự tin hơn. Bởi vì, Quy hoạch điện 8 định hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, trong đó điện gió được đẩy mạnh phát triển. Tỉ trọng điện gió trong cơ cấu nguồn điện tăng từ 5% năm 2022 lên 18% năm 2030 và 29% năm 2050. Tổng công suất điện gió dự kiến đạt 27.880 MW năm 2030 và đạt 130.050-168.550 MW vào năm 2050.

Hiện cả nước có 85 nhà máy đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng không đủ điều kiện hưởng giá FIT với tổng công suất là 4.736 MW. Chưa thể huy động công suất của các dự án này đang là vấn đề gây lãng phí và bức xúc trong xã hội. Theo Tiến sĩ Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh, Quy hoạch điện 8 sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để EVN giải quyết các khó khăn về giá, chính sách nhằm xử lý công suất các dự án điện mặt trời, điện gió đang gặp khó. Đặt trong bối cảnh thiếu điện trầm trọng như hiện nay, việc sớm huy động nguồn điện gió, điện mặt trời đang bị lãng phí nhiều tháng qua sẽ góp phần đảm bảo cung ứng điện.

Lợi thế phía trước

Để giải quyết khó khăn của lĩnh vực năng lượng tái tạo, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương sửa đổi và xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Đáng chú ý, nhờ có lợi thế kinh doanh ổn định, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đang có kết quả kinh doanh khả quan. 

 

Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 đạt tổng doanh thu thuần gần 956 tỉ đồng thì có đóng góp từ thủy điện, điện mặt trời và điện gió chiếm hơn 1/2 với hơn 543 tỉ đồng. Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam (mã HID) cũng báo cáo năm tài chính 2022 có doanh thu bán điện chiếm hơn 36% tổng doanh thu. Công ty hiện đầu tư vào điện gió ở Quảng Bình, Bình Định và điện mặt trời ở Hậu Giang. Tổng Công ty Điện gió Phong Liệu cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 124,2 tỉ đồng, tăng 168% so với thực hiện của cả năm 2021.

Nhờ tình hình kinh doanh khả quan, lãnh đạo Hà Đô cho biết sẽ tập trung đánh giá việc phát triển 5 dự án điện gió hiện đã được bổ sung trong Quy hoạch điện 8. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 đang tiến hành khảo sát hơn 1.000 MW điện gió cả trên bờ và ngoài khơi, thực hiện hóa tham vọng phát triển thêm 350 MW năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2025. Theo đánh giá, các dự án điện gió của PC1 là một trong những dự án nổi bật của Đông Nam Á, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn quản trị, môi trường (ESG) và đang được hưởng chính sách lãi vay rất ưu đãi (5-6%/năm), thấp hơn nhiều so với các dự án vay nội tệ (10-11%).

Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), chia sẻ: “Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có động thái tích cực trong tiến trình phát triển điện gió nhưng còn nhiều việc phải làm. Chúng ta cần giải pháp sớm, không thể chờ khi tất cả chính sách ban hành mới phát triển điện gió ngoài khơi. Như thế là quá chậm”, ông Hutchinson cho biết.

Về vấn đề này, ông Lê Mạnh Cường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, đã lấy ví dụ của Tập đoàn Orsted để đưa cảnh báo về việc nhà đầu tư điện gió quốc tế sẽ rời bỏ thị trường Việt Nam nếu không có những chính sách, cơ chế hướng dẫn cụ thể.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày