Phát triển bền vững

Vàng ròng tín chỉ carbon

Hải Vân Thứ Sáu | 05/04/2024 18:00

Các doanh nghiệp Nhật thúc đẩy lĩnh vực này là nhờ được hưởng lợi từ chính sách năng lượng sạch và carbon của Chính phủ Nhật. Ảnh: Shutterstocks

Việt Nam vẫn chưa thể sử dụng sức mạnh của thị trường carbon để tạo ra hệ sinh thái xanh, nơi những người cắt giảm khí thải có thể thu lợi nhuận.
Các doanh nghiệp Nhật thúc đẩy lĩnh vực này là nhờ được hưởng lợi từ chính sách năng lượng sạch và carbon của Chính phủ Nhật. Ảnh: Shutterstocks

Báo cáo phân tích môi trường gần đây của World Bank cho thấy Việt Nam đã mất 3,2% GDP vào năm 2020 do tác động của biến đổi khí hậu. Xa hơn nữa, tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam thiệt hại 12-14,5% GDP vào năm 2050.

“Những báo cáo này gợi lên nhiều suy nghĩ cho tương lai sắp tới của Việt Nam”, ông  Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, nhận định. Đồng thời, đại diện của IFC cũng cho rằng để đạt được mục tiêu kép là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được mục tiêu Net Zezo vào năm 2050, Việt Nam cần đẩy nhanh các nỗ lực nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon cho nền kinh tế.

Thúc đẩy thị trường carbon được xem là chìa khóa hiệu quả để thúc đẩy các bên đẩy nhanh việc giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia tham gia vào thị trường carbon nhận được lợi ích từ việc thực hiện giảm lượng khí nhà kính, đồng thời được công nhận bằng tín chỉ carbon, thu được lợi ích tài chính cụ thể...

Giờ G kiểm kê khí thải

Khi tín chỉ carbon đạt tiêu chuẩn toàn cầu đã trở thành mục tiêu chung trong kế hoạch hợp tác giữa FPT IS và Carbon EX (Nhật), ông Trần Đức Trí Quang, Giám đốc Dữ liệu FPT IS, vẫn quan ngại doanh nghiệp chịu “thách thức rất lớn”, đến từ việc xây dựng, theo dõi và vận hành các dự án tín chỉ carbon, những yếu tố đòi hỏi kiến thức chuyên môn, sự tham gia của các tổ chức được công nhận.

 

Thị trường carbon bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (1997), được xem là giải pháp thực hiện mục tiêu giảm phát thải và hướng tới Net Zezo, vận hành theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường thông qua việc mua bán và trao đổi tín chỉ carbon. Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu phát triển thị trường carbon bắt buộc, vốn được chứng minh hiệu quả giảm phát thải, dự kiến thí điểm vào năm 2025, chính thức vận hành vào năm 2028, theo Nghị Định 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. 

Tháng trước, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, phát biểu về tầm quan trọng của việc “chuẩn bị kỹ lưỡng” hạ tầng, kỹ thuật, năng lực kiểm kê khí thải và báo cáo của doanh nghiệp để triển khai lộ trình giảm phát thải. Ông cho biết, năm 2023 có 1.912 doanh nghiệp sản xuất thuộc danh mục bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính, cơ sở thực hiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở vào năm 2024, nền tảng để doanh nghiệp xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho giai đoạn 2026-2030.

Chính phủ sẽ sớm ban hành Danh mục phân loại xanh và Kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Có thể thấy, luật chơi mới trên thị trường cũng sớm xác lập và doanh nghiệp nào đáp ứng được danh mục cũng sẽ được ưu đãi về trái phiếu xanh và tín dụng xanh.

Theo lộ trình, sàn giao dịch carbon sẽ vận hành thí điểm vào năm 2025. Theo đó, sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải carbon cho các doanh nghiệp thuộc diện phải kiểm kê phát thải khí nhà kính. Ví dụ, các doanh nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép, nhiệt điện muốn tăng sản lượng, sản xuất, vượt hạn ngạch phát thải được phân bổ thì phải mua lại hạn ngạch phát thải từ các doanh nghiệp phát thải ít...

 

Tuy nhiên, kiểm kê khí nhà kính đang chậm hơn so với kế hoạch. “Đến nay, một số doanh nghiệp lớn quan tâm đến kiểm kê, tìm hiểu các quy định tham gia thị trường carbon, nhưng phần lớn doanh nghiệp còn lại vẫn rất lúng túng khi thực hiện kiểm kê”, ông Mã Khai Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (Enerteam), chia sẻ với NCĐT.

Ông Hiền dẫn chứng, tháng 12/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 38/2023, quy định về kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính ngành công thương. Tuy nhiên, đến nay, số doanh nghiệp ngành này “chưa nhận được hỗ trợ kỹ thuật”, bao gồm tài liệu hướng dẫn theo từng ngành, lĩnh vực sản xuất, cũng như tập huấn về kiểm toán, xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm phát thải.

Chọn giá đúng cho carbon

Không chỉ bán tín chỉ carbon (tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương) từ trồng rừng, mà các năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, các dự án chuyển đổi năng lượng, thu gom và tái chế rác, nông nghiệp, lâm nghiệp... đều là những ngành có thể thu lợi từ bán tín chỉ carbon. Vì vậy, thị trường ghi nhận nhiều doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong và ngoài nước đang ráo riết tham gia thị trường mua bán tín chỉ carbon.

Thế giới có khoảng trên 170 loại tín chỉ carbon, được chứng nhận bởi các hệ thống khác nhau. Ảnh: Gaia
Thế giới có khoảng trên 170 loại tín chỉ carbon, được chứng nhận bởi các hệ thống khác nhau. Ảnh: Gaia

Tuy nhiên, không phải bất kỳ hoạt động hay dự án giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính nào cũng có thể phát triển thành dự án tín chỉ và ban hành được tín chỉ carbon. Điểm mấu chốt trước hết là cần phải kiểm kê và phải thu thập được số liệu phát thải khí nhà kính trong 3 năm gần nhất đối với nội dung muốn đăng ký giảm phát thải, hấp thụ carbon để làm đường cơ sở cho dự án.

Việt Nam lần đầu tiên bán tín chỉ carbon ra thị trường thế giới cho thấy sự chủ động thích ứng chính sách môi trường quốc tế. Trong nước, mức độ quan tâm đến tín chỉ carbon cũng tăng lên đáng kể sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn loan báo việc thông qua World Bank tiêu thụ được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, mang lại giá trị 51,5 triệu USD, khoảng 1.250 tỉ đồng, mức giá 5 USD/tín chỉ.

Ước tính Việt Nam có thể bán đi 57 triệu tín chỉ carbon rừng mỗi năm, tương đương 57 triệu tấn carbon được hấp thụ. Với giá bán 5 USD/tín chỉ, nguồn thu có thể lên tới 250 triệu USD/năm. Hiện nay, 3 vùng trên cả nước đã sẵn sàng bán tín chỉ carbon rừng, vùng có trữ lượng lưu giữ carbon lớn nhất là Đông Bắc, với 21 triệu tấn carbon/năm.

Giữa hứng khởi của viễn cảnh “Việt Nam ngồi trên mỏ vàng carbon”, lại có ý kiến cho rằng Việt Nam bán 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng với giá 5 USD/tín chỉ là quá rẻ. Thậm chí, một số nhà phân tích còn nhận xét, con số này mới chỉ là giá trị quy đổi tạo lập tín chỉ carbon theo hình thức sản xuất an toàn của các doanh nghiệp có hàng xuất đi nước ngoài thường xuyên, chưa phải là giá trị giao dịch trên thị trường hàng hóa. Do đó, Việt Nam phải dự báo được bằng định lượng để khi có thị trường giao dịch carbon, doanh nghiệp không vội bán ra bên ngoài để tránh tình trạng khi trong nước cần lại phải nhập khẩu giá cao hơn.

 

Trao đổi với NCĐT, ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng: “Giá thấp là do bán theo hình thức tự nguyện. Mức giá 5 USD được xây dựng năm 2018, so sánh với giá thị trường hiện nay, con số này vẫn chấp nhận được”. Khảo sát của Bộ tại một số quốc gia đã bán tín chỉ carbon theo hình thức tự nguyện, mức trung bình khoảng 3,8 USD/tín chỉ rừng, có số nơi bán thấp hơn, khoảng 2,5 USD/tín chỉ, nhưng cũng có nơi bán với giá 7 USD/tín chỉ.

Theo Tổ chức Forest Trends (Mỹ), thế giới có khoảng trên 170 loại tín chỉ carbon, được chứng nhận bởi các hệ thống khác nhau. Báo cáo của Ecosystem Marketplace cũng cho thấy, nguồn cung tín chỉ carbon trên thế giới tăng nhanh với khoảng 240 triệu tín chỉ carbon đã được phát hành trong giai đoạn 2010-2021 với tổng giá trị giao dịch khoảng 2,4 tỉ USD và ước đạt khoảng 3,2 tỉ USD trong năm 2024.

 

Còn theo cập nhật của BloombergNEF, giá carbon của California dự kiến đạt trung bình khoảng 42 USD/tấn và 46 USD/tấn vào năm 2025. Con số này tăng từ mức 34 USD/tấn vào năm 2023, được hỗ trợ bởi các trung gian tài chính. Nó có thể đạt tới mức 93 USD/tấn vào cuối thập kỷ này. Trong khi đó, giá carbon ở EU được dự báo sẽ ở mức trung bình 71 EUR/tấn (76 USD/tấn) trong năm nay, giảm từ mức 85 EUR/tấn vào năm 2023.

Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Quản lý tài nguyên và Chính sách thương mại của Forest Trends, cho biết: “Không có câu trả lời chắc chắn cho việc bán carbon đắt hay rẻ, bởi vì giá carbon phụ thuộc vào loại hình dự án hình thành tín chỉ và cơ quan chứng nhận”. Theo Tiến sĩ Phúc, mức giá 5 USD có thể là quá rẻ nếu dùng hệ thống tiêu chuẩn khắt khe để đạt chuẩn, nhưng cũng có thể quá đắt nếu hệ thống công nhận đạt chuẩn thấp, ít được các nhà mua quốc tế quan tâm. Mức giá tín chỉ carbon thế giới đang có chiều hướng gia tăng, nhưng mức tăng này có đủ mạnh đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mới là câu hỏi các quốc gia cần quan tâm.

Cuộc đua phát hành tín chỉ carbon

Đến đầu năm 2023, 23% lượng khí thải toàn cầu được bao phủ bởi giá carbon, tăng từ mức chỉ 5% vào năm 2010. Sự chênh lệch sẽ chỉ tăng nhanh trong những năm tới khi nhiều quốc gia tận dụng được lợi thế của việc định giá carbon và các chương trình được mở rộng tầm với của họ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 49 quốc gia có kế hoạch định giá carbon và 23 quốc gia khác đang xem xét chúng. Mới đây, EU đã đưa ra một chính sách mang tính đột phá dưới cái tên “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM). Theo đó, đến năm 2026 EU sẽ bắt đầu tính giá carbon đối với tất cả hàng nhập khẩu của khối, có nghĩa là các công ty châu Âu sẽ có động cơ mạnh mẽ để thúc đẩy các nhà cung cấp trên toàn thế giới chuyển sang hoạt động xanh.

Sàn giao dịch tín chỉ carbon cũng như thuế carbon là những biện pháp mới nhất của nhiều nước trong nỗ lực giảm mức phát thải quốc gia. Việc đặt ra lộ trình từ năm 2025 vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon thí điểm, từ năm 2028 vận hành thị trường carbon đầy đủ, Việt Nam có tham vọng đến năm 2030 gia nhập thị trường carbon trên thế giới.

Tiến sĩ Phúc cho rằng, nếu chậm chân, doanh nghiệp Việt Nam có thể để vuột mất cơ hội vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, nhà đầu tư Nhật đã có 3 sàn giao dịch tín chỉ carbon đã được vận hành, đầu tư phát triển các giải pháp giảm/khử carbon tại Việt Nam. Tập đoàn EREX đang có 16 dự án ở Việt Nam, công suất hơn 1.000 MW điện. Doanh nghiệp này đang phải liên kết với một loạt công ty Việt Nam để cung cấp nguyên liệu đầu vào. Ở đây, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội, nhưng cạnh tranh cũng rất lớn và các tiêu chí nguyên liệu đầu vào được đẩy lên rất cao. 

Các doanh nghiệp Nhật thúc đẩy lĩnh vực này là nhờ được hưởng lợi từ chính sách năng lượng sạch và carbon của Chính phủ Nhật. Theo đó, Việt Nam có thể mất cơ hội hưởng lợi trên thị trường các sản phẩm từ rừng nếu kế hoạch vận hành thị trường carbon nội địa vào năm 2028 không đáp ứng được khung thời gian đã định. “Tham gia vào chuỗi cung carbon của các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội địa không còn cách nào khác là phải cạnh tranh với nhau để hình thành nhóm tiên phong. Những doanh nghiệp không đủ điều kiện sẽ bị loại bỏ”, Tiến sĩ Phúc nhận định. 

Việt Nam đứng thứ 5 trong số các quốc gia cung cấp tín chỉ carbon trên thế giới. Ảnh: Quý Hòa
Việt Nam đứng thứ 5 trong số các quốc gia cung cấp tín chỉ carbon trên thế giới. Ảnh: Quý Hòa

Lúc này, Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực gấp rút thực hiện các sàn giao dịch tín chỉ carbon nhằm ứng phó với hàng rào thuế carbon do EU chính thức áp dụng từ năm 2026. CBAM sẽ áp dụng mức thuế cao hơn với các sản phẩm được sản xuất tại những quốc gia hay vùng lãnh thổ có các tiêu chuẩn về phát thải carbon ít nghiêm ngặt hơn so với tiêu chuẩn EU, tác động trực tiếp lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Tuy nhiên, thách thức đối với Việt Nam hiện nay là chưa có đủ cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp phát thải lớn và thị trường carbon biến động rất lớn cần phải có chính sách linh hoạt, điều chỉnh liên tục.

Theo dữ liệu năm 2023 của World Bank, so với công cụ thuế carbon được phát triển từ năm 1990, thị trường carbon bắt buộc góp phần giảm khí nhà kính toàn cầu cao gấp 3 lần (5,62%, tương đương 2,76 tỉ tấn CO2e và 17,64%, tương đương 8,91 tỉ tấn CO2e) và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thị trường carbon cũng tiềm ẩn những thất bại, bao gồm cạnh tranh không hoàn hảo hay thông tin bất cân xứng.

Tại Việt Nam, tháng 9/2023 CT Group chính thức vận hành Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA), tuyên bố phục vụ gần như toàn bộ quy trình cấp tín chỉ carbon tại Việt Nam, vốn được coi là tốn kém tài chính, chất xám. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Chính phủ nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methal đến năm 2030, vốn đang gia tăng ở khu vực sản xuất, đặc biệt là công nghiệp, nông nghiệp và giao thông. Tuy nhiên, sau 6 tháng khai trương, CCTPA vẫn trong quá trình mở rộng hợp tác, kêu gọi đầu tư, chưa có giao dịch nào được công bố.

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đang có hơn 100 doanh nghiệp đã được cấp tín chỉ carbon, với số lượng khoảng trên 41 triệu tín chỉ carbon. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 5 trong số các quốc gia cung cấp tín chỉ carbon trên thế giới.

 

Với những nhà nghiên cứu, các tiêu chuẩn quốc tế về carbon vốn được xem như một biện pháp kỹ thuật để bảo hộ những bên tham gia các hệ thống mua bán phát thải trên thị trường toàn cầu. Nhưng nhìn ở góc độ khác, các tiêu chuẩn này đang tạo ra cơ hội bán tín chỉ carbon của Việt Nam, hiện lớn nhất là lĩnh vực lâm nghiệp và sản xuất công nghiệp.

Trên thế giới đang có khoảng 300 phương pháp luận với 27 tiêu chuẩn carbon, trong đó nổi tiếng nhất là UNFCCC (Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu), Tiêu chuẩn Chứng nhận Carbon (Verified Carbon Standard - VCS) do VERRA, một tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về hành động vì khí hậu và phát triển bền vững, xây dựng. “Sự đa dạng này thuận lợi, nhưng cũng đầy thách thức đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới tham gia thị trường”, ông Phạm Đăng An, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vũ Phong, nhận xét.

Giai đoạn này, theo ông An, điều “cần thiết và quan trọng nhất” là nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tín chỉ carbon, thị trường tín chỉ carbon và cách thức đăng ký, triển khai dự án dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế để phát hành chứng chỉ thành công với mức định giá tốt nhất.

Ông An cho rằng việc hiểu rõ cách thức triển khai dự án sẽ giúp doanh nghiệp chủ động trong việc đăng ký, từ đó tối ưu chi phí trong quá trình đăng ký phát hành chứng chỉ. Theo kinh nghiệm của Vũ Phong, một nhà cung cấp các giải pháp về giảm phát thải, trung hòa carbon, khi đăng ký với UNFCCC để phát hành tín chỉ carbon cho một dự án, doanh nghiệp cần quan tâm đến 4 tiêu chí bao gồm: (1) Thực tế và có thể đo lường được; (2) Lâu dài và không bị đảo ngược; (3) Tính bổ sung; và (4) Thẩm định, thẩm tra độc lập. Ông An đặc biệt lưu ý “tính bổ sung” với hàm ý tín chỉ carbon là một “cơ chế tài chính” giúp thúc đẩy giảm phát thải. Nếu thiếu cơ chế tín chỉ carbon, các hoạt động giảm phát thải sẽ không thể diễn ra do rào cản về tài chính.

Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong cho rằng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật để phát hành chứng chỉ carbon đóng vai trò quyết định cho cuộc đua mới của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chỉ khi đó dự án mới có thể được cấp chứng chỉ thành công và có mức định giá tốt. 

“Phải cải thiện được tình hình hấp thụ carbon trên thế giới thì mới lấy được tín chỉ carbon. Đây là một quy trình chặt chẽ mà nếu không làm từ đầu thì sẽ không có một tín chỉ carbon nào để bán”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận xét.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày