Phong Cách Sống

Vực dậy tinh thần nhân viên sau dịch

Thuỷ Ngọc Thứ Bảy | 23/10/2021 07:30

Tính ra, người lao động ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã “ngồi yên” hơn 4 tháng.

Dù nhiều tỉnh, thành đã vạch ra lộ trình “bình thường mới”, những ảnh hưởng tinh thần do dịch bệnh vẫn rất sâu đậm.
Tính ra, người lao động ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã “ngồi yên” hơn 4 tháng.

Dù nhiều tỉnh, thành đã vạch ra lộ trình “bình thường mới”, những ảnh hưởng tinh thần do dịch bệnh vẫn rất sâu đậm.

Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Tuấn Hưng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, đại dịch COVID-19 đã khiến thế giới gia tăng các rối loạn tâm thần, với 31,4% người trầm cảm, 31,9% người rối loạn lo âu, 41,9% bị căng thẳng và 37,9% rối loạn giấc ngủ. Đây là kết quả ghi nhận từ 66 nghiên cứu trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ tháng 3 năm ngoái cũng đã cảnh báo các nước cần quan tâm hơn đến sức khỏe tâm thần - tâm lý của người dân, gồm cả trẻ em.

Ở Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hữu Đức, chuyên gia tâm lý, đồng sáng lập BCC, cho biết: “Trước dịch, chỉ 15% dân đi làm bị stress. Trong dịch, con số này đã tăng vọt lên hơn 80%”. Ông Đức lý giải, sở dĩ chênh lệch cao như vậy vì người Việt tuy linh hoạt kiên cường nhưng đứng trước những biến cố lớn thì dễ sốc. Theo ông Đức, chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) của người Việt không cao nên khả năng phục hồi không tốt. Ngoài ra, người Việt sống thiên về cộng đồng nên khi bị mất kết nối do giãn cách thì rất dễ căng thẳng.

Tính ra, người lao động ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã “ngồi yên” hơn 4 tháng. Sang chấn tâm lý, stress, lo âu, trầm cảm, sợ hãi, ám ảnh, đắm chìm trong tiêu cực... là những gì nhiều người đã trải qua. Theo Tạp chí Y khoa The Lancet (Anh), 10 ngày cách ly xã hội đã có thể dẫn đến những rối loạn tâm lý kéo dài đến 3 năm sau đó. Vì thế, để tâm lý người dân phục hồi trở lại như trước sẽ không hề dễ dàng.

 

Ông Nguyễn Nguyên Bảo, chuyên gia khai vấn, ManpowerGroup Việt Nam, cho rằng khả năng phục hồi ở mỗi người sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố: ngoại cảnh và nội lực. Trong đó, khai vấn (coaching - quá trình giúp người khác tự ý thức, tiếp thu nhận thức mới, đưa đến sự thay đổi tích cực về hành vi) chính là một trong những công cụ đắc lực để xây dựng khả năng phục hồi từ bên trong.

Bà Nguyễn Thị An Hà, Giám đốc Hợp tác chiến lược của Talentnet, cũng cho rằng, khai vấn có thể xem là chủ điểm đáng để doanh nghiệp cân nhắc đưa vào chương trình R&D và xây dựng văn hóa làm việc của mình.

Có nhiều cách để áp dụng khai vấn tại doanh nghiệp như mời chuyên gia bên ngoài hoặc có thể đào tạo thêm kỹ năng và thiết lập khai vấn trong nội bộ. Doanh nghiệp cũng có thể tạo văn hóa chia sẻ, học hỏi và cùng phát triển.

Tuy nhiên, theo bà An Hà, cần lưu ý tất cả các hoạt động này đều phải riêng tư và đặt người chia sẻ làm trọng tâm. Có như vậy, nhân viên mới an tâm tin tưởng. Việc chia sẻ này nên theo mô hình 360 độ, nghĩa là tận dụng sở trường, kỹ năng và chuyên môn của tất cả các nhân viên để hỗ trợ chéo lẫn nhau, không phân biệt cấp bậc và không nên chỉ giới hạn trong các chủ đề về công việc.

Quan trọng hơn hết, người khởi xướng văn hóa khai vấn phải là lãnh đạo doanh nghiệp. Khảo sát của Marshall Goldsmith chỉ ra, hành vi lãnh đạo quyết định 50-70% văn hóa tổ chức và văn hóa này sẽ ảnh hưởng tới 35% kết quả kinh doanh. Bà Ellie Hương Bùi, Giám đốc Nhân sự Hitachi Vantara Việt Nam, cũng nhấn mạnh, chỉ người lãnh đạo có thần thái tốt, với năng lượng bình an thì mới có thể tiếp nhận, hỗ trợ và truyền cảm hứng cho nhân viên.

Talentnet thì cho rằng, sự kết nối đội ngũ và đặc biệt giữa nhóm quản lý với nhân viên dưới quyền là rất quan trọng, có thể giúp xoa dịu những căng thẳng tâm lý, bất an đến từ trong và ngoài công việc. Trong báo cáo mới nhất của Talentnet, yếu tố dịch bệnh tuy có ảnh hưởng đến tâm trạng làm việc nhưng không đáng kể. Trái lại, “công việc vốn nhàm chán” và “sếp thiếu tâm lý” mới là 2 nguyên nhân chính khiến nhân viên không hào hứng khi làm việc.

 

Theo bà An Hà, COVID-19 đã làm thay đổi nhiều thứ, kể cả quan niệm sống, giá trị phát triển, mục tiêu sống của mỗi người. Do đó, sau dịch, cách thức chúng ta làm việc cũng bị ảnh hưởng. Cách doanh nghiệp vận hành, chiến lược phát triển cũng phải thay đổi, thích nghi với những chuyển đổi mới này. Điều quan trọng lúc này là giúp nhân viên hiểu rõ ý nghĩa của từng công việc họ làm cũng như ý nghĩa của lộ trình, hướng đi sắp tới của công ty. “Khi đôi bên hiểu được ý nghĩa của điều cả hai cùng tìm kiếm, sự đồng hành giữa doanh nghiệp và người lao động mới bền và bén”, bà nói.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể cân nhắc đầu tư các gói phúc lợi giúp chăm lo sức khỏe thể chất và tinh thần cho nhân viên và nếu được, cho cả người thân của họ. Các chương trình tư vấn tâm lý, coaching hay mentoring cần được áp dụng rộng rãi hơn và thường xuyên hơn để nhân viên được chia sẻ tiếng nói và những băn khoăn của mình. Đó cũng là cách để nhân viên kết nối mạnh mẽ hơn với tổ chức và đồng nghiệp.

Bên cạnh những thay đổi cấp thiết trên, quan trọng là doanh nghiệp cần đầu tư vào các chiến lược bền vững hơn, về đào tạo phát triển nhân sự, bổ sung thêm kỹ năng mới, xây dựng văn hóa làm việc mới, trao quyền cho những ai linh hoạt, có khả năng thích nghi tốt... Bởi “chúng ta sẽ không bao giờ quay trở lại thời kỳ bình thường được nữa, mà đã là bình thường mới”, bà An Hà nói.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày