Phong Cách Sống

Vương miện Việt trên bản đồ nhan sắc thế giới

Linh Lan Thứ Ba | 20/09/2022 15:00

Ngành công nghiệp sắc đẹp của Venezuela phát triển kéo theo sự ăn nên làm ra của các chuyên gia trang điểm, làm tóc, sự phát triển của các ngành nha khoa và phẫu thuật thẩm mỹ.

“Cái đẹp nằm trong mắt của người ngắm”. Câu nói này vẫn đúng trong mắt các nhà đầu tư khi nhận ra nhiều cơ hội từ các cuộc thi nhan sắc.
Ngành công nghiệp sắc đẹp của Venezuela phát triển kéo theo sự ăn nên làm ra của các chuyên gia trang điểm, làm tóc, sự phát triển của các ngành nha khoa và phẫu thuật thẩm mỹ.

Theo Statistic Brain, khoảng 2,5 triệu cô gái cạnh tranh trong hơn 100.000 cuộc thi sắc đẹp mỗi năm ở Mỹ với khoản lợi nhuận khổng lồ lên đến 130 tỉ USD, chưa tính chi phí nhượng quyền các cuộc thi. Lợi nhuận này đến từ việc tài trợ, quảng cáo, bán vé, phát sóng chương trình cũng như việc các thí sinh thuê huấn luyện viên hay trang điểm, làm tóc, may trang phục... 

Dịch chuyển về Đông Nam Á

6 chiến thắng tại Hoa hậu Thế giới, 7 vương miện Hoa hậu Hoàn vũ, 8 lần được xướng tên là Hoa hậu Quốc tế... biến Venezuela trở thành một trong những quốc gia sản sinh ra nhiều hoa hậu nhất trên thế giới. Cuộc thi lớn nhất hằng năm là Miss Venezuela thu hút khoảng 2.000 thí sinh từ 17-27 tuổi, đến từ các lò đào tạo, các công ty người mẫu. Có khoảng 40-50 lò đào tạo chính thức (chưa tính đào tạo chui) trên khắp đất nước này, nhận đào tạo trẻ em gái từ 4 tuổi trở lên, lò đào tạo lâu năm nhất ra đời từ thập niên 50 của thế kỷ trước.

Theo New York Post, nhiều phụ huynh không ngại chi khoản tiền lớn, thậm chí còn đi vay nặng lãi để cho con gái theo học tại các trường đào tạo hoa hậu. Trung bình mỗi tháng một cô gái phải chi ít nhất 90 USD để theo học tại các lò đào tạo khi mà thu nhập bình quân mỗi gia đình ở Venezuela chỉ 35-50 USD/ tháng.

Các cuộc thi nhan sắc thế giới có xu hướng dịch chuyển về Đông Nam Á.

Ngành công nghiệp sắc đẹp của Venezuela phát triển kéo theo sự ăn nên làm ra của các chuyên gia trang điểm, làm tóc, sự phát triển của các ngành nha khoa và phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó chủ yếu là phẫu thuật mũi, hút mỡ đùi và nâng ngực. Với dân số 28 triệu người nhưng BBC ước tính số ca phẫu thuật nâng ngực ở Venezuela dao động từ 30.000-40.000 ca/năm với chi phí trung bình chỉ bằng 1/3 các quốc gia khác ở Nam Mỹ như Brazil.

Mặc dù vậy, hiện tại ở các quốc gia châu Âu, Mỹ hay Mỹ Latinh như Venezula - cái nôi của các hoa hậu trên thế giới, các cuộc thi nhan sắc đã không còn giữ được sức hút. Ngay tại các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Nhật hay Trung Quốc, cái mác hoa hậu cũng không còn được công chúng quan tâm.

Lý do được đưa ra là bởi người dân các quốc gia này đánh giá, những cuộc thi hoa hậu hạ thấp vai trò, phẩm giá của người phụ nữ vì sự rập khuôn, sáo rỗng và những quy chuẩn hình thể phi thực tế. Nguyên nhân thứ 2 là do có quá nhiều cuộc thi bùng nổ đi kèm với phẫu thuật thẩm mỹ, dẫn đến việc các thí sinh không còn để lại ấn tượng như trước đây. Nguyên nhân thứ 3, công chúng nhận ra, người được hưởng lợi từ các cuộc thi nhan sắc không phải là số đông mà là ban tổ chức và cơ hội đổi đời cho chính người tham gia cuộc thi.

Việt Nam đang nổi lên là một thị trường giàu tiềm năng cho các giải thi hoa hậu quốc tế.

Thậm chí, New York Post mới đây đăng tin ông Ari Emanuel, CEO của Tập đoàn Endeavor (chủ sở hữu Công ty IMG), đang tìm cách bán cuộc thi Miss Universe - Hoa hậu Hoàn vũ với giá 20 triệu USD để kinh doanh lĩnh vực khác.

Trong khi đó, tại các quốc gia Đông Nam Á, các cuộc thi nhan sắc luôn chiếm được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Các bài viết, bình luận hay hình ảnh của các thí sinh Đông Nam Á tại những diễn đàn sắc đẹp thế giới như Missosology luôn có lượt like và tương tác rất cao. Là quốc gia đi sau về việc tổ chức các sân chơi nhan sắc, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

“Nhập siêu” thi hoa hậu

Theo thống kê sơ bộ, trung bình 1 tháng tại Việt Nam sẽ có 1 cuộc thi hoa hậu quy mô toàn quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, có ít nhất 13 cuộc thi cấp quốc gia đã và đang tuyển sinh. Thống kê này chưa bao gồm các cuộc thi nhan sắc dành cho quý bà, quý cô, quý ông, giới doanh nhân hay quy mô cấp địa phương với các danh hiệu hoa khôi, người đẹp, người mẫu...

Ông Trần Việt Bảo Hoàng, CEO Unimedia (đơn vị tổ chức các cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam, Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam, đào tạo và đưa đại diện Việt Nam tham gia phiên bản quốc tế 2 cuộc thi này), nhấn mạnh, sự cởi trói của Nghị định 144/2020/NÐ-CP đã mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho sự sôi động của thị trường này.

 

Ông Phúc Nguyễn, CEO Leading Media, nhận định, đây chính là thước đo thuyết phục người xem nhìn nhận quy mô cuộc thi cũng như giá trị của chiếc vương miện được sở hữu. Điều này khiến những cuộc thi nhan sắc “ngoại nhập” trở nên có giá hơn. Vì thế, phần lớn các cuộc thi quy mô cấp quốc gia diễn ra hiện nay đều là phiên bản Việt hóa dựa trên bản quyền của các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Nghĩa là trên thế giới hiện có bao nhiêu cuộc thi sắc đẹp được cho là danh giá nhất hành tinh thì Việt Nam có bấy nhiêu cuộc thi tương ứng được “nhập khẩu”.

Một chuyên gia trong ngành truyền thông nhận định, ít nhất trong giai đoạn 2023-2025, các cuộc thi nhan sắc sẽ còn tiếp tục bùng nổ. Đặc biệt, các cuộc thi đang nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ các nhãn hàng, các tập đoàn thì việc trăm hoa đua nở là hiển nhiên.

Đồng quan điểm, ông Trần Việt Bảo Hoàng nhận định: “Đông Nam Á vẫn là thị trường màu mỡ và hấp dẫn nhất với các cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Công chúng vẫn rất quan tâm đến giấc mơ đổi đời của các cô gái trẻ đẹp, những giấc mơ cổ tích thành hiện thực. Đây là một ngành công nghiệp tiềm năng và rất hứa hẹn với các nhà đầu tư”.

Thực tế, tại Thái Lan, nhằm hỗ trợ phát triển du lịch và kích cầu kinh tế, từ năm 2019, ban tổ chức các cuộc thi nhan sắc quốc gia này tìm thêm cách thu hút thí sinh đến từ nước ngoài. Chẳng hạn, Miss Aura International (MAI) liên kết với Tổng cục Du lịch Thái tổ chức các cuộc thi Mrs. Thailand 2019, Mrs. Tourism Queen International 2019, Miss Tourism Queen International 2019. Tốc độ tăng trưởng của công ty này ước tính đạt 30-35% mỗi năm với doanh thu khoảng 1-1,6 tỉ USD.

Philippines được xem là “Venezuela” hoa hậu của khu vực Đông Nam Á khi liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng toàn cầu các cuộc thi. Báo cáo tài chính do Binibining Pilipinas Charity Inc - đơn vị tổ chức các cuộc thi lớn nhất tại Philippines - cho thấy mức độ sinh lợi của các cuộc thi. Từ năm 2010-2015, khoản tài trợ cho các cuộc thi trung bình khoảng 55.000-688.000 USD. Philippines hiện có 6 cuộc thi hoa hậu nhượng quyền từ thế giới và vô số cuộc thi tại địa phương. Có 2 lò đào tạo chính tại thủ đô Manila và nhiều lò địa phương nhằm cung ứng thí sinh cho các cuộc thi.

Các hoạt động đào tạo người đẹp ngày càng phát triển tại Việt Nam.

Xây dựng hệ sinh thái nhan sắc Việt

Trên một số diễn đàn sắc đẹp quốc tế, có thông tin cho rằng Puerto Rico và Việt Nam có thể là 2 địa điểm đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ lần thứ 71. Dù thông tin chưa chính thức nhưng cũng cho thấy mức độ quan tâm Việt Nam như một “điểm đến” của các cuộc thi hoa hậu thế giới. Mối quan tâm này cũng cho thấy Việt Nam cần xây dựng các cuộc thi hoa hậu chuyên nghiệp và uy tín hơn.

Tuy nhiên, để trở thành một “nền công nghiệp” chuyên nghiệp, cần nhiều yếu tố để hình thành một hệ sinh thái bền vững xoay quanh các người đẹp. Đó là chính sách quản lý các cuộc thi phù hợp; các công ty đào tạo, phát triển hoa hậu; sự quan tâm của công chúng; và khả năng năng thương mại hóa mang lại lợi nhuận cho các cuộc thi, các chương trình giải trí... Bà Trương Ngọc Ánh, Trưởng Ban tổ chức Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, cho biết, các cuộc thi hoa hậu cũng là một ngành công nghiệp. Cuộc thi càng lớn, uy tín thì lượng khán giả theo dõi càng đông. Ngược lại, các sân chơi sắc đẹp kém chất lượng sẽ bị đào thải.

Chia sẻ về sự khác biệt giữa các cuộc thi nhan sắc cách đây 15-20 năm so với hiện tại, theo bà Nguyễn Lệ Cẩm, cây bút thâm niên trong ngành giải trí, nếu như trước đây, các cuộc thi đều trông chờ đêm bán kết, chung kết để bán vé thu lợi nhuận thì giờ đây, việc bán vé gần như là bằng 0. Doanh thu không còn đặt nặng vì vé sẽ được phân phối và gửi tặng đến các khách hàng VIP của nhà tài trợ.

Hiện nay, ở Việt Nam có 2 công ty truyền thông lớn, thường xuyên tổ chức các cuộc thi hoa hậu gồm Unimedia và Sen Vàng. Tuy nhiên, Unimedia (thuộc Công ty Hoàn Vũ Sài Gòn) lại là thành viên của Tập đoàn Hoàn Cầu. Ngoài các cuộc thi hoa hậu do Unimedia tổ chức độc lập, phía Hoàn Cầu cũng có những cuộc thi nhan sắc riêng như Hoa hậu Hoàn Cầu Việt Nam, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn Cầu.

Leading Media của ông Phúc Nguyễn, tuy không trực tiếp tổ chức cuộc thi nhưng lại là đơn vị đứng sau, sở hữu hàng chục bản quyền cuộc thi nhan sắc nam, nữ quốc tế như Miss Earth, Miss Supranational, Miss Globe... với thời hạn từ 1, 2 hoặc 5 năm tùy cuộc thi.

Theo tìm hiểu, chi phí nhượng quyền bản quyền cuộc thi nhan sắc là không giống nhau tùy quy mô, sức ảnh hưởng, mục tiêu của cuộc thi và chi phí này ở mỗi quốc gia cũng khác nhau. Chẳng hạn, với Miss Universe, chi phí nhượng quyền dao động từ 10.000-150.000 USD/năm, Miss World là 10.000 USD/năm, Miss Earth từ 3.000-15.000 USD/năm trong khi Miss Supranational và Miss Grand International có chi phí nhượng quyền chỉ 1.000 USD/năm. Miss Globe tính phí nhượng quyền tùy lợi ích thu về.

 

Thông thường, kinh phí tổ chức cho một cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia dao động quanh mức 60-120 tỉ đồng, tùy quy mô, địa điểm tổ chức. Theo tìm hiểu, mức tài trợ kim cương cho một cuộc thi hiện dao động quanh mức 20-30 tỉ đồng, nhà tài trợ vàng có mức chi khoảng 15 tỉ đồng, nhà tài trợ bạc khoảng 5-10 tỉ đồng.

Với các cuộc thi thấp hơn hoa hậu (hoa khôi, nữ hoàng, người đẹp...) hoặc các cuộc thi mới tổ chức lần đầu, khả năng kêu gọi tài trợ không dễ dàng, thậm chí có nguy cơ thua lỗ vì không hút được các nhà đầu tư. Lợi nhuận lúc này không đến từ nhà tài trợ, mà đến từ việc bán bản quyền đi thi quốc tế. Chưa kể, lợi nhuận từ việc mua bán giải.

Lợi nhuận của nhà tổ chức thu về từ việc tổ chức cuộc thi sau khi trừ đi chi phí bản quyền, tổ chức sự kiện, ước tính có thể lên đến 50%. Nhưng lợi nhuận này chưa dừng lại ở đó. Sau khi cuộc thi khép lại, các người đẹp đạt giải đã trở thành “tài nguyên” của nhà tổ chức. Tùy mức độ thỏa thuận phân chia lợi nhuận, nhà tổ chức sẽ được hưởng lợi từ hợp đồng quảng cáo, dự sự kiện, đại diện nhãn hàng của các hoa hậu, á hậu.

Theo tiết lộ của một số bên đại diện truyền thông, cựu hoa hậu, tỉ lệ này thường là 60-20-20. Trong đó, 60% giá trị hợp đồng thuộc về nhà tổ chức, bù lại chi phí đào tạo, truyền thông, tư vấn, bảo vệ hình ảnh, đàm phán hợp đồng... 20% chi trả kinh phí cho đội ngũ để hoạt động hỗ trợ người đẹp, 20% còn lại thuộc về người đẹp. Hiện tại, nhiều công ty đào tạo hoa hậu ở Việt Nam đang manh nha hoạt động theo mô hình quản lý hoa hậu trên thế giới. 

Bên cạnh các công ty chuyên tổ chức các cuộc thi nhan sắc, hiện nay có một số tập đoàn thay vì tài trợ đã chọn mua bản quyền và tổ chức các cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia. Nhìn ở góc độ này, có thể thấy, hoa hậu và các cuộc thi trở thành hệ sinh thái của Tập đoàn, nhằm kích cầu bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng và các sản phẩm có liên quan. “Ít nhất tại thời điểm này, các cuộc thi hoa hậu vẫn phù hợp với thị hiếu, mối quan tâm và nhu cầu của thị trường. Với nhà tổ chức, đây là kênh quảng bá hiệu quả nhất so với các kênh khác”, đại diện một nhãn hàng cho biết.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày