Startup

Financial Times: Grab đang đối mặt thách thức lớn tại Việt Nam

Thúy Nguyễn Thứ Ba | 16/04/2019 16:27

Ảnh: Soha.

Các công ty cung cấp dịch vụ gọi xe đang nỗ lực trở thành “siêu ứng dụng” cho người dùng trước viễn cảnh sẽ bị quản lý chặt hơn.
Ảnh: Soha.

Logo màu xanh và trắng của Grab đang có mặt ở khắp nơi tại các thành phố lớn Việt Nam, một thị trường có 96 triệu dân.  Công ty cung cấp dịch vụ gọi xe này đang dẫn đầu thị trường sau khi mua lại các hoạt động trong khu vực của Uber năm ngoái.

Nhưng Grab đang phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn đối với vị thế của mình tại một trong những thị trường phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á từ các đối thủ cạnh tranh địa phương và một số trong đó cũng có tham vọng tầm khu vực, FT nhận định.

Đối thủ, Go-Jek, đã ra mắt dịch vụ gọi xe máy tại Việt Nam vào năm ngoái, đang lên kế hoạch mở rộng sang taxi.

FastGo, một công ty khởi nghiệp dịch vụ gọi xe công nghệ Việt Nam, cho biết đã đăng ký khoảng 60.000 tài xế tại Việt Nam, thu hút các tài xế bằng mức phí cố định thay vì hoa hồng dựa trên tỷ lệ phần trăm như cách Grab tính cho họ. Công ty cũng tiết lộ kế hoạch mở rộng tại 6 quốc gia Đông Nam Á khác vào cuối năm nay, bắt đầu từ Singapore.

Financial Times: Grab dang doi mat thach thuc lon tai Viet Nam
Quy mô nền kinh tế internet Việt Nam và các nước.

“Khi Uber rút khỏi Đông Nam Á, chúng tôi đã nhìn thấy đây là cơ hội tốt”, ông Nguyễn Hữu Tất, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của FastGo nói. “Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một trong ba dịch vụ gọi xe hàng đầu ở Đông Nam Á.”

Be Group, một ứng dụng gọi xe khác của Việt Nam, ra mắt vào tháng 12 và nhắm đến mục tiêu có hơn 100.000 tài xế đăng ký vào cuối năm nay.

Ngoài ra, Grab và các đối thủ không chỉ cạnh tranh trên thị trường gọi xe, mà còn là cuộc đua trở thành người dẫn đầu “siêu ứng dụng” về hàng hóa và dịch vụ, cho phép người dùng đặt chuyến đi và thức ăn, sắp xếp giao hàng và thực hiện thanh toán qua di động.

Một báo cáo, do Temasek  và Google phối hợp thực hiện vào năm ngoái, đã ước tính quy mô của nền kinh tế trực tuyến Việt Nam, bao gồm cả dịch vụ gọi xe, ở mức 9 tỷ USD, và dự đoán sẽ còn tăng lên 33 tỷ USD vào năm 2025.

Bản thân Grab đang đẩy mạnh hơn vào các dịch vụ, ví dụ như năm ngoái hãng đã hợp tác với công ty thanh toán kỹ thuật số Moca của Việt Nam.

Jerry Lim, giám đốc Grab tại Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi có một nhóm các nhà đầu tư chiến lược dài hạn, họ sẵn sàng đầu tư tiền cho chiến lược siêu ứng dụng,”. Điều này cho thấy Grab đang huy động 6,5 tỷ USD trong năm nay để tài trợ cho việc mở rộng.

Go-Jek của Indonesia, đối thủ lớn nhất của Grab cũng đang huy động vốn, với quy mô không được tiết lộ được dẫn đầu bởi các nhà đầu tư lớn bao gồm Google, JD.com và Tencent.

FT nhận định cuộc cạnh tranh ngày càng gay cấn khi chính phủ Việt Nam xem xét thắt chặt quy định với các công ty kinh doanh dịch vụ gọi xe. Một dự thảo về các quy định mới sẽ yêu cầu các phương tiện lắp đặt các hộp đèn ánh sáng kiểu các taxi trên mui xe của họ và cung cấp báo cáo chi tiết về mỗi chuyến đi.

Ông Lim cho biết ngành gọi xe đang quan ngại sâu sắc những thay đổi theo đề xuất. Ông nói: “Chúng tôi rất hy vọng Chính phủ sẽ không thực hiện các chính sách bảo hộ với ngành taxi”.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày