Chọn vàng, bỏ thau
Từ câu chuyện về những cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc, cũng đặt cho nhà đầu tư những trăn trở về việc đầu tư dài hạn ở thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong quá khứ, cũng không ít lần nhà đầu tư chịu những rủi ro liên quan đến cổ phiếu bị hủy niêm yết.Theo thông báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), 5/9/2024 là ngày giao dịch cuối cùng của hơn 347,2 triệu cổ phiếu HBC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trên sàn HOSE. Nguyên nhân là Hòa Bình có tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.
Tại buổi hội thảo về chứng khoán diễn ra cuối tháng 8/2024, trong những cuộc trò chuyện nhiều nhà đầu tư tỏ ra tiếc nuối khi HBC bị hủy niêm yết bắt buộc ở sàn HOSE và thị giá chỉ còn quanh mốc 5.000-6.000 đồng/cổ phiếu. Có người tiếc nuối cho một thương hiệu từng thuộc Top những công ty kinh doanh hiệu quả và là một trong những biểu tượng của ngành xây dựng Việt Nam. Cũng có nhà đầu tư hụt hẫng khi chưa kịp “thoát hàng” vì kỳ vọng HBC sẽ quay lại thời kỳ đỉnh cao. Có những nhà đầu tư lại tỏ ra bất ngờ với “diện mạo” mới của doanh nghiệp này.
Trong quá khứ, cũng không ít lần nhà đầu tư chịu những rủi ro liên quan đến cổ phiếu bị hủy niêm yết. Tuy câu chuyện của mỗi doanh nghiệp là khác nhau nhưng đây cũng là rủi ro mà nhà đầu tư cá nhân nên lưu ý để tránh ảnh hưởng đến giá trị tài sản của mình.
Ở góc nhìn quản lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng quy định về hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong trường hợp cần thiết có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần tạo môi trường đầu tư công bằng, minh bạch. Việc nắm vững những quy định liên quan đến hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu sẽ giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư chính xác hơn.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, để tránh được những rủi ro thất thoát vốn đầu tư khi cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc, nhà đầu tư cần nắm rõ những quy định liên quan hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu và một số lưu ý khi tham gia vào thị trường chứng khoán.
Cụ thể, nhà đầu tư cần trang bị kiến thức, hiểu biết về thị trường chứng khoán, nền tảng tài chính, uy tín và triển vọng của doanh nghiệp niêm yết. Ngoài ra, cần cẩn trọng trong việc lựa chọn đầu tư cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết; xem xét khả năng tuân thủ quy định pháp luật nói chung, quy định pháp luật chứng khoán nói riêng của doanh nghiệp đó; xem xét sự tuân thủ pháp luật của những người điều hành doanh nghiệp (hội đồng quản trị, ban giám đốc…); đánh giá uy tín và khả năng quản trị công ty của doanh nghiệp. Và nhà đầu tư cũng cần liên tục cập nhật mọi thông tin về cổ phiếu, báo cáo tài chính của doanh nghiệp, từ đó có thể nhanh chóng nắm bắt, đánh giá chất lượng cổ phiếu và ra quyết định đầu tư một cách chính xác hơn.
Từ câu chuyện về những cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc, cũng đặt cho nhà đầu tư những trăn trở về việc đầu tư dài hạn ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Chia sẻ với NCĐT, ông Lê Văn Hà, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng để đánh giá tiềm năng đầu tư dài hạn ở Việt Nam, nhà đầu tư phải hiểu bối cảnh nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam. Với quy mô hiện tại của nền kinh tế Việt Nam, thị trường chứng khoán cũng chưa thể hoạt động giống với các thị trường lớn như Mỹ hay Trung Quốc. Cùng với đó, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi, nên dòng vốn hiện tại vẫn chủ yếu là của nhà đầu tư cá nhân.
Theo ông Hà, phương pháp đầu tư dài hạn thì ở thị trường nào cũng áp dụng được nhưng phụ thuộc vào 3 yếu tố chính. Đầu tiên, dòng vốn của nhà tư cá nhân tham gia thị trường phải là dòng tiền nhàn rỗi thật sự, không ảnh hưởng đến tài chính cá nhân khi có những biến động.
Thứ 2, nhà đầu tư cần có tính kiên trì mới có thể theo chiến lược đầu tư dài hạn, bởi thị trường cận biên thường dao động trong biên độ lớn và có tính đầu cơ cao. Cuối cùng, nhà đầu tư cần nắm được chu kỳ của ngành và doanh nghiệp có bền vững hay không.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng vận động theo quy luật của kinh tế xã hội là 80/20. Có nghĩa là trên sàn chỉ có 20% doanh nghiệp là để đầu tư dài hạn, mà trong 20% đó, chỉ có 20% là lựa chọn tốt để đầu tư dài hạn thực sự; 80% còn lại đa phần là đầu cơ trên nền tảng của doanh nghiệp. Vì thế, việc các doanh nghiệp tận dụng chu kỳ để thu hút vốn là điều bình thường và chuyện hủy niêm yết là hệ quả tất yếu của thị trường đầu cơ cao và doanh nghiệp mang tính chu kỳ theo kinh tế”, ông Hà nói thêm.
Cũng theo ông Hà, trong tương lai khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thì các cơ hội đầu tư dài hạn sẽ nhiều hơn khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cả về quy mô lẫn chất lượng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để theo đuổi phương pháp “lướt sóng” hay tích lũy dài hạn.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư