Chứng khoán Việt Nam đạt chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp

Kết thúc tháng 3/2023, sắc xanh "phủ kín" các chỉ số chính của chứng khoán Việt. Ảnh: PV.
Kết phiên giao dịch 31/3, phiên giao dịch cuối tuần, cuối tháng và cũng là cuối quý I/2023, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 5,2 điểm, đóng cửa ở mức 1.064 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE nghiêng nhẹ về bên mua với 198 mã tăng và 184 mã giảm. Thanh khoản thị trường đạt mức cao với hơn 11.800 tỉ đồng được giao dịch ở sàn HOSE.
Đóng góp chính vào đà tăng của thị trường ở phiên này là nhóm cổ phiếu ngành bất động sản, hóa chất, ngân hàng và chứng khoán. Ở nhóm bất động sản, nhiều cổ phiếu đạt mức tăng trần hoặc gần trần, như NLG, KBC hay PIV,… và nhiều cổ phiếu mang tính dẫn dắt như VHM, VIC và GVR đã đóng góp đáng kể vào đà tăng của thị trường.
![]() |
Top 10 cổ phiếu tác động mạnh đến chỉ số VN-Index ở 2 chiều. Ảnh: VNDirect, |
Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán thì thể hiện sự phân hóa rõ, khi dòng tiền đổ dồn vào nhóm cổ phiếu nhỏ, nhiều cổ phiếu nhóm này đóng cửa trong sắc tím hoặc có đà tăng trên 6% như BSI, MBS, CTS,… phần còn lại cũng tăng từ 3-5%.
Dưới góc nhìn trung - dài hạn, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đánh giá trạng thái vận động của VN-Index trong hơn 1 tháng vừa qua là khá chặt chẽ. SHS cho rằng, về cơ bản mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại đang tương đối hấp dẫn sau thời gian dài thị trường rơi vào downtrend. Về vĩ mô có thể thấy giai đoạn hiện tại là giai đoạn khó đoán định (xu hướng lãi suất trong nước giảm nhưng rủi ro từ thị trường trái phiếu vẫn cao, kinh tế toàn cầu vẫn bất ổn vì lạm phát và nhiều nguy cơ suy thoái..). Do đó, SHS nhận định xu hướng hiện mang tính chất tích lũy sẽ còn tiếp tục kéo dài trước khi thị trường có thể tạo ra một xu hướng (uptrend) thực sự mạnh mẽ.
![]() |
“Với nhận định thị trường như trên, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư ngắn hạn giai đoạn này vẫn có thể giải ngân đón đầu sóng hồi nhưng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng, thị trường hiện tại vẫn phù hợp cho mục tiêu giải ngân đầu tư nắm giữ trung - dài hạn (đón đầu giai đoạn bùng nổ sau tích lũy), mục tiêu giải ngân đầu tư trung, dài hạn nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Chiến lược giải ngân trung - dài hạn nên là giải ngân dần trong các giai đoạn thị trường điều chỉnh giảm”, SHS nhận định.
Về góc nhìn kỹ thuật, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, VN-Index kết tuần tạo nến xanh tăng điểm kéo dài mạch phục hồi của thị trường. Xét về khung đồ thị ngày, hầu hết các chỉ báo vẫn đang hướng lên tích cực và chưa có dấu hiệu tạo đỉnh đầu tiên. Tuy nhiên việc MACD và RSI ở khung đồ thị giờ đã ở mức cao cho thấy thị trường sẽ có sự phân hóa, tăng giảm đan xen nhất định trong quá trình dích dắc đi lên.
“VN-Index hiện tại vẫn đang có diễn biến dạng sóng phẳng với những nhịp sóng nhỏ tăng giảm đan xen. Theo lý thuyết Wyckoff, VN-Index hiện tại vẫn đang nằm trong phase B và vẫn có xác suất tăng điểm tạo thành nhịp UTAD test quanh vùng 1.100 trong trung hạn. Với diễn biến hiện tại, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn chỉ nên giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức an toàn từ 20 - 40% tài khoản. Trong ngắn hạn, các nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân đối với các nhóm cổ phiếu đang có xu hướng phục hồi và thu hút dòng tiền như bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, chứng khoán”, VCBS nhận định.
Có thể bạn quan tâm:
Dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021 tác động ra sao đến thị trường trái phiếu?
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư