Tài Chính

Chứng khoán Việt Nam “không ngại” khối ngoại bán ròng

Kim Anh Thứ Ba | 02/07/2024 17:23

Mirae Asset cho rằng áp lực bán ròng của nhóm nhà đầu tư nước ngoài phần lớn đến từ việc chênh lệch lãi suất giữa VND và USD. Ảnh: KA.

Tương quan giữa giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài so với diễn biến của VN-Index không cho thấy sự tương quan quá cao.
Mirae Asset cho rằng áp lực bán ròng của nhóm nhà đầu tư nước ngoài phần lớn đến từ việc chênh lệch lãi suất giữa VND và USD. Ảnh: KA.

Kể từ đầu năm 2024 đến ngày 26/6, khối ngoại đã ghi nhận giá trị bán ròng lên đến gần 50.000 tỉ đồng tại sàn HOSE. Trong đó, nhóm nhà đầu tư nước ngoài hiện đang có dấu hiệu bán mạnh đối với một số nhóm ngành như bất động sản (bán ròng gần 15.200 tỉ đồng kể từ đầu năm; trong đó tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu họ Vingroup (VHM, VRE và VIC). Tiếp theo là ngành thực phẩm đồ uống với lượng bán ròng lên đến 9.200 tỉ đồng từ đầu năm, trong đó chủ yếu bán ròng VNM và MSN. 

Chia sẻ với NCĐT, ông Đồng Thanh Tuấn, Chuyên viên Phân tích, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đánh giá động thái bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang diễn ra trên diện rộng khi họ liên tục bán ra trong xuyên suốt 5 tháng liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ có một số nhóm ngành thực sự thu hút dòng tiền đáng kể là bán lẻ (mua ròng 1.900 tỉ đồng).

 

2024 cũng không phải là năm đầu tiên thị trường ghi nhận áp lực bán ròng lớn như thế đến từ phía các nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, nhóm này đã liên tục bán ròng kể từ năm 2020 và chỉ ghi nhận lực mua vào đáng kể trong năm 2022 khi định giá thị trường trở nên cực kỳ hấp dẫn sau nhịp điều chỉnh lớn kéo dài từ tháng 4/2022 đến tháng 11/2022. Trong đó, nhóm này đã mua ròng liên tiếp kể từ tháng 12/2022 khi thị trường chính thức xác nhận vùng đáy dài hạn và đà mua vào đã kéo dài đến tháng 3/2023. 

Tuy nhiên, điều này chưa đủ để khẳng định động thái duy trì dòng vốn trong trung và dài hạn tại thị trường Việt Nam của khối ngoại, mà thay vào đó sẽ mang yếu tố chiến lược thông qua việc chờ đợi thời điểm giải ngân ở vùng định giá phù hợp của thị trường, khi ngay sau đó áp lực chốt lời dần xuất hiện và lượng bán ròng liên tục được gia tăng khi thị trường liên tiếp vượt đỉnh mới và VN-Index hướng về 1.300 điểm. 

 

“Chúng tôi không cho rằng động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ là điều đáng lo ở thời điểm hiện tại khi trên thực tế, sức ảnh hưởng của nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục suy giảm, khi trong cùng thời điểm thị trường đón nhận sự tham gia mạnh mẽ của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đã làm gia tăng tỉ trọng giao dịch của nhóm này so với các nhóm nhà đầu tư còn lại; diễn biến này càng được củng cố sau giai đoạn COVID-19”, ông Tuấn chia sẻ. 

Bên cạnh đó, tương quan giữa giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài so với diễn biến của VN-Index không cho thấy sự tương quan quá cao mà thay vào đó sẽ liên tục biến động tùy vào từng giai đoạn vĩ mô cụ thể tại Việt Nam. Bằng chứng là trong giai đoạn kể từ tháng 4/2023 đến hiện tại thì nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra gần 80.000 tỉ đồng nhưng chỉ số VN-Index dù ghi nhận những nhịp điều chỉnh lớn trong quý III/2023 nhưng nhìn chung triển vọng trong dài hạn vẫn đang hiện hữu với việc VN-Index nhanh chóng phục hồi và tiếp tục thiết lập đỉnh mới trong năm 2024. 

Mirae Asset cho rằng áp lực bán ròng của nhóm nhà đầu tư nước ngoài phần lớn đến từ việc chênh lệch lãi suất giữa VND và USD. Trong đó, việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ sau khi nâng lãi suất 11 lần liên tiếp với mức lãi suất vẫn đang giữ ở mức cao 5,5% kể từ tháng 7/2023 với chiến lược "high-for-longer" trong khi Việt Nam đã có 2 lần hạ lãi suất (lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,5% về 4,5% trong khi lãi suất chiết khấu giảm từ 3,5% về 3%) cùng nhiều chính sách nới lỏng khác đã nới rộng khoảng chênh lệch lãi suất giữa VND và USD và đưa mức chênh lệch về số âm ở gần như mọi kỳ hạn từ qua đêm đến 1 năm. 

“Việc duy trì mức chênh lệch lãi suất âm như hiện tại đã khiến cho việc nắm giữ USD trở nên hấp dẫn hơn và đồng thời kích hoạt dòng vốn rút ra khỏi Việt Nam và trở về Mỹ; bên cạnh về lợi thế về lãi suất và sức mạnh của đồng USD thì việc dòng vốn đầu tư đồng thời được củng cố bởi điểm đánh giá tín dụng cũng như mức phần bù cho rủi ro quốc gia có phần hấp dẫn hơn so với Việt Nam. Do đó, chúng tôi cho rằng động thái rút vốn khỏi thị trường Việt Nam là điều khó tránh khỏi”, ông Tuấn chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm 

Những nhóm ngành nào “sáng giá” trong nửa cuối 2024?


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày