Tài Chính

Cổ phiếu ngân hàng “cứu” thị trường

Nhật Lệ Thứ Hai | 22/11/2021 16:23

Nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành lực đỡ của thị trường ở phiên 22/11. Ảnh: BanggiaSSI.

Trong bối cảnh các cổ phiếu gần như “nằm sàn hàng loạt” thì cổ phiếu ngân hàng lại nổi lên như “vị cứu tinh”.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành lực đỡ của thị trường ở phiên 22/11. Ảnh: BanggiaSSI.

Phiên giao dịch 22/11, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực giảm mạnh khi hàng loạt cổ phiếu “lau sàn”. Phải kể đến là nhóm cổ phiếu ngành bất động sản hay như cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu cũng đồng loạt giảm mạnh, thậm chí là đồng loạt giảm sàn.

Kết phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm hơn 5 điểm, độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về bên bán với 350 mã giảm điểm và chỉ 127 mã tăng điểm. Đáng chú ý, số lượng mã giảm sàn lên tới 111 mã giảm sàn. Giá trị giao dịch trên thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao khi tổng giá trị giao dịch ở sàn HOSE đạt hơn 36.500 tỉ đồng. Sàn UPCoM và HNX cũng đóng cửa trong sắc đỏ với độ rộng nghiêng về bên bán.

Chỉ số VN-Index giảm hơn 5 điểm nhưng có tới 111 mã giảm sàn. Ảnh: Banggiassi.
Chỉ số VN-Index giảm hơn 5 điểm nhưng có tới 111 mã giảm sàn. Ảnh: Banggiassi.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu VN30 lại có phiên ngược dòng ngoạn mục khi chỉ số VN30 đóng cửa tăng gần 17 điểm với 19 mã tăng giá và 10 mã giảm giá. Giá trị khớp lệnh của VN30 đạt gần 12.000 tỉ đồng.

Đáng chú ý, sau một “kỳ ngủ đông” thì cổ phiếu ngân hàng ở phiên giao dịch này đóng vai trò như “cứu tinh” của cả thị trường. Nếu quan sát diễn biến thị trường kể từ đầu tháng 7 đến nay, mặc dù thị trường liên tục "phá đỉnh" nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng dường như bị "ngó lơ" khi nhiều ngân hàng lớn dù có kết quả kinh doanh tích cực, nợ xấu trong tầm kiểm soát nhưng giá cổ phiếu vẫn "bất động".

Phần lớn các nhóm ngành đều chịu áp lực giảm điểm trong phiên 22/11, đặc biệt là nhóm bất động sản. Ảnh: VDSC.
Phần lớn các nhóm ngành đều chịu áp lực giảm điểm trong phiên 22/11, đặc biệt là nhóm bất động sản. Ảnh: VDSC.

Là nhóm ngành chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu vốn hóa toàn thị trường nên diễn biến giá của cổ phiếu ngân hàng có tác động không hề nhỏ đến thị trường chung. Ở phiên giao dịch 22/11, trong bối cảnh cổ phiếu các ngành khác gần như “nằm sàn hàng loạt” thì cổ phiếu ngân hàng trở thành điểm sáng khi tới hơn 90% cổ phiếu nhóm này đóng cửa trong sắc xanh. Ngoại trừ PGB và EIB thì tất cả các cổ phiếu còn lại của nhóm ngành ngân hàng đều đóng cửa trong sắc xanh. Nhiều cổ phiếu còn tăng trần như HDB, TPB hay VIB ở sàn HOSE. Sàn UPCoM và HNX cũng nổi bật với VBB và BAB với mức tăng 11,2% và 7,3%. Phần còn lại đa số đều đóng cửa ở mức giá cao hơn mức giá tham chiếu hơn 3%.

Bên cạnh nhóm ngành ngân hàng thì cổ phiếu ngành thép cũng trở thành điểm sáng như các mã đầu ngành như HPG, NKG, HSG và POM đều duy trì được sắc xanh tốt trong bối cảnh “xanh lam bao trùm thị trường”.

Cổ phiếu ngành ngân hàng tăng mạnh trong phiên 22/11, trở thành
Cổ phiếu ngành ngân hàng tăng mạnh trong phiên 22/11, trở thành "cứu tinh" của thị trường. Ảnh: BanggiaSSI.

Thời gian qua, khi dòng tiền liên tục tìm đến nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ thì giới chuyên gia đã liên tục đưa ra những cảnh báo đối với "cổ phiếu nóng, cẩn thận bỏng tay". Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài Chính, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), cho hay xét về cấu trúc giao dịch của các nhóm ngành khác nhau thì dòng tiền đang luân chuyển từ nhóm vốn hóa lớn sang các nhóm khác. Từ tháng 7/2021 đến thời điểm hiện tại, dòng cổ phiếu vừa và nhỏ tăng khá mạnh, chỉ số VNMidcap và VNSmallcap tăng lần lượt 28% và 40%, có nghĩa nhà đầu tư đang chạy theo những cổ phiếu có thị giá thấp hơn, hoặc những câu chuyện như thay đổi giá hàng hóa, câu chuyện đầu tư công, bất động sản sau đại dịch.

Đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, nó có một sức nóng nhất định. Theo ông Nam, nhà đầu tư không nên nghe hô hào nhiều quá. Bởi lẽ theo ông Nam nếu bạn mua một cổ phiếu xung quanh 40.000 đồng/cổ phiếu, nó hoàn toàn có thể tăng lên 50.000 đồng/cổ phiếu nhưng nó cũng có thể giảm xuống 20.000 đồng/cổ phiếu thì chưa chắc đã xứng đáng cho chúng ta mua, là vì nó không đủ biên an toàn.

Có thể bạn quan tâm 

Cuộc "di cư" của dòng tiền trên thị trường chứng khoán

Đã đến lúc chốt lời “cổ phiếu nóng”

Lỗ 4 quý liên tiếp, cổ phiếu một doanh nghiệp vẫn liên tục tăng trần


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày