Tài Chính

Cổ phiếu ngân hàng "gánh" thị trường

Thứ Tư | 12/02/2025 16:52

Hầu hết các ngành đều cho thấy quỹ đạo phục hồi lợi nhuận tích cực so với giai đoạn trước và giữa COVID. Ảnh: TL.

Ngành ngân hàng chứng kiến mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội, vượt kỳ vọng trong quý IV.
Hầu hết các ngành đều cho thấy quỹ đạo phục hồi lợi nhuận tích cực so với giai đoạn trước và giữa COVID. Ảnh: TL.

Lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số 

Kết quả kinh doanh khả quan trong quý IV/2024, cùng với hoạt động giao dịch có phần trầm lắng trong tháng 1, đã tạo nền tảng phù hợp cho đà tăng của thị trường trong thời gian qua. 

Số liệu từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset, tổng lợi nhuận sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số (NPATMI) của các công ty niêm yết tại HOSE vượt 115.000 tỉ đồng, thể hiện mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước và so với quý trước lần lượt là 33,5% và 10,2%; qua đó, đưa tổng tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 đạt gần 18%. 

Hầu hết các ngành đều cho thấy quỹ đạo phục hồi lợi nhuận tích cực so với giai đoạn trước và giữa COVID, ngoại trừ các ngành như bất động sản, tiện ích và năng lượng, vốn tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong hoạt động và biến động thị trường.

 

Ngành ngân hàng chứng kiến mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội, vượt kỳ vọng trong quý IV. Hoạt động cho vay cốt lõi vẫn duy trì mạnh mẽ, với thu nhập lãi thuần tăng 14% so với cùng kỳ, chiếm hơn 80% tổng doanh thu. Điều này được bổ sung bởi sự phục hồi của các hoạt động ngoài lãi, đặc biệt là chứng khoán đầu tư và các nguồn thu nhập khác. Các sáng kiến nâng cao hiệu quả hoạt động, bao gồm tối ưu hóa lực lượng lao động và đẩy nhanh số hóa, đã giúp hạn chế mức tăng trưởng chi phí hoạt động ở mức 11% so với cùng kỳ. 

Dẫu vậy, bức tranh kinh doanh của ngành ngân hàng vẫn cho thấy sự phân hóa sự phân hóa nhất định và tăng trưởng lợi nhuận không đồng đều giữa các ngân hàng; đặc biệt thông qua chi phí huy động vốn. Một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý IV/2024 trong bối cảnh áp lực thanh khoản và tỉ giá trong nửa cuối năm 2024. Sự chênh lệch đáng kể giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng cung tiền M2 đã dẫn đến chi phí huy động vốn tăng cao, ảnh hưởng đặc biệt đến các ngân hàng vừa và nhỏ. 

Đồng thời, một số tổ chức ghi nhận chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng, chi phí nhân sự tăng và thu nhập ngoài lãi giảm mạnh, ảnh hưởng kém khả quan đến kết quả doanh thu tổng thể.

 

Ngoài ngân hàng, thị trường chứng kiến sự phục hồi đáng kể trong lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt là điện tử tiêu dùng, và vận tải, bao gồm hàng không và vận tải biển. Những sự phục hồi này được củng cố bởi bối cảnh vĩ mô dần trở nên thuận lợi hơn và thúc đẩy các hoạt động chi tiêu, mua sắm và du lịch, qua đó củng cố tăng trưởng lợi nhuận chung của thị trường.

Động lực tăng trưởng của thị trường 

Chính phủ hiện đang trình Quốc hội xem xét các đề xuất, đặt mục tiêu tăng trưởng GDP vượt 8% và lạm phát CPI trung bình 4,5-5% cho năm 2025. Để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng này và tiến tới vị thế quốc gia có thu nhập trung bình cao trong giai đoạn 2026-2030, các biện pháp thúc đẩy tổng cung được đề xuất bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng thông qua đầu tư công, thu hút FDI công nghệ cao và sản xuất, và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân. 

“Với mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng, chúng tôi cho rằng việc cải thiện năng suất lao động thông qua áp dụng khoa học công nghệ và phát triển nhân lực công nghệ cao đều khó có thể đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững trong thời gian ngắn, trong khi thúc đẩy tổng cung thông qua gia tăng đầu tư sản xuất cần sự thích nghi nhất định đến từ thị trường nội địa, cũng như cân bằng với mức tổng cầu đến từ thị trường quốc tế; đặc biệt trong bối cảnh các đối tác thương mại chủ chốt với Việt Nam (ngoại trừ Mỹ) như Châu Âu và Trung Quốc đều ghi nhận hoạt động sản xuất và tiêu dùng nội địa tương đối yếu”, Mirae Asset nhận định. 

 

Về mặt tỉ giá, diễn biến tỉ giá cần được theo dõi chặt chẽ trong nửa đầu năm 2025, do lộ trình cắt giảm lãi suất của FED đối mặt với những trở ngại từ áp lực lạm phát của Thương Chiến, đặc biệt trong bối cảnh CPI cơ bản của Mỹ ổn định ở mức 3,2-3,3% so với cùng kỳ năm trước do áp lực dai dẳng từ lĩnh vực dịch vụ. Trong khi thị trường kỳ vọng FED sẽ có hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, chi tiêu hộ gia đình mạnh mẽ, việc làm ổn định và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp bền vững cho thấy các yếu tố bất định vẫn đang tiếp diễn, tạo tiền đề cho một giai đoạn thận trọng của FED thông qua sự phụ thuộc vào dữ liệu và giảm tính hiệu quả của công cụ “định hướng kỳ vọng”. 

“Chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ duy trì đà tăng hướng tới các vùng đỉnh gần nhất là 1.280-1.300 điểm, được thúc đẩy bởi xung lực đến từ nhóm ngân hàng trong bối cảnh tâm lý giao dịch được củng cố sau ba tuần tăng điểm liên tiếp và ngưỡng hỗ trợ được thiết lập tại 1.220 điểm”, Mirae Asset nhận định.  

Tuy nhiên, Mirae Asset cho rằng sự phụ thuộc ngày càng tăng vào kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng, cùng với các động lực tăng trưởng hạn chế ở các ngành khác và các tín hiệu đáng lo ngại từ cổ phiếu FPT trong bối cảnh làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ Mỹ, cho thấy những rủi ro cần phải tiếp tục theo dõi. Mặc dù định giá thị trường đã trở nên hấp dẫn hơn sau khi ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trong quý IV/2024, các nhịp điều chỉnh và tái tích lũy trong ngắn hạn dường như là cần thiết để thiết lập các mức cân bằng mới trước khi có những bước tiến bền vững, cho thấy khả năng hình thành ngưỡng hỗ trợ tại 1.240-1.250 điểm. 

Tổ chức này chỉ ra các yếu tố rủi ro từ vĩ mô toàn cầu cần theo dõi xung đột Nga-Ukraine kéo dài tiếp tục làm suy giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế châu Âu; dòng vốn chảy mạnh vào thị trường Mỹ, dẫn đến sự rút vốn đáng kể đối với phần còn lại của thế giới; chính sách thuế quan mới trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tân Tổng thống Donald Trump có khả năng sẽ làm gia tăng rủi ro thương chiến lan rộng ra toàn cầu; hoạt động sản xuất trì trệ trên các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các ngành công nghiệp tại Châu Âu và Trung Quốc; lạm phát dai dẳng tại thị trường Mỹ và châu Âu cho thấy lộ trình bình thường hóa lãi suất có thể gặp nhiều biến động; quan điểm “diều hâu” của Ngân hàng Nhật Bản cùng khả năng tiếp tục nâng lãi suất mang lại rủi ro về việc đảo chiều hoạt động “carry trade”. 

Có thể bạn quan tâm 

Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam 2025 lạc quan nhưng vẫn cần dè chừng

Nguồn Theo Mirae Asset


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày