Tài Chính

Định giá thị trường hấp dẫn thu hút dòng vốn ngoại

Nhật Lệ Thứ Năm | 11/08/2022 10:35

Hình ảnh nhà đầu tư tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE). Ảnh: TL.

Mức định giá tương đối hấp dẫn so với các thị trường khác đã làm khối ngoại quay lại giải ngân mạnh mẽ ở thị trường Việt Nam.
Hình ảnh nhà đầu tư tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE). Ảnh: TL.

Tại khu vực châu Á, nhìn chung, khối ngoại đã quay lại mua ròng trong tháng 7 sau nhiều tháng bán ròng liên tiếp. Trong đó, thị trường Hàn Quốc (1,4 tỉ USD), Ấn Độ (846 triệu USD), Thái Lan (128 triệu USD), Malaysia (23 triệu USD), và Việt Nam (14 triệu USD) là những thị trường thu hút được dòng vốn ngoại trong tháng 7.

Tại Việt Nam, số liệu từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng trong 4 tháng gần đây, với 14 triệu USD mua ròng tháng 7 tập trung vào ngành thực phẩm và đồ uống, ngân hàng, xây dựng cơ bản, và bán lẻ. Về thống kê dòng vốn ETF, các ETF bán ròng khoảng 10 triệu USD trong tháng 7, chủ yếu đến DCVFMVN Diamond ETF (22 triệu USD) và VanEck Vietnam ETF (13 triệu USD).

 

Mirae Asset cho biết, hiện nay mức chênh lệch giữa tăng trưởng EPS của thị trường Việt Nam và lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng thương mại đang được nới rộng hơn so với các nước trên thế giới (một phần cũng do Việt Nam kiểm soát tốt lạm phát nên chưa cần phải can thiệp tăng lãi suất so với các nước). Điều này thể hiện rằng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện được giao dịch tại mức định giá khá thấp.

Khối ngoại đã quay lại mua ròng xuyên suốt 4 tháng qua với giá trị lũy kế đạt 288 triệu USD, sau khi bán ròng 2,7 tỉ USD trong năm 2021 và bán 307 triệu USD trong quý I. Giá trị mua ròng của khối ngoại phần lớn là do dòng vốn ETF đã chọn trở lại Việt Nam bất chấp việc Mỹ tăng lãi suất và đồng USD tăng rất mạnh trong 7 tháng đầu năm 2022. Điều này cho thấy bối cảnh vĩ mô cũng như định giá thị trường chứng khoán đang là điểm sáng hấp dẫn trong mắt những nhà đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế, kể từ giai đoạn 2020-2021, khối ngoại đã không có nhiều ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Hoạt động của nhà đầu tư ngoại đã dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam trong suốt thời gian qua. Giai đoạn 2017-2018, nhà đầu tư ngoại mua ròng, thị trường đi lên, trong khi khối ngoại bán ròng thì thị trường đi xuống. Tuy nhiên, ở giai đoạn bùng nổ của thị trường 2020-2021, chứng khoán Việt Nam vẫn “lên tầm cao mới” bất chấp đà bán ròng của khối ngoại. 

 

Tỉ trọng giao dịch của khối ngoại từ mức trên 20% ở giai đoạn trước, đã xuống thấp và chỉ còn dao động quanh mức 6-7%, thậm chí có thời điểm xuống mức 4%. Quan sát giá trị giao dịch của khối ngoại, dễ dàng nhận thấy việc quy mô giao dịch của khối này thay đổi là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, khi nhà đầu tư cá nhân Việt Nam liên tục “rót vốn” vào thị trường, đẩy thanh khoản lên mức cao đã khiến khối ngoại “bị mất vị thế” trên tổng giá trị giao dịch. Ngược lại, quy mô giao dịch của khối ngoại sẽ ở mức cao khi nhà đầu tư cá nhân Việt Nam thu hẹp giao dịch. 

Minh chứng trong thời gian gần đây, ở tháng 5 và tháng 6 khi nhà đầu tư cá nhân tỏ ra thận trọng, đẩy thanh khoản thị trường xuống mức thấp thì cũng là lúc tỉ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Đến tháng 7/2022, khi nhà đầu tư dần dần trở lại thì quy mô giao dịch của nhà đầu tư ngoại cũng thu hẹp. 

Có thể bạn quan tâm 

Margin của các công ty chứng khoán giảm mạnh trong quý II


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày