Giao dịch “tàu lượn”, thị trường bất ngờ giảm mạnh về cuối phiên

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ở sàn HOSE và HNX "phủ sắc đỏ". Ảnh: Ysflex
Phiên sáng, thị trường chứng khoán diễn biến khá phân hóa nhưng sắc xanh vẫn chiếm chủ đạo trong bức tranh chung của thị trường. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp có nhiều điểm sáng khi nhiều mã đạt mức tăng trên 3%.
Tuy nhiên về phiên chiều, áp lực bán bất ngờ xuất hiện, nhiều cổ phiếu đang tăng hơn 3% bỗng đảo chiều giảm 2-3%, tức là biên độ dao động hơn 5% trong phiên. Áp lực bán xuất hiện trên diện rộng, có thời điểm VN-Index giảm hơn 30 điểm. Tuy nhiên, lực cầu ở vùng giá thấp đã khiến VN-Index thu hẹp đà giảm, kết phiên sát mốc 1.100 điểm, với 443 mã giảm và 113 mã tăng. Thanh khoản thị trường cũng đạt mức cao với gần 23.000 tỉ đồng được giao dịch ở sàn HOSE.
![]() |
17/18 nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ. Ảnh: VDSC. |
Nhóm cổ phiếu VN30 chịu áp lực bán mạnh mẽ khi 30/30 cổ phiếu trong nhóm này chìm trong sắc đỏ, chỉ số đóng cửa giảm hơn 30,6 điểm.
Xét về nhóm ngành, ngân hàng, bất động sản và chứng khoán là 3 nhóm ngành giảm mạnh và tác động tiêu cực nhất đối với diễn biến của thị trường ở phiên giao dịch này. Ngoại trừ nhóm hàng cá nhân và gia dụng, 17/18 nhóm ngành được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thống kê đều giảm điểm.
![]() |
Theo FiinGroup, mặt bằng định giá hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng (P/E 8,8x) và bất động sản (P/E 12,2x). Nếu không tính hai ngành này, P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở mức 23,5x. Đây là mức rất cao so với lịch sử và đang là trở ngại với dòng tiền vào thị trường. |
Có thể nói, phiên giao dịch 17/11 là phiên giảm mạnh nhất kể từ những ngày cuối tháng 10 khi VN-Index liên tục giảm sâu, và “chạm đáy” ngắn hạn ở vùng 1.020 điểm vào phiên 1/11. Từ thời điểm đó đến trước phiên điều chỉnh 17/11, VN-Index đã tăng hơn 100 điểm, trước khi giảm mạnh ở phiên 17/11.
![]() |
Về sự điều chỉnh của thị trường thời gian qua, góc nhìn của giới phân tích cho rằng đợt điều chỉnh của tháng 10 đã đưa định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam về vùng hấp dẫn. Đơn cử như quan điểm của Công ty Chứng khoán VNDirect được đưa ra trong báo cáo chiến lược tháng 11, công bố hồi đầu tháng 11 cho rằng P/B của VN-Index hiện giao dịch ở vùng định giá gần tiệm cận với đáy trung hạn của thị trường tại ngày 15/11/2022 là 1,47. Trong giai đoạn COVID, P/B của thị trường tạo đáy ở 1,57. Tuy nhiên, theo góc nhìn của FiinGroup, đợt điều chỉnh gần đây đã đưa P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam về mức 13,1x, thấp hơn mức trung bình giai đoạn từ 2015 đến nay (14,2x) và cao hơn so với P/E fwd 2023 (12,5x).
Tuy nhiên, tổ chức này lưu ý rằng mặt bằng định giá hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng (P/E 8,8x) và bất động sản (P/E 12,2x). Nếu không tính hai ngành này, P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở mức 23,5x. Đây là mức rất cao so với lịch sử và đang là trở ngại với dòng tiền vào thị trường.
“Trong ngắn hạn, đà tăng của thị trường bị hạn chế bởi (1) dư địa hạ lãi suất không còn nhiều và (2) đà hồi phục về lợi nhuận đang diễn ra khá chậm khi cầu tiêu dùng yếu”, FiinGroup nhận định.
Có thể bạn quan tâm:
Tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỉ trọng
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư