Góc nhìn chuyên gia

Chiến lược đầu tư khi VN-Index vượt mốc 1.300 điểm

Thứ Tư | 14/05/2025 21:53

Độ rộng sàn HOSE nghiêng về chiều tích cực với 189 mã tăng. Ảnh: Fiintrade.

Phiên giao dịch 14/5, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Độ rộng sàn HOSE nghiêng về chiều tích cực với 189 mã tăng. Ảnh: Fiintrade.

VN-Index kết phiên tăng hơn 16 điểm, độ rộng sàn HOSE nghiêng về chiều tích cực với 189 mã tăng và 122 mã giảm. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt hơn 27.300 tỉ đồng, tương đương hơn 1 tỉ USD và cao hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất. 

Đáng chú ý, khối ngoại tiếp tục mua ròng tích cực trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị đột biến 2.266 tỉ đồng trong phiên giao dịch này. Trong đó, cổ phiếu FPT được mua ròng mạnh nhất toàn thị trường với giá trị đột biến lên tới 541 tỉ đồng. Xếp theo sau, cổ phiếu VPB và MWG cũng được mua ròng với giá trị lần lượt 322 tỉ và 285 tỉ đồng. Ngoài ra, cổ phiếu HPG và PNJ đồng loạt được mua ròng trên 180 tỉ đồng mỗi mã cổ phiếu. 

Nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường phiên 14/5. Nguồn: VNDirect.
Nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường phiên 14/5. Nguồn: VNDirect.

“Một điểm nhấn quan trọng trong phiên là khối ngoại quay trở lại mua ròng hơn 2.200 tỉ đồng, tập trung vào các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và tiêu dùng. Đây là một trong những phiên mua ròng mạnh nhất kể từ đầu quý II, cho thấy xu hướng đảo chiều trong tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài. Động thái này đến trong bối cảnh Việt Nam đang duy trì ổn định vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, lãi suất duy trì ở vùng thấp, và đồng nội tệ ổn định hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực”, ông Huỳnh Thái Trinh, Giám đốc Chi nhánh, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam chia sẻ với NCĐT. 

Ông Trinh cho rằng thông tin Mỹ và Trung Quốc đang nối lại đàm phán nhằm từng bước gỡ bỏ các hàng rào thuế quan được thiết lập trong giai đoạn căng thẳng thương mại trước đây, đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực trên thị trường tài chính toàn cầu. Nhà đầu tư kỳ vọng vào khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, môi trường thương mại ổn định hơn và sự tăng tốc của dòng vốn ngoại trở lại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

 

Theo ông Trinh, diễn biến này không chỉ cải thiện tâm lý giới đầu tư mà còn thúc đẩy dòng tiền lớn tìm đến các tài sản rủi ro, đặc biệt tại những thị trường còn định giá hấp dẫn.

Chuyên gia của KIS cho biết, tính đến giữa tháng 5/2025, định giá P/E (price-to-earnings ratio) của VN-Index dao động quanh mức 12,5 lần, thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, Thái Lan và Philippines đang giao dịch với P/E trung bình trên 15 lần, còn Indonesia dao động trên 17 lần. Mức định giá hấp dẫn này tiếp tục là yếu tố thu hút dòng vốn đầu tư trung và dài hạn, đặc biệt từ khối ngoại vốn nhạy cảm với rủi ro và hiệu quả đầu tư.

“Dù xu hướng tăng được hỗ trợ bởi cả yếu tố vĩ mô quốc tế và dòng tiền thực, thị trường vẫn đang tiến vào vùng kháng cự 1.320 - 1.340 điểm, nơi có thể xảy ra các nhịp rung lắc ngắn hạn. Vì thế, nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc giải ngân thêm vào các nhóm ngành dẫn dắt, ưu tiên cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, P/E hợp lý và hưởng lợi từ chính sách vĩ mô như ngân hàng, xây dựng - hạ tầng, và tiêu dùng. Nhà đầu tư ngắn hạn nên tránh tâm lý FOMO. Thay vào đó, canh các nhịp điều chỉnh kỹ thuật để tích lũy cổ phiếu với tỉ trọng hợp lý sẽ an toàn và hiệu quả hơn”, ông Trinh chia sẻ. 

Theo chuyên gia của KIS, chiến lược quản trị danh mục cần đặt lên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay là tăng tỉ trọng cổ phiếu dẫn sóng, giảm dần các mã đã tăng nóng, và duy trì một phần tiền mặt để xoay vòng khi có cơ hội mới xuất hiện.

Có thể bạn quan tâm

Chiến lược đầu tư sau “cú sốc” thuế quan


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày