Tài Chính

Lãi suất huy động chạm đáy sẽ kích thích nhu cầu vay trở lại trong quý IV

Việt Hà Thứ Hai | 09/10/2023 17:07

Hiện tại lãi suất huy động bình quân của khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đã về mức tương đương giai đoạn COVID-19. Ảnh: Quý Hòa.

VDSC cho rằng, kịch bản tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 11-12% là phù hợp.
Hiện tại lãi suất huy động bình quân của khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đã về mức tương đương giai đoạn COVID-19. Ảnh: Quý Hòa.

Sau các đợt giảm lãi suất huy động liên tục, hiện tại lãi suất huy động bình quân của khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đã về mức tương đương giai đoạn COVID-19 ở các kỳ hạn ngắn 1-3 tháng và kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Tuy nhiên vẫn cao hơn 45 điểm cơ bản so với mặt bằng thấp của giai đoạn COVID-19 ở các kỳ hạn 3-6 tháng. Trong khi đó, lãi suất huy động của khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cao hơn từ 50-70 điểm cơ bản đối với kỳ hạn 1-9 tháng, và chỉ cao hơn từ 15-20 điểm cơ bản ở các kỳ hạn 12 tháng trở lên. 

 

Hiện tại, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng lãi suất huy động đã về vùng đáy và khó có thể giảm thêm trong quý IV/2023 khi lãi suất thực đang dần thu hẹp khi lạm phát tăng lên và tín dụng tăng tốc hơn trong quý IV. 

Theo VDSC, khi lãi suất huy động chạm đáy cũng là lúc niềm tin kinh doanh và tiêu dùng phục hồi trở lại. Theo đó, điểm đáy của lãi suất huy động sẽ kích hoạt tâm lý vay đầu tư và tiêu dùng trở lại, do đó, VDSC cho rằng kịch bản tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 11-12% là phù hợp.  Trong khi đó, nhìn về chính sách tiền tệ tổ chức này đánh giá dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ không nhiều. Cụ thể, từ sau cuộc họp của FED, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng khoảng 110.700 tỉ đồng trên thị trường mở qua phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất tín phiếu tăng dần qua các phiên đấu thầu, phiên ngày 4/10 là 1,3%/năm với khối lượng trúng thầu là 10.000 tỉ đồng. Đồng thời, lãi suất liên ngân hàng cũng đã nhích lên, tại ngày 3/10, lãi suất cho vay qua đêm là 0,74%/năm, tăng 0,55 điểm % so với cuối tháng 9. 

Trong công bố mới nhất, Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9 đạt 6,92% so với đầu năm. Diễn biến trên hàm ý hai điều: thứ nhất, chênh lệch lãi suất USD-VND thu hẹp lại là một điều tích cực nhằm giảm bớt áp lực đối với tỉ giá, thứ hai, cầu tín dụng phục hồi như kỳ vọng trong các tháng cuối năm. 

 

“Hiện tại, chúng tôi giữ nguyên quan điểm về tỉ giá sẽ biến động quanh vùng 24.500 đồng/USD và giảm trở lại vào cuối năm. Rủi ro đối với dự báo là đồng USD tăng vượt ngưỡng 110, dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước phải bán bớt dự trữ ngoại hối để đối phó với việc tiền đồng mất giá mạnh hơn”, VDSC nhận định. 

Ở góc nhìn khác, Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá động thái phát hành tín phiếu vừa qua của Ngân hàng Nhà nước rất ít khả năng làm đảo ngược xu thế giảm hiện nay của lãi suất huy động và cho vay, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng yếu. Lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng thương mại giảm xuống mức 5,6%/năm tại ngày 25/09/2023, giảm 0,3 điểm % so với cuối tháng 8/2023 và 2,2 điểm % so với cuối năm 2022. Mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện đã về gần đáy của giai đoạn COVID-19 (2021-nửa đầu 2022) và VNDirect cho biết họ kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì ở vùng này (bình quân 5,5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng) trong những tháng cuối năm 2023. 

“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong những tháng cuối năm nay nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đã giảm nhanh trong thời gian qua”, VNDirect nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Bối cảnh kinh tế còn nhiều “điểm mù”, nhà đầu tư nên làm gì?


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày