Sống chung với “thiên nga đen”

Nếu rủi ro đối tác thường diễn ra từ từ, rủi ro ngoại hối có thể xảy ra như một trận động đất: đột ngột, gây sốc và có khả năng gây tàn phá. Ảnh: Shutterstock.com
Dường như những “sự kiện thiên nga đen” đang diễn ra thường xuyên hơn trên toàn cầu?Khởi đầu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung năm 2019, đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, tắc nghẽn kênh đào Suez năm 2021, xung đột địa chính trị leo thang giữa Nga và Ukraine năm 2022 và cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ năm 2023 đều được liệt vào dạng “sự kiện thiên nga đen”. Mỗi sự kiện xảy ra đều gây ra những gián đoạn cho doanh nghiệp toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu ngày càng cấp thiết của việc quản trị rủi ro và củng cố sức bền cho doanh nghiệp.
Chẳng mấy ai ngờ!
Năm nay, sự kiện thiên nga đen mới nhất vừa xuất hiện vào tháng 4 khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng áp dụng cho Việt Nam là 46%, một mức cao hơn đáng kể so với dự đoán của nhiều chuyên gia. Tờ The Economist mở đầu bài viết ngày 3/4 của họ bằng một câu nói giản đơn và thẳng thắn: “Chẳng mấy ai ngờ ông ấy có thể đẩy tình hình đi xa đến vậy”.
Theo khảo sát HSBC Global Trade Pulse mới công bố gần đây, ngay cả khi mức thuế và thời điểm áp dụng cuối cùng vẫn chưa rõ ràng, các doanh nghiệp đã bắt đầu cảm nhận được tác động. 80% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát đã phải đối mặt với tình trạng chi phí gia tăng. 75% dự đoán tình trạng này còn kéo dài trong trung hạn. Nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát đang cân nhắc thay đổi trọng tâm về thị trường mục tiêu cũng như củng cố hoạt động phân tích dữ liệu để ứng phó với biến động. 76% doanh nghiệp lạc quan nhìn nhận tình hình theo hướng tích cực, nhận thấy khó khăn về thuế quan càng khuyến khích đổi mới, sáng tạo để nâng cao sức bền trong tương lai.
![]() |
Mặc dù vốn được coi là hiện tượng hiếm gặp, các sự kiện thiên nga đen xảy ra gần đây hầu như có thể dự báo được trong một thế giới bất định. Với những doanh nghiệp có hoạt động toàn cầu, sự thật này đòi hỏi cách nhìn mới để thấu hiểu và quản lý các rủi ro.
Mỗi doanh nghiệp sẽ đối mặt với những rủi ro cũng như các mảng cần lưu tâm riêng. Người viết sẽ đi sâu vào 3 ví dụ về cách các công ty có thể gia tăng sức bền và khả năng thích ứng cho hoạt động kinh doanh: rủi ro tín dụng đối tác trong thương mại, biến động ngoại tệ và quản trị cũng như kiểm soát nội bộ.
Bộ 3 phòng phủ
Trong một thế giới ngày càng bất định, chúng ta có thể thấy tranh chấp về thương mại quốc tế cũng gia tăng. Rủi ro tín dụng đối tác có thể được xem xét và lồng ghép trong hoạt động của nhiều phòng chức năng, từ tài chính, chiến lược cho đến kinh doanh, chứ không chỉ hạn chế ở quy trình của khối văn phòng hỗ trợ. Các công ty nên cân nhắc giám sát ở cấp độ danh mục: đánh giá rủi ro đối tác như thế nào, có tính đến luật pháp sở tại của bên mua không, đâu là những rủi ro phát sinh thêm trong thời hạn thương mại dài hơn, có theo dõi mức độ tập trung rủi ro giữa các bên và quốc gia hay không.
Kế đến là incoterms, các quy tắc thương mại tiêu chuẩn do Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) xây dựng. Những quy định này xác định phân chia rủi ro và trách nhiệm giữa bên bán và bên mua, chẳng hạn như ai trả chi phí vận chuyển, ai chịu rủi ro hư hỏng hay mất mát hàng hóa và ai phụ trách thông quan hải quan. Mặc dù thường được coi là các điều khoản cơ bản trong phần ghi chú, incoterms có thể là công cụ thiết yếu trong quản trị rủi ro.
![]() |
Nếu rủi ro đối tác thường diễn ra từ từ, rủi ro ngoại hối có thể xảy ra như một trận động đất: đột ngột, gây sốc và có khả năng gây tàn phá. Biến động tỉ giá tiền tệ có thể gây xói mòn biên lợi nhuận và làm nhiễu các dự báo, thậm chí đối với những đồng tiền có vẻ ổn định.
Mặc dù vậy, nhiều công ty vẫn chưa có giải pháp phòng ngừa rủi ro này. Theo khảo sát quản trị rủi ro doanh nghiệp năm 2024 của HSBC, 47% nhà quản lý tài chính doanh nghiệp cho biết tổ chức của họ không sẵn sàng trước các rủi ro liên quan đến tỉ giá ngoại hối, đánh giá rủi ro này cao hơn rủi ro chuỗi cung ứng (35%) hoặc rủi ro khí hậu (34%) khi xếp hạng những rủi ro hàng đầu. Hơn 40% doanh nghiệp tham gia khảo sát bị giảm thu nhập do không phòng vệ rủi ro tỉ giá.
Điều quan trọng là giám đốc tài chính cần xem lại toàn bộ chiến lược tỉ giá của công ty. Trong trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”, các giải pháp phòng ngừa riêng lẻ thường tốn kém trong khi một chiến lược tỉ giá nghiêm túc tập trung vào ổn định biên lợi nhuận thay vì chạy theo dự báo của thị trường có thể sẽ mang lại hiệu quả bền vững hơn qua thời gian.
Mặc dù những cú sốc bên ngoài thường thu hút sự chú ý nhiều hơn, một vài rủi ro nghiêm trọng nhất lại bắt nguồn từ bên trong doanh nghiệp. Những thất bại trong quản trị, từ gian lận công khai đến lỗi vận hành, có thể làm doanh nghiệp suy sụp nhanh hơn cả suy thoái thị trường.
Suy cho cùng, rủi ro quản trị chính là nền tảng cho mọi hoạt động quản lý rủi ro khác nương tựa vào. Khi có một hệ thống quản trị vững chắc, các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng sẽ có niềm tin hơn, đặc biệt trong những giai đoạn căng thẳng. Thiếu đi nền tảng này, ngay cả những hệ thống quản lý rủi ro tốt nhất cũng sẽ sụp đổ dưới áp lực.
Có thể thấy, trong thế giới ngày nay, biến động không còn là điều bất thường mà đã trở thành bình thường. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi trong tư duy. Quản trị rủi ro cần chuyển từ tâm thế bị động ứng phó và hoạt động độc lập sang hướng chủ động và gắn kết chặt chẽ. Những rủi ro tiềm ẩn và khả năng đối phó cần được đưa ra thảo luận ở tất cả các cấp trong tổ chức. Xét cho cùng, những tổ chức có văn hóa quản trị rủi ro mạnh mẽ, nhận thức được rằng chúng ta cần học cách sống chung với “thiên nga đen” trong tương lai, sẽ vượt trội hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh về lâu dài trong việc điều hướng các cú sốc.
Có thể bạn quan tâm
Cho vay ký quỹ: “Đường vòng” của vốn ngân hàng?
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư