Tài Chính

Thị trường chứng khoán: Các hiệu ứng theo mùa sẽ không hiệu quả trong năm nay

Vũ Hoài Thứ Ba | 05/05/2020 14:00

Ảnh: Quý Hòa.

Hiệu ứng theo mùa có thể sẽ không hiệu quả trong năm nay. Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam khuyên nhà đầu tư không nên bán cổ phiếu vào tháng 5.
Ảnh: Quý Hòa.

Trong báo cáo chiến lược được công bố mới đây, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam đã đưa ra chiến lược “đừng bán tháng 5 và bỏ đi”.

Đừng bán tháng 5 và bỏ đi

Đại dịch đã tạo ra những thay đổi đáng kể về hành vi trong sản xuất, tiêu dùng cũng như đầu tư. Trong khi định giá rẻ đã khiến thị trường chứng khoán hấp dẫn các nhà đầu tư mới, việc hạ lãi suất ngân hàng cũng đã thúc đẩy người có tiền gửi nhàn rỗi tìm kiếm tài sản có rủi ro và lợi nhuận cao hơn. Trong tháng 3.2020, đã có 31.832 tài khoản cá nhân mới, cao gấp đôi so với trung bình hàng tháng năm 2019 và chỉ đứng sau con số của tháng 3.2018 khi chỉ số VN-Index đạt đỉnh.

 

Trao đổi với Phóng viên Nhịp Cầu Đầu Tư, ông Nguyễn Kim Chi, Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, chi nhánh Phạm Ngọc Thạch xác nhận tài khoản mở mới của nhà đầu tư tăng mạnh trong giai đoạn tháng 3.2020. Nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường, hoặc những nhà đầu tư đã rời bỏ thị trường chứng khoán nhiều năm đang có xu hướng trở lại thị trường chứng khoán. Ông Chi đánh giá điều này thể hiện xu hướng bắt đáy của nhà đầu tư.

Hơn nữa, tổng dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán cũng thu hẹp 14% so với đầu năm, còn 49.000 tỉ đồng. Như vậy, không chỉ có dòng tiền từ những người chơi mới mà cả nguồn tiền sẵn sàng cho vay ký quỹ từ các công ty chứng khoán cũng tăng lên, hỗ trợ cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán.

Các hiệu ứng theo mùa có thể sẽ không hiệu quả trong năm nay và KIS khuyên các nhà đầu tư không nên bán cổ phiếu vào tháng 5 và nghỉ ngơi như những năm khác. Thay vì điều chỉnh, KIS kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục nhẹ trong tháng tới nhờ dòng tiền mới trong nước.

Bối cảnh thị trường đang ra sao?

Cách ly xã hội toàn quốc dấy lên hy vọng sớm khống chế virus

Trong tháng 4.2020, VN-Index đã phục hồi một nửa số điểm đã mất trong tháng 3 ngay sau khi hình thành mức đáy ngắn hạn tại 649,1 điểm vào ngày cuối cùng của tháng 3.

Nguồn: KIS Việt Nam.
Nguồn: KIS Việt Nam.

Thời điểm này, Thủ tướng tuyên bố lệnh cách ly xã hội trên cả nước trong 2 tuần (sau đó được kéo dài thêm 1 tuần nữa). Với tổng số ca nhiễm ít hơn 200 tại thời điểm cách ly, các nhà đầu tư trong nước đã đánh cược rằng Việt Nam sẽ sớm kiểm soát được virus.

Các gói cứu trợ mang hy vọng phục hồi nền kinh tế

Thêm vào đó, nhiều gói cứu trợ đã được Chính phủ phê duyệt, mang lại hy vọng rằng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi. Kết quả là, mặc dù các hoạt động kinh tế đã giảm xuống mức tối thiểu trong tháng 4, nhưng chỉ số VN-Index đã tăng vọt 16,3% so với tháng trước, mức tăng tốt nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tài chính, Bất động sản và Năng lượng có kết quả tệ nhất

Trớ trêu thay, top 3 Tài chính, Bất động sản và Năng lượng lại làm giảm sự phục hồi của thị trường. Cụ thể, các ngành này chỉ tăng lần lượt 13,5%; 12,6% và 15,6% trong tháng 4. Với sự sụp đổ của giá dầu và nợ xấu tiềm tàng do COVID-19 gây ra, các nhà đầu tư có lý do để lo ngại với cổ phiếu các ngành này. Ngoài ra, ngành Y tế, vốn có thành tích tốt nhất trong giai đoạn đầu của đại dịch cũng có mức tăng thấp so với thị trường, chỉ đạt 14,7% so với tháng 3.2020.

Trong khi đó, các ngành vượt trội trong tháng 4 gồm Tiêu dùng không thiết yếu (30%), Tiêu dùng thiết yếu (23%), Công nghiệp (22,2%), Công nghệ thông tin (23,7%), Vật liệu (29,5%) và Dịch vụ tiện ích (26,4%). Kể từ khi virus bùng phát vào cuối tháng 1.2020, Vật liệu và Dịch vụ tiện ích là những ngành duy nhất tăng trưởng tốt hơn thị trường trong 3 tháng liên tiếp.

 

Khối lượng cao cho tín hiệu về lực cầu bắt đáy mạnh mẽ

Theo thống kê của KIS, trong tháng 4.2020, giá trị giao dịch vẫn duy trì ở mức trung bình 4.300 tỉ đồng mỗi phiên trên sàn HOSE. Tuy nhiên, về khối lượng, thanh khoản đã tăng vọt nhờ giá cổ phiếu thấp. Có 285 triệu cổ phiếu được giao dịch trong mỗi phiên vào tháng 4, mức cao nhất từ trước tới giờ, cho thấy lực cầu bắt đáy mạnh mẽ.

Xu hướng trái ngược giữa trong nước và nước ngoài

Phân tích giao dịch theo nhà đầu tư, nước ngoài vẫn tiếp tục xu hướng bán tháng thứ 3 liên tiếp dù hiện đã có dấu hiệu chậm lại, bán ròng 5.250 tỉ đồng trên sàn HOSE. Ngược lại, các nhà đầu tư cá nhân trong nước trở nên tích cực hơn, đóng góp 81% tổng giá trị mua và mua ròng 3.840 tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay, nhóm này đã liên tục tích lũy cổ phiếu, hỗ trợ thị trường.

Dựa trên bối cảnh thị trường chung cùng lịch sử tăng trưởng của các nhóm cổ phiếu, KIS đưa ra 5 cổ phiếu để nhà đầu tư có thể xem xét trong giai đoạn này, bao gồm: Bảo Việt Holdings (BVH), Công ty Cổ phần FPT (FPT), Tập đoàn Masan (MSN), Thế Giới Di Động (MWG) và Viettel Post (VTP).

* Trích dẫn của Công ty chứng khoán có giá trị như một tài liệu tham khảo. 

* Có thể bạn quan tâm 

►Tháng 5, thị trường chứng khoán có đang trong làn sóng “Sell in May”?

►10 nguyên tắc đầu tư của huyền thoại William J. O'Nei


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày