Tài Chính

“Vua” CASA đổi ngôi

Minh Hà Thứ Ba | 21/02/2023 08:00

Nếu CASA của Techcombank sụt giảm nhiều nhất, thì Vietcombank lại là một trong số hiếm hoi các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng CASA dương. Ảnh: Quý Hòa.

Bảng xếp hạng CASA không chỉ thay đổi các vị trí dẫn đầu, mà còn đang có hiện tượng “tách Top”.
Nếu CASA của Techcombank sụt giảm nhiều nhất, thì Vietcombank lại là một trong số hiếm hoi các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng CASA dương. Ảnh: Quý Hòa.

Tổng kết năm 2022, chỉ có 6/27 ngân hàng niêm yết ghi nhận không giảm tỉ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn). Bức tranh u ám này là hệ quả của chính sách vĩ mô thắt chặt và các sự cố thanh khoản trong năm. Lãi suất huy động đã tăng liên tục nửa cuối 2022, có thời điểm vọt đến hơn 12%, khiến người dân chuyển tiền từ tài khoản không kỳ hạn sang có kỳ hạn để hưởng lãi suất cao.

Cuộc đua ai giảm ít hơn

Ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thường trực Techcombank, nhận định: “Thanh khoản thị trường không còn dồi dào, khách hàng tối ưu sử dụng những nguồn tiền rảnh rỗi cho hoạt động đầu tư khiến CASA của toàn ngành ngân hàng đều giảm và Techcombank cũng không ngoại lệ”.

Mức độ sụt giảm CASA của Techcombank được cho là nghiêm trọng nhất trong toàn ngành. Từ mức “không tưởng” hơn 50% được lập vào năm 2021, tỉ lệ CASA của Techcombank đã sụt giảm liên tục xuống còn 37%, đẩy ngân hàng này xuống vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng.

Nếu CASA của Techcombank sụt giảm nhiều nhất, thì Vietcombank lại là một trong số hiếm hoi các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng CASA dương. Động lực đằng sau là chiến dịch “zero-fee” trên ngân hàng số được Vietcombank triển khai đầu năm 2022, giúp CASA của Vietcombank tăng lên mức 33,1%, chiếm vị trí Top 3 năm ngoái của Ngân hàng MSB. Tuy vậy, mức tăng này chưa thể giúp Vietcombank vượt mặt Techcombank, đặc biệt là “tân vương” MB trên bảng xếp hạng. Dù ghi nhận đà sụt giảm hơn 7% trong năm 2022, tỉ lệ CASA của MB vẫn đạt 40%, dẫn đầu toàn hệ thống.

2022 được cho là năm tăng trưởng toàn diện của MB, từ tín dụng, khách hàng đến mức lợi nhuận gần 1 tỉ USD và CASA cao nhất ngành, thông qua các nỗ lực tiết giảm chi phí và chất lượng vận hành của ngân hàng này.

 

Ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc MB, cho biết: ”Thay vì đẩy lãi suất cho vay cao để tăng lợi nhuận, chúng tôi tập trung giảm chi phí vốn, đẩy mạnh CASA, tối ưu chi phí hoạt động, quản lý chất lượng tài sản để giảm chi phí dự phòng, vẫn đảm bảo ngân hàng có lợi nhuận tốt và khách hàng không phải chịu lãi suất quá cao”.

MB Bank cũng bỏ rất nhiều nỗ lực để đầu tư vào hạ tầng công nghệ, ông Lưu Trung Thái tiết lộ hiện số lượng người làm công nghệ ở MB còn lớn hơn nhiều nhân sự ở công ty phần mềm, công nghệ. Lợi thế về công nghệ giúp MB liên tục thu hút thêm khách hàng, đặc biệt trên cuộc chiến giao dịch số.

“Sau 3-5 năm chuyển đổi số, số lượng giao dịch của MB tăng vọt từ Top 10 lên Top 1 thị trường, do hầu hết khách hàng của MB lựa chọn giao dịch trên kênh số. MB đang có 20 triệu khách hàng, năm nay chúng tôi kỳ vọng sẽ thu hút thêm 5-7 triệu khách hàng nữa”, ông Thái cho biết.

Bảng xếp hạng CASA năm nay không chỉ thay đổi về vị trí dẫn đầu, mà còn đang có hiện tượng “tách Top”, khi CASA của 4 ngân hàng MB (40%), Techcombank (37%), Vietcombank (33,1%) và MSB (31%) đang bỏ xa phần còn lại. Ở phía sau bảng xếp hạng, ngoại trừ ACB, không có ngân hàng nào sở hữu CASA vượt trên ngưỡng 20%, thậm chí có trường hợp ghi nhận mức thấp hơn 5% như KienlongBank và VietABank.

Thành bại tại CASA?

Cách biệt về CASA có thể là chìa khóa quyết định thành công hay thất bại của ngành ngân hàng năm nay, đặc biệt khi đà sụt giảm vẫn còn tiếp tục kéo dài. Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng: “Chúng tôi dự báo tăng trưởng tiền gửi CASA vẫn sẽ ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023, do lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn vẫn ở mức cao và điều kiện thanh khoản vẫn hạn hẹp trong thời gian tới. Tỉ lệ CASA của ngành sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm 2023 khi lãi suất hạ nhiệt”.

Không chỉ vấn đề CASA thấp, các ngân hàng còn chịu áp lực từ nhiều phía, từ việc FED vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, đến rủi ro từ thị trường bất động sản trong nước hiện hữu. Tăng trưởng tín dụng do đó được dự báo còn nhiều áp lực.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán DSC, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì thận trọng room tín dụng năm 2023 ở mức 14% và thấp hơn. DSC cũng cho biết việc tăng lãi suất điều hành dự kiến còn tiếp tục trong năm 2023, gia tăng chi phí vốn, ảnh hưởng tiêu cực đến biên lãi ròng (NIM) và phản ánh không nhỏ lên lãi suất cho vay, tăng rủi ro nợ xấu và chi phí dự phòng của ngành ngân hàng, đặc biệt là từ cuối quý II.

Ở góc nhìn người trong cuộc, ông Lưu Trung Thái nhận định: “Tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ không được “hăng hái” như năm ngoái. Do đó, năm 2023 của ngành ngân hàng sẽ không hề dễ dàng”.

Trong bối cảnh khó khăn đó, CASA sẽ là yếu tố then chốt để quyết định vị thế và tiềm lực của một ngân hàng. CASA càng cao, chi phí vốn của ngân hàng đó càng thấp, kéo đến NIM cao, giúp ngân hàng có được lợi thế cạnh tranh tốt hơn đối thủ. Theo VNDirect, những ngân hàng nào sở hữu tỉ lệ CASA cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp trong năm nay.

Thị phần tín dụng do đó có thể chịu nhiều biến động lớn trong năm 2023, không loại trừ yếu tố quyết định thành bại nằm ở CASA.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày