Thế giới

Chỉ trong một năm, ngành công nghệ đã "bốc hơi" 7.400 tỉ

Hải Miên Thứ Ba | 29/11/2022 15:59

Bất chấp những khó khăn vĩ mô, ngành công nghệ được tin tưởng sẽ khởi sắc hơn trong tương lai. Ảnh: CNBC.

Bất chấp những khó khăn vĩ mô, ngành công nghệ được tin tưởng sẽ khởi sắc hơn trong tương lai.
Bất chấp những khó khăn vĩ mô, ngành công nghệ được tin tưởng sẽ khởi sắc hơn trong tương lai. Ảnh: CNBC.

Cũng khoảng thời gian này năm 2021, chỉ số Nasdaq Composite đạt đỉnh, tăng gấp đôi kể từ những ngày đầu đại dịch. Đợt IPO của công ty xe điện Rivian trở thành kỷ lục lịch sử, tuyển dụng bùng nổ và các nhân viên trong ngành công nghệ hân hoan tận hưởng khi giá trị cổ phiếu tăng cao.

Nhưng chỉ trong vòng 1 năm, mọi thứ đã thay đổi.

 

Không một công ty nào trong số 15 công ty công nghệ giá trị nhất của Mỹ tạo ra lợi nhuận dương vào năm 2021. Microsoft đã giảm khoảng 700 tỉ USD vốn hóa thị trường. Meta đã giảm hơn 70% vốn hóa so với mức cao nhất, tương đương 600 tỉ USD trong năm nay.

Tổng cộng, các nhà đầu tư đã mất khoảng 7,4 nghìn tỉ USD, dựa trên mức giảm trong 12 tháng qua của Nasdaq.

Việc tăng lãi suất đã cản trở khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Dù hứa hẹn tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai, thì lạm phát cao sẽ khiến điều đó trở nên vô nghĩa.

Có rất nhiều điều tiêu cực đã xảy ra trong năm. Khi toàn ngành cắt giảm chi phí, đóng băng tuyển dụng mới và sa thải nhân viên cũ. Những nhân viên gia nhập các công ty được “thổi phồng” trước khi IPO phần lớn nhận lương dưới dạng quyền chọn mua cổ phiếu, trước tình trạng rớt giá hiện nay, họ rất lo lắng và chỉ có thể hy vọng vào sự phục hồi trong tương lai.

Hoạt động IPO năm nay cũng diễn ra chậm hơn so với những năm trước. Năm 2020, 2021 là thời kỳ huy hoàng. Thông qua đại dịch, các doanh nghiệp đã tận dụng xu hướng làm việc, giải trí từ xa và tiền trợ cấp từ chính phủ. Từ đó huy động hàng tỉ USD trong đợt chào bán công khai, đem lại số tiền khổng lồ cho ngân hàng và các công ty đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, hiện nay mức định giá đã giảm sút rõ rệt.

 

Trên thực tế, đợt bùng phát Covid-19 không thay đổi vĩnh viễn cách con người làm việc, vui chơi, mua sắm và học tập. Vì thế mà việc tuyển dụng hay đầu tư như thể con người sẽ mãi ở trong nhà, không sinh hoạt và hoạt động mua bán bên ngoài là một vụ đánh cược không khôn ngoan.

Vậy thực tế ngày hôm nay của ngành công nghệ là do đâu?

Năm “hạn” của Meta

Trước khi đổi tên vào cuối năm 2021, Facebook đã liên tục mang lại cho các nhà đầu tư lợi nhuận cao, vượt qua các ước tính và tăng trưởng lợi nhuận với tốc độ lịch sử.

Công ty đã trụ vững thành công, trở thành ứng dụng không thể thiếu trên nền tảng di động và thu hút nhiều người sử dụng. Dù thế giới đang mở cửa trở lại và Meta vướng phải cáo buộc xâm phạm quyền riêng tư người dùng, thì cổ phiếu công ty này vẫn tăng 20% so với năm ngoái.

Nhưng cách nhìn nhận tương lai của tỉ phú Zuckerberg lại không giống các nhà đầu tư của mình. Ông đã cam kết chi hàng tỉ USD mỗi năm cho metaverse, khiến cả Phố Wall bối rối vì họ vốn dĩ chỉ muốn công ty lấy lại chỗ đứng bằng quảng cáo trực tuyến.

Việc Apple cập nhật chính sách quyền riêng tư trong hệ điều hành iOS cũng góp phần khiến Facebook và những công ty khác khó nhắm khách hàng mục tiêu để chạy quảng cáo hơn.

Với việc cổ phiếu giảm 2/3 và công ty đứng trước nguy cơ sụt giảm doanh thu trong quý thứ ba liên tiếp, Meta cho biết vào đầu tháng này rằng họ sẽ sa thải 13% lực lượng lao động, tương đương 11.000 nhân viên, đợt cắt giảm quy mô lớn đầu tiên từ trước đến nay.

Cuộc chiến giành nhân tài ở ngành công nghệ đã vươn đến một tầm cao mới. Nhà tuyển dụng của Amazon có thể đưa ra con số 700.000 USD để chiêu mô kỹ sư hoặc quản lý dự án có trình độ cao. Nhưng ở quý cuối cùng của năm 2022, những ngày huy hoàng đó chỉ còn là quá khứ xa vời.

Làn sóng sa thải tại Cisco, Meta, Amazon và Twitter đã lên tới gần 29.000 nhân viên. Trên toàn ngành công nghệ, việc cắt giảm thêm tới hơn 130.000 công nhân. Đối với nhiều nhà đầu tư, đó chỉ là vấn đề thời gian.

SPAC điên cuồng

SPAC là những công ty mua lại có mục đích đặc biệt, được lập nên để huy động vốn thông qua IPO để thâu tóm công ty khác. Đây là một trong những xu hướng cực hot vào những năm 2020 và 2021. Thay vì đi con đường truyền thống IPO, nhiều công ty không đủ hồ sơ đã sát nhập với SPAC để lên sàn. Năm ngoái, có 619 SPAC lên sàn chứng khoán ở Mỹ, nhiều hơn so với IPO truyền thống (496).
 
Theo CNBC, hiệu suất cổ phiếu SPAC sau khi ra mắt đã giảm hơn 70% kể từ khi thành lập và giảm khoảng 2/3 trong năm qua. Nhiều SPAC đã mất phương hướng và trả lại tiền cho các nhà đầu tư.

 

Những con kỳ lân

Theo đội phân tích đầu tư mạo hiểm của EY, năm ngoái, các nhà đầu tư đã rót 325 tỉ USD vào các công ty được hỗ trợ bởi vốn mạo hiểm, đạt đỉnh điểm vào quý IV năm 2021. Thời kỳ tiền rẻ đã qua. Các công ty thiên về giữ hơn là xuất, chỉ huy động vốn khi cần và thường không chấp nhận các điều khoản quá thiệt thòi.

Ngày nay, từ lợi nhuận được sử dụng nhiều hơn so với những năm gần đây. Đó là bởi các công ty không thể tin tưởng các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ trợ cấp cho sự phát triển của họ. Cũng như thị trường công khai không còn trả tiền cho những công ty có tốc độ tăng trưởng và doanh thu cao nữa.

Con đường phía trước

Ngay cả với cuộc khủng hoảng tiền điện tử, sa thải gia tăng và tình trạng hỗn loạn chung của thị trường, không phải tất cả đều là sự diệt vong và u ám một năm sau khi thị trường đạt đỉnh.

Vẫn còn một điểm sáng đó là luật giảm lạm phát của Tổng thống Joe Biden và đạo luật khuyến khích sản xuất bán dẫn cho nước Mỹ sẽ giúp ngành công nghệ được rót vốn đầu tư vào năm tới.

Vì vậy, bất chấp những khó khăn vĩ mô, ngành công nghệ được tin tưởng sẽ khởi sắc hơn trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm: 

Trung Quốc bơm 38 tỉ USD giải cứu các công ty bất động sản

Nguồn CNBC


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày