Thế giới

Đằng sau sự thay đổi cách tính GDP của Mỹ

Thứ Năm | 08/08/2013 14:15

Không đơn giản là chuyện Mỹ sẽ tăng trưởng thêm 3,6% hay tự nhiên "kiếm" được 560 tỷ USD, thực chất Mỹ muốn thay đổi quan điểm về tăng trưởng.

Cuối tháng 7 vừa qua, Văn phòng Phân tích Kinh tế (BEA) của Mỹ đã công bố số liệu GDP được tính toán lại theo phương pháp thống kê mới.

Trước mắt, sự thay đổi này khiến cho GDP của Mỹ tự nhiên “kiếm thêm” được 560 tỷ USD, tương đương tăng 3,6% tăng trưởng so với số liệu cũ trong năm 2012.

Nhưng quan trọng hơn cả, một thay đổi đã phản ánh được quan điểm tăng trưởng kinh tế của cả thời đại ngày nay.

Thay đổi cách tích GDP để phù hợp với quan điểm hiện đại về tăng trưởng kinh tế

Sự thay đổi trong cách tính GDP được Mỹ thực hiện theo khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc (UN) năm 2008. Phương pháp này mới chỉ được bắt đầu áp dụng để tính toán cho một vài quốc gia trên thế giới. Cho đến nay, ngoài Mỹ, chỉ có 2 quốc gia là Australia và Canada chuyển sang phương pháp mới này. Sang năm 2104, châu Âu dự kiến cũng thay đổi phương pháp tính GDP của mình.

Nếu kế hoạch trên của châu Âu không có gì thay đổi thì nhìn chung, những quốc gia đi tiên phong trong việc áp dụng cách tính mới chính là những nơi có nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới.

Tuy không phải những người nghĩ ra, nhưng BEA chính là người "hiện thực hóa" những quan điểm hiện đại về tăng trưởng.
Tuy không phải những người nghĩ ra, nhưng BEA chính là người "hiện thực hóa" những quan điểm hiện đại về tăng trưởng.

Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ, Canada, Australia lại nghe theo lời kiến nghị từ UN và UN cũng không tự dưng đưa ra một đề nghị cải tổ phương pháp tính kinh tế, không phải lĩnh vực chính của tổ chức phi chính phủ này. Có 2 cụm từ có thể giải thích cho tất cả, đó là quyền sở hữu trí tuệ và hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) – 2 lĩnh vực mà UN luôn nỗ lực đảm bảo được thực hiện nghiêm túc trên toàn thế giới.

Nhưng dù sao, đây cũng là câu chuyện của GDP và của tăng trưởng kinh tế.

Hễ nhắc đến quan điểm về tăng trưởng nghĩa là phải đề cập ít nhất 3 vấn đề sau: GDP là gì, vì sao GDP chưa phải là một thước đo toàn diện cho tăng trưởng và một câu hỏi mà bất kì nền kinh tế nào cũng phải đau đầu suy nghĩ – kiếm đâu ra những động lực cho tăng trưởng?

Trước hết, cần có một khái niệm chuẩn về tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Cuốn sách nằm lòng của bất kì ai bắt đầu tìm hiểu về kinh tế học vĩ mô hiện đại chắc chắn sẽ phải là của giáo sư tại đại học Harvard – N.Gregory Mankiw. Trong chương 22, “Hạch toán thu nhập quốc dân”, Mankiw đã viết như sau:

“Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vị một nước, trong một thời kì nhất định.”

Định nghĩa tưởng chừng đơn giản nhưng hàm chứa nhiều vấn đề phức tạp và càng khó khăn hơn để một phương pháp tính GDP đảm bảo đầy đủ ý nghĩa ban đầu của nó một cách trọn vẹn.

Thực tế, điều đột phá nhất trong phương pháp mới nằm ở 2 lĩnh vực: và , trước đây vốn chưa được ghi nhận đúng mức. Một phần do khó xác định giá thị trường, phần khác quan điểm về đầu tư truyền thống thường chỉ coi đó là đầu vào của quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ cuối cùng mới quan trọng.

Cũng vì thế mà trong 2 cách tính GDP: cộng gộp tất cả giá trị gia tăng và giá trị thị trường của hàng hóa cuối cùng, tuy rằng luôn cho kết quả bằng nhau nhưng làm theo cách thứ 2 sẽ đỡ tốn công hơn.

Chừng nào các bằng sáng chế và R&D chưa được phản ánh đầy đủ trong GDP thì khi đó, chỉ số sẽ chưa phải là thước đo hoàn hảo cho tăng trưởng kinh tế.

Nhưng tất cả sẽ được trả lại đúng với giá trị thật. Và điều thật nhất làm nên động lực tăng trưởng tại Mỹ từ đầu những năm 2000 đến nay chính là R&D.

Do vậy, đường tăng trưởng GDP được tính lại ngày càng xa đường mô tả GDP theo phương pháp cũ. Khoảng cách ngày càng rộng hơn trong khoảng thời gian từ năm 2001-2012. Do tính thêm sở hữu trí tuệ và R&D vào hoạt động đầu tư, cho nên đường GDP mới luôn kiếm thêm vài điểm phần trăm tăng trưởng cho Mỹ.

GDP tính theo phương pháp mới luôn cao hơn, chênh lệch lớn nhất trong năm 2012, mang về cho kinh tế Mỹ 560 tỷ USD, tương đương 3,6% tăng trưởng so với số liệu cũ.

Năm 2012, phương pháp mới mang đến số liệu GDP mới tăng thêm 560 tỷ USD, tương đương 3,6% so với phương pháp cũ. Phép thuật thống kê làm tăng 560 tỷ USD thậm chí còn cao hơn GDP của một quốc gia châu Âu như Bỉ. Năm ngoái, GDP của Bỉ cũng chỉ đạt 513,9 tỷ USD.

Điều khiến cho nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao việc thêm những đầu vào như sở hữu trí tuệ và R&D vào GDP là ở chỗ, sự bổ sung này đã phản ánh quan điểm tăng trưởng dài hạn thời hiện đại – đề cao vai trò của nguồn nhân lực và công nghệ.

Chính BEA tự ghi nhận trong bản hướng dẫn những thay đổi trong thống kê GDP như sau: "chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, sáng tạo văn học nghệ thuật giải trí được nhìn nhận như những khoản đầu tư đúng nghĩa”.

Trước đây, mô hình tăng trưởng Solow đã nhấn mạnh 2 yếu tố trên sẽ đóng góp quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn của mọi nền kinh tế. Những quyết định thay đổi và sự ghi nhận của BEA chính là lời khẳng định

Không phải người Mỹ tham lam cho 2 quả trứng vào cùng một giỏ, mà bởi lẽ con người tốt tạo nên công nghệ tốt, ngược lại công nghệ cao quay lại giúp cho quá trình lao động và sáng tạo của con người hiệu quả hơn.

Ngoài ra, có những thay đổi kém ấn tượng hơn như thống kê lương hưu nhưng theo ước tính ban đầu của Financial Times, phương pháp điều chỉnh trên có thể giúp tỷ lệ chi tiêu liên bang/GDP giảm khoảng 0,5% và tỷ lệ nợ công/GDP giảm khoảng 0,2% từ mức 73% trong năm 2012.

Sau khi thay đổi, người Mỹ sẽ là kẻ vui mừng nhất nhưng nếu năm sau, châu Âu cũng áp dụng chuẩn thống kê tương tự, thì Mỹ có thể sẽ phải xem chừng Đức – nền kinh tế vững vàng dẫn đầu và cùng vực dậy một khối eurozone từ vũng bùn lầy của nợ công và khủng hoảng ngân hàng.

Nếu R&D là một trong hai sự thay đổi đáng kể nhất đóng góp vào sự tăng trưởng của GDP, thì năm sau có thể Đức sẽ khiến cả nước Mỹ phải cảm thấy “hổ thẹn”. Chính Apple cũng đã phải chuyển quy trình R&D chiếc iPhone sang cho Đức thực hiện.

Nhiều chuyên gia từng đặt câu hỏi: vì sao khi khủng hoảng lan rộng, Pháp lại là kẻ gục ngã trước, trong khi Đức vẫn tăng trưởng ổn định (Fitch cũng vừa khẳng định mức tín nhiệm AAA cho Đức, hôm qua 7/8).

Câu trả lời hay gặp nhất là bởi Đức có nền sản xuất chế tạo phát triển mạnh mẽ ngay cả trong khủng hoảng, nhưng đằng sau đó phải kể đến hàng loạt những bằng phát minh sáng chế và hoạt động R&D tại Đức đang đứng ở vị trí số một thế giới.

Đó chính xác là những yếu tố giúp tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Còn xa hơn, việc chứng minh quan điểm tăng trưởng đó liệu có đúng hay không, đó là chuyện của thời gian.

Nguồn Tâm Vũ/Dân Việt


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày