Thế giới

Đô thị hậu đại dịch

Văn Quốc Thứ Ba | 06/07/2021 13:30

Công ty Centrica ở Anh lắp đặt bộ sạc cho xe điện tại nhà tài xế khi họ chuyển sang điện khí hóa đội xe của mình vào năm 2025.

Các đô thị đang nỗ lực tận dụng quá trình hồi phục từ đại dịch để trở nên xanh hơn.
Công ty Centrica ở Anh lắp đặt bộ sạc cho xe điện tại nhà tài xế khi họ chuyển sang điện khí hóa đội xe của mình vào năm 2025.

Sử dụng điện thông minh

Suốt mùa hè ở Michigan, Mỹ, khi nhiệt độ vượt 320C, nhu cầu điện năng thường tăng gấp đôi do các hộ gia đình sử dụng máy điều hòa nhiều hơn. Nhưng trong những ngày đầu đại dịch COVID-19 vào năm ngoái, công ty cấp điện lớn nhất bang này là Consumers Energy sớm nhận thấy nhiều hộ gia đình lo ngại hóa đơn tiền điện sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong suốt mùa hè giữa lúc thất nghiệp gia tăng và nhiều người dân buộc phải ở nhà làm việc do dịch.

Giải pháp của Consumers Energy là tặng 50.000 bộ điều chỉnh nhiệt thông minh để giúp khách hàng ở bang này tiết kiệm điện trong giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, các thiết bị này cũng có một tác dụng lâu dài hơn: giảm nhu cầu tiêu thụ điện trong các giờ cao điểm từ 2 giờ chiều đến 7 giờ tối, khi lượng carbon của lưới điện tăng cao hơn.

Những khách hàng của Consumers Energy có thể điều khiển bộ điều chỉnh nhiệt thông minh bằng thiết bị di động giúp theo dõi quá trình sử dụng điện năng của mình, đồng thời đăng ký tham gia một chương trình được thiết kế nhằm mục đích chuyển việc sử dụng điện năng của các hộ gia đình ngoài giờ cao điểm. Có thể thấy, trong giờ cao điểm, giá điện đắt đỏ hơn trong khi các công ty điện lực thường phải dựa vào những nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch mới đủ đáp ứng nhu cầu tăng mạnh, vì thế lượng carbon cũng đặc biệt cao trong những lúc này.

 

Với bộ điều chỉnh nhiệt thông minh, các hộ gia đình sẽ được cảnh báo trước 1 ngày khi nào công ty điện lực dự kiến nhu cầu sẽ tăng cao và các ngôi nhà của họ sẽ tự động được làm mát trước đó. Điều này giúp hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm.

Hiện tại, có khoảng 30.000 hộ gia đình đăng ký tham gia chương trình. Các công ty điện lực trên thế giới cũng đang xem cách tiếp cận này đóng vai trò quan trọng trong việc thay thế các nhà máy nhiên liệu hóa thạch, vốn được tăng cường suốt giai đoạn cao điểm. Phương pháp này cũng có thể giảm số lượng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch mà có thể cần đến trong tương lai bằng cách biến toàn bộ các khu vực nhà ở và doanh nghiệp trở thành những “nhà máy điện ảo” có thể điều tiết theo nhu cầu của lưới điện.

Sáng kiến về bộ điều chỉnh nhiệt thông minh - ra mắt vào tháng 5.2020 với sự hợp tác của Google Nest và công ty công nghệ Uplight - là một ví dụ cho thấy một số đô thị cũng như địa phương đã hưởng lợi như thế nào từ việc tăng tốc các dự án năng lượng sạch trong suốt giai đoạn dịch bệnh. Các doanh nghiệp và nhà làm chính sách đã tìm cách tận dụng đà phục hồi từ cuộc khủng hoảng COVID-19 để tăng tốc quá trình chuyển giao từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch và tái thiết nền kinh tế bằng các sáng kiến hạ tầng xanh.

Nhà máy điện ảo

Những công ty khác như Centrica ở Anh cũng đang tìm cách biến các đô thị và khu vực thành những nhà máy điện ảo sử dụng pin được lắp đặt tại các ngôi nhà mà có thể trữ điện khi điện rẻ và xả điện trong giờ cao điểm. Việc giảm nhu cầu sử dụng điện là một trong những chiến lược trong sáng kiến năng lượng sạch của Consumers Energy nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng với 90% đến từ nguồn năng lượng sạch vào năm 2040. Công ty này cũng đặt mục tiêu không sử dụng than đá vào năm 2025.

 

Chuyển đổi số và xanh hoá

Những sáng kiến xanh như của Consumers Energy là một phần trong nỗ lực xanh hóa đô thị của các nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng căng thẳng. Theo đánh giá của Brian Rich, Phó Chủ tịch cấp cao tại CMS Energy, công ty mẹ của Consumers Energy, trước đại dịch, việc thuyết phục khách hàng hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm là không dễ dàng. Nhưng cuộc khủng hoảng do đại dịch đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người về môi trường và thúc đẩy các hành vi xanh. Ở góc độ tài chính, trong đại dịch, người tiêu dùng cũng dễ dàng chấp nhận sáng kiến xanh để tiết kiệm chi phí sử dụng điện, giảm áp lực tài chính của gia đình.

Luis Buil, Giám đốc các giải pháp thông minh toàn cầu tại công ty điện lực Tây Ban Nha Iberdrola, cũng cho biết kể từ đại dịch, càng nhiều đô thị và thị trấn ở châu Âu xem xét ra mắt các dự án năng lượng xanh để thỏa mãn ước vọng của người dân được sống trong những đô thị xanh, sạch hơn và để tận dụng quỹ phục hồi COVID-19 mới của EU trị giá 750 tỉ euro, được biết đến với cái tên Next Generation.

Quỹ Next Generation ra đời nhằm giúp các bang triển khai công cuộc chuyển đổi số và xanh hóa. Buil cho biết một số thành phố ở Tây Ban Nha đang tham khảo “sao chép” các giải pháp xanh đang được áp dụng ở Zorrotzaurre, một hòn đảo nhân tạo ở thành phố phía Bắc Bilbao - một thời là đô thị công nghiệp nặng. Nơi này đang dần chuyển mình trở thành một đô thị thương mại và dân cư xanh, sạch, chỉ có xe cộ không thải khí carbon, các dự án điện mặt trời áp mái, năng lượng địa nhiệt, hệ thống cấp nhiệt trung tâm với mục tiêu giảm lượng thải khí carbon.

“Nhờ vào quỹ Next Generation, chúng tôi đang làm việc với nhiều thành phố để xây dựng các dự án tương tự”, Buil nói. Ông cho biết thêm nhiều thành phố khác rất muốn triển khai cơ chế năng lượng mặt trời tập thể hoặc cộng đồng tại các tòa nhà dân cư vì có một bộ phận rất lớn người Tây Ban Nha sống trong căn hộ. “Có lẽ điều tích cực duy nhất về COVID-19 là chúng ta thực sự nhận ra rằng chúng ta hoàn toàn có thể sống trong các đô thị không có sương khói, không có tiếng ồn”, ông nói.

Các thị trường mới nổi cũng là một tâm điểm trong chiến dịch xanh hóa. Một báo cáo mới đây của IFC về động lực xanh cho các thị trường mới nổi đã phân tích làm thế nào các thành phố có thể phân bổ nguồn lực để đảm bảo một môi trường sống sạch hơn cho cư dân, tạo ra việc làm và đặt nền móng  cho sự phục hồi mạnh mẽ của địa phương sau đại dịch.

Báo cáo này ước tính nếu các thành phố ở 21 nền kinh tế mới nổi trong diện nghiên cứu của IFC ưu tiên tăng trưởng tập trung vào các giải pháp thông minh có lợi cho môi trường, họ sẽ có thể thu hút 7.000 tỉ USD vốn đầu tư và tạo ra 144 triệu việc làm mới đến năm 2030. IFC cũng nhận thấy các kế hoạch tăng trưởng xanh và thông minh vì môi trường có thể ngăn được 1,5 tỉ tấn khí nhà kính thải vào bầu khí quyển, tạo ra lợi ích to lớn cho người dân và các hệ sinh thái trên toàn cầu.

Nguồn Tổng hợp


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày