Thế giới

Hậu Brexit, nông trại Anh ngày càng đông người châu Á

Bảo Hân Thứ Tư | 27/09/2023 15:33

Công nhân hái dâu ở trang trại CI Snell. Ảnh: Le Monde.

Anh đang phải dựa vào hệ thống thị thực để tìm kiếm những lao động ở xa hơn.
Công nhân hái dâu ở trang trại CI Snell. Ảnh: Le Monde.

Các trang trại ở Anh không còn dựa vào công nhân Romania hay Ba Lan mà dựa vào lực lượng lao động được kiểm soát chặt chẽ đến từ Trung Á. Bất chấp những lời hứa của những người ủng hộ Brexit, số lượng người nhập cư vẫn không giảm.

Trong lúc đặt một thùng dâu tây lên phía sau xe tải, chàng trai trẻ đến từ Kyrgyzstan, nơi anh từng là giám đốc dự án lọc nước cho một ngân hàng phát triển lớn, chia sẻ lí do anh đang hái quả mọng ở Herefordshire, miền Tây nước Anh: “Ở đây một tuần tôi kiếm được số tiền tương đương với 1 tháng làm việc ở quê nhà. Tôi đến đây vì tiền.”

Cùng với chồng, bà Christine Snell sở hữu khoảng 160 ha trồng dâu tây, quả mâm xôi, và lý chua đen. Với sự kiện Brexit và người lao động châu Âu không được đi lại tự do như trước, bà đã phải tuyển dụng nhân công từ những nơi xa hơn rất nhiều, như từ Kazakhstan, Kyrgyzstan, hay Uzbekistan. Trung Á đang thay thế Trung Âu trở thành nguồn lao động cần thiết để hái 1.000 tấn dâu tây và duy trì hoạt động của nhà máy.

Vào mùa hè cao điểm, bà cần gần 300 người; vào mùa đông thì chỉ khoảng 40 người là đủ. Hầu hết những người lao động này sẽ sống tại chỗ, trong những ngôi nhà di động trong tối đa sáu tháng, tương đương với thời hạn thị thực của họ. Họ nhận được mức lương tối thiểu (10,42 bảng Anh hoặc 12,10 Euro/ một giờ), cộng thêm tiền thưởng có thể lên tới 50% hoặc hơn đối với những người lao động làm việc hiệu quả nhất, tùy thuộc vào số lượng trái cây được hái.

Những ngôi nhà di động dành cho người lao động, trong thời hạn thị thực tối đa sáu tháng, ở Herefordshire (phía tây nước Anh)
Những ngôi nhà di động dành cho người lao động, trong thời hạn thị thực tối đa sáu tháng, ở Herefordshire. Ảnh: Le Monde.

Hệ thống phân cấp quốc tịch

Trên các cánh đồng, một hệ thống phân cấp quốc tịch tinh vi hiện đã được thiết lập. Đứng đầu là những người châu Âu, những người đến trước Brexit và đã có được quy chế định cư, cho phép họ có quyền ở lại Vương quốc Anh. Nhiều người, như ông Ion Avram, một người Romania đã đến trang trại của bà Snell được 19 năm, trải qua mùa đông ở quê hương và trở về vào mùa thu hoạch mỗi mùa hè. Dưới họ theo thứ tự phân hạng là những người mới đến. Hầu hết không nói được một từ tiếng Anh, dẫn đến những thách thức trong giao tiếp. Ông Avram giải thích: “Tôi nói được một chút tiếng Nga, họ cũng vậy và chúng tôi có thể hiểu nhau bằng ngôn ngữ đó. Đây là công việc khó khăn, nhưng tôi quay lại hàng năm để kiếm tiền”, vị bác sĩ thú y, người có cậu con trai 6 tuổi đang chờ ông trở về Romania, cho biết.

Nông nghiệp Anh đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Ông John Shropshire, Chủ tịch của G's Fresh, một tập đoàn nông sản thực phẩm lớn, cảnh báo vào tháng 6: “Việc tiếp cận lao động nhập cư là rất quan trọng để lấp đầy khoảng trống lao động trong chuỗi cung ứng thực phẩm, nhưng việc thu hút lao động nhập cư ngày càng trở nên khó khăn hơn.”

 

Ông chỉ ra rằng, Vương quốc Anh không đơn độc trong vấn đề này: “Các đối tác quốc tế và châu Âu của chúng tôi phải đối mặt với những trở ngại tương tự khi họ mở rộng việc tìm kiếm lao động ra ngoài các khu vực địa phương”. Tuy nhiên, ngoài tỉ lệ thất nghiệp 4% của Vương quốc Anh và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nhiều nhân viên phải xa nơi làm việc, việc giảm khả năng tiếp cận với người lao động từ Liên minh châu Âu đã góp phần vào vấn đề này, ông nói thêm.

Trên những ngọn đồi xanh xinh xắn của Herefordshire, gần biên giới với xứ Wales, bà Snell đã chứng kiến nhiều ​​​​làn sóng người nhập cư kể từ khi bà cùng chồng thành lập trang trại này hơn ba thập kỷ trước. Vào cuối những năm 1990, hàng loạt người Nga và Ukraine đến theo hệ thống thị thực tạm thời tương tự như hệ thống hiện nay. “Sau đó là sự mở rộng của Liên minh châu Âu với sự tham gia của 8 quốc gia Trung  Âu vào năm 2004 và ba năm sau là Romania và Bulgaria.” Đột nhiên, Vương quốc Anh có một lực lượng lao động dồi dào.

Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2021, khi Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, hệ thống này đã chấm dứt. Giờ đây nước này cần phải tìm nguồn lao động từ xa hơn, một lần nữa lại phải dựa vào hệ thống thị thực.

Dòng di cư mới kể từ Brexit

Mỗi mùa thu, bà liên hệ với một trong năm cơ quan được chính thức công nhận để tuyển dụng lao động thời vụ và “đặt hàng” nhân sự cho vụ mùa tiếp theo. Ở một khía cạnh nào đó, bà thậm chí còn thấy như vậy tốt hơn là thuê nhân công châu Âu, những người có xu hướng không ở lại trang trại của bà và bỏ việc sau vài tuần nếu họ thấy công việc quá khó. 

Một trong những lời hứa tuyệt vời của Brexit là giảm nhập cư, "lấy lại quyền kiểm soát biên giới của chúng ta", như cựu thủ tướng Boris Johnson đã từng nói đi nói lại. Triển vọng này mâu thuẫn với thực tế kinh tế của Vương quốc Anh. Ban đầu, chính phủ Anh giới hạn số lượng thị thực nông nghiệp theo mùa ở mức 30.000. Vào năm 2023, họ tăng giới hạn lên 45.000 và có khả năng tăng thêm 10.000 nếu cần thiết. Theo báo cáo do Shropshire công bố, con số này vẫn chưa đủ: “Phải xem xét việc dỡ bỏ giới hạn […] Thị thực cần có thời hạn chín tháng để tính thời gian thu hoạch dài hơn”.

Có thể bạn quan tâm: 
Tỏ ra lạc quan về nền kinh tế nhưng FED vẫn cắt giảm nhân sự

Nguồn Le Monde


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày