Thế giới

Hãy chuẩn bị cho tuần bận rộn nhất của kinh tế thế giới trong năm 2019

Hà Linh Chủ Nhật | 28/07/2019 18:49

Ảnh: Bloomberg.com

Tuần tới được đánh giá là tuần bận rộn nhất của kinh tế thế giới trong năm nay, khi hàng loạt sự kiện lớn sẽ diễn ra.
Ảnh: Bloomberg.com

Theo Bloomberg, nhà đầu tư và những nhà hoạch định chính sách sẽ không có cơ hội nghỉ ngơi, khi tuần sau được đánh giá là tuần bận rộn nhất của nền kinh tế thế giới trong năm nay.

Ngày 31/07, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ ra quyết định chính thức về việc có cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ hay không.

Một số người theo dõi FED dự đoán cơ quan này sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, nhưng tín hiệu cho thấy nhiều khả năng họ sẽ chỉ cắt giảm 25 điểm cơ bản, và để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất một lần nữa trong năm 2019.

“Việc FED cắt giảm lãi suất 25 điểm phần trăm sẽ không gây ngạc nhiên cho những người tham gia thị trường tài chính, vì điều này đã được dự báo từ trước", ông Carl Riccadonna, nhà kinh tế trưởng chuyên về nước Mỹ tại Bloomberg Economics, cho biết. Ông nói thêm rằng "điều mà nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn là liệu FED có đưa ra dấu hiệu nào về việc cắt giảm lãi suất một lần nữa trong năm 2019 hay không”.

Quyết định lãi suất của FED không phải là sự kiện duy nhất tác động đến nền kinh tế toàn cầu trong tuần tới.

Ngày 29/07, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính  Mỹ Steven Mnuchin sẽ tới Trung Quốc để đàm phán thương mại cấp cao. Đây là cuộc đàm phán trực diện đầu tiên giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ khi các cuộc đàm phán bị phá vỡ vào tháng 5/2019.

Hay chuan bi cho tuan ban ron nhat cua kinh te the gioi trong nam 2019
Ước tính trung bình của các nhà kinh tế về mức lãi suất cơ bản (lãi suất quỹ Liên bang) tại Mỹ tại các thời điểm. Ảnh: Bloomberg.com

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ họp vào ngày 30/07. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản cam kết giữ lãi suất ở mức thấp và Ngân hàng Trung ương Brazil có thể cắt giảm lãi suất vào ngày 31/07. Ngày 01/08, dữ liệu sản xuất toàn cầu sẽ được công bố trong bối cảnh nhiều ngành công nghiệp đang bị ảnh hưởng vì suy thoái.

Sau đây là một số sự kiện kinh tế chủ chốt trong tuần sau:

Tại Mỹ

Khi các quan chức FED bắt đầu thảo luận vào ngày 30/7, họ sẽ có thêm dữ liệu để đánh giá nền kinh tế. Số liệu thu nhập cá nhân, doanh số bán nhà và niềm tin của người tiêu dùng sẽ được công bố vào sáng ngày 30/7.

Ngày 1/08, báo cáo sản xuất ISM dự kiến ​​sẽ cho thấy ngành công nghiệp đang ổn định và tiếp tục mở rộng. Dữ liệu thương mại vào 02/08 sẽ được xem xét để tìm ra bằng chứng cho thấy cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang có tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Cũng trong tuần tới, ngày 31/07, Bộ Tài chính Mỹ sẽ cho biết nước này cần bao nhiêu tiền để cân bằng việc thâm hụt ngân sách hiện tại.

Tại Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi

Một tuần với nhiều dữ liệu quan trọng tại châu Âu, sau khi vào tuần trước ông Mario Draghi -  Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, đã mở ra khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và có thể khởi động lại việc mua trái phiếu. Ngày 30/07, chỉ số niềm tin​​ của khu vực đồng euro có thể sẽ suy giảm. Và ngày 31/07, dữ liệu kinh tế sẽ được công bố sẽ cho thấy tốc độ tăng trưởng trong quý II/2019 giảm xuống một nửa so với tốc độ của 0,4% của quý I/2019. Cùng ngày, dữ liệu lạm phát dự kiến ​​sẽ cho thấy tăng trưởng giá tiêu dùng vẫn ở dưới mức mục tiêu của ECB, quanh 2%. Ngày 01/08, các chỉ số nhà quản trị mua hàng sẽ được công bố.

Tại Anh, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ công bố dự báo mới nhất của mình vào ngày 1/08.  Bloomberg Economics cho rằng BOE sẽ trở nên bồ câu hơn (ủng hộ hạ lãi suất) trong bối cạnh thời hạn chót cho Brexit vào ngày 31/10 sắp đến gần. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Séc được dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 2%.

Thống đốc mới của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, ông Murat Uysal, sẽ trình bày báo cáo lạm phát hàng quý tại buổi điều trần công khai vào ngày 31/07. Các nhà đầu tư cũng chú ý theo dõi xem liệu ông có ủng hộ nhận định của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan rằng lãi suất cao sẽ gây ra lạm phát hay không. Các ngân hàng trên khắp khu vực Vịnh Ba Tư có thể sẽ nới lỏng tiền tệ nếu FED cắt giảm lãi suất như dự kiến.

Châu Á

Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ kết thúc cuộc họp vào ngày 30 tháng 7. Khoảng một phần ba các nhà kinh tế tham gia một cuộc khảo sát, được công bố vào tuần trước, cho biết họ hy vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ cam kết mạnh mẽ hơn trong việc duy trì lãi suất siêu thấp, thay vì không làm gì và đối mặt với nguy cơ đồng Yên tăng giá khi FED cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, một số quan chức còn lại nhận thấy rất ít khả năng đồng Yên sẽ bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm lãi suất của FED. Dữ liệu được công bố vào 30/07 được dự báo là sẽ cho thấy sản xuất công nghiệp lại tiếp tục suy giảm trong tháng 6, trong bối cảnh nhu cầu suy yếu. 

Tại Trung Quốc, Bloomberg Economics nói rằng các chỉ số nhà quản trị mua hàng có thể sẽ vẫn dưới mức 50 (mức đình trệ) do áp lực đối với các nhà xuất khẩu vẫn còn. Ở những nơi khác, một báo cáo được công bố vào ngày 01/08 có thể sẽ cho thấy xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ lại suy giảm trong tháng thứ tám liên tiếp. Dữ liệu lạm phát cho Úc, Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan cũng sẽ được công bố.

 Mỹ La-tinh

Ngày 31/07, Ngân hàng Trung ương Brazil dự kiến ​​sẽ cắt giảm chi phí đi vay. Ngày hôm sau, số liệu sản lượng công nghiệp trong tháng 7 sẽ làm sáng tỏ liệu nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh có rơi vào suy thoái kỹ thuật trong nửa đầu năm 2019 hay không. Mexico sẽ biết được liệu nước này có tránh được suy thoái kỹ thuật hay không khi văn phòng thống kê quốc gia Mexico công bố dữ liệu sản lượng sơ bộ cho quý thứ hai.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày