Thế giới

Ngân hàng Credit Suisse sắp nối bước SVB?

Hải Miên Thứ Năm | 16/03/2023 14:06

Chi nhánh Credit Suisse ở Bắc Carolina, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Cổ phiếu của Credit Suisse, đang chật vật phục hồi sau một loạt vụ bê bối, đã giảm giá mạnh trong 12 tháng qua.
Chi nhánh Credit Suisse ở Bắc Carolina, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Cổ phiếu của Credit Suisse giảm mạnh vào ngày 15/3, chạm mức thấp nhất mọi thời đại trong ngày thứ hai liên tiếp, sau khi Quỹ đầu tư quốc gia của Ả Rập Saudi, cổ đông lớn nhất của Credit Suisse, nói rằng không thể nâng cổ phần quá 10% do các quy định luật pháp.

Trước bối cảnh đó, các quan chức tài chính Thụy Sĩ đã cam kết cung cấp thanh khoản cho Credit Suisse, một động thái chưa từng có của một Ngân hàng Trung ương sau khi cổ phiếu của ngân hàng hàng đầu quốc gia này giảm tới 30% ngày 15/3.

Trong một tuyên bố chung đưa ra ngày 15/3, cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ FINMA và Ngân hàng Trung ương của quốc gia này đang tìm cách xoa dịu nhà đầu tư trước sự sụt giảm cổ phiếu của Credit Suisse và sự việc SVB vỡ nợ.

Với hy vọng dập tắt những lo ngại, FINMA và Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ cho biết tình trạng hỗn loạn của thị trường tài chính Mỹ sẽ không ảnh hưởng trực tiếp tới các tổ chức tài chính Thụy Sĩ.

Theo Reuters, Credit Suisse khẳng định "đáp ứng được các yêu cầu về vốn và thanh khoản đối với các ngân hàng quan trọng trong hệ thống”. Ngoài ra, Credit Suisse cũng có thể tiếp cận thanh khoản từ Ngân hàng Trung ương nếu cần.

Mất niềm tin diện rộng

Trước đó, sự sụp đổ của SVB, theo sau đó là sự sụp đổ của Signature Bank, đã khiến cổ phiếu ngân hàng toàn cầu lao dốc. Các cơ quan quản lý của Mỹ và Tổng thống Joe Biden đã can thiệp để trấn an các nhà đầu tư, đồng thời thực hiện các biện pháp khẩn cấp giúp các ngân hàng tiếp cận với nhiều nguồn vốn hơn.

Tới ngày 15/3, tâm lý lo ngại đã truyền từ thị trường Mỹ sang châu Âu nơi ngân hàng hàng đầu Thụy Sĩ, Credit Suisse, đang dẫn đầu xu hướng cổ phiếu rớt giá.

Cổ phiếu của Credit Suisse, đang chật vật phục hồi sau một loạt vụ bê bối, đã giảm giá mạnh trong 12 tháng qua. Cổ phiếu trị giá khoảng 80 franc Thụy Sĩ vào năm 2008, nhưng đã giảm xuống còn 1,55 franc Thụy Sĩ vào ngày 15/3.

Việc các nhà đầu tư rút lui làm dấy lên lo ngại về mối đe dọa lớn hơn đối với hệ thống tài chính châu Âu.

Điểm đến an toàn?

Lãi suất tăng nhanh đã khiến một số doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ hoặc trả các khoản vay, làm tăng khả năng thua lỗ cho những ngân hàng vốn đang lo lắng về suy thoái kinh tế. Hiện thị trường đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tạm dừng hoặc đảo ngược xu hướng tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách sắp tới ngày 21 - 22/3.

Trong khi đó, kỳ vọng vào việc Ngân hàng Trung ương châu Âu tại cuộc họp ngày 16/3 sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất cũng nhanh chóng tan biến khi lo ngại Credit Suisse phá sản làm dấy lên các câu hỏi về sức khỏe của ngành ngân hàng khu vực này.

Đối với khách hàng, sự bất an gây ra bởi vụ phá sản SVB đã thúc đẩy họ tìm kiếm những ngân hàng khác. Theo ông Ralph Hamers, Giám đốc điều hành của UBS, đối thủ của Credit Suisse, tình trạng hỗn loạn của thị trường đã khiến nhiều dòng tiền chảy vào ngân hàng này hơn. Giám đốc điều hành Deutsche Bank, ông Christian Stitch, cho biết ngân hàng Đức cũng nhận thấy các khoản tiền gửi đến gia tăng.

Có thể bạn quan tâm: 

Khởi đầu "đáng thất vọng" của kinh tế Trung Quốc hậu mở cửa

Nguồn Reuters


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày