Thế giới

Ngành công nghiệp trị giá gần 500 tỉ USD của Trung Quốc gặp khủng hoảng

Khánh Tú Thứ Ba | 26/09/2023 13:49

Người trẻ Trung Quốc không còn ưu tiên chuyện hôn nhân. Ảnh: Reuters.

Trong khi ngành bất động sản lao đao, Trung Quốc lại phải đối mặt với chiều hướng sụt giảm của ngành cung cấp dịch vụ đám cưới.
Người trẻ Trung Quốc không còn ưu tiên chuyện hôn nhân. Ảnh: Reuters.

Trước đại dịch COVID-19, ngành cung cấp dịch vụ đám cưới là một trong những mô hình kinh doanh có quy mô lớn tại Trung Quốc. Giá trị của ngành công nghiệp này ước tính lên đến 3.600 tỉ nhân dân tệ (487 tỉ USD) vào năm 2020, theo ước tính của công ty tư vấn Daxue Consulting. Cũng trong năm này, ngân sách cho các dịch vụ đám cưới tại Trung Quốc đã tăng khoảng 4.000% trong vòng 30 năm.

Ở thời kỳ hoàng kim, Trung Quốc có tới 10 triệu người kết hôn mỗi năm, tạo “đại dương xanh” cho hàng chục ngàn công ty cung cấp dịch vụ đám cưới. Các nhà hàng, khách sạn và cửa hàng váy cưới “ăn nên làm ra”, đóng góp phần không nhỏ vào GDP đất nước trong nhiều năm liên tục.

 

Nhưng hiện tại, một bộ phận lớn người trẻ Trung Quốc dường như không còn mặn mà với hôn nhân đã đẩy ngành công nghiệp “hái ra tiền” đứng trước nhiều thách thức. Theo số liệu thống kê từ chính phủ Trung Quốc, năm 2022 chỉ có 6,8 triệu đám cưới được tổ chức tại đất nước tỉ dân, ít hơn 800.000 đám cưới so với năm 2021. Đồng thời, đây cũng là mức thấp nhất được ghi nhận trong 37 năm qua. 

Thống kê tại Đại học California cho thấy số lượng nữ giới trong độ tuổi từ 25-29 tại các đô thị ở Trung Quốc chưa kết hôn tăng từ 8,6% lên 40,6% trong vòng 20 năm. Được biết, độ tuổi kết hôn trung bình ở Trung Quốc là khoảng 28 tuổi vào năm 2020, cao hơn 4 tuổi so với năm 2021.

Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc cho biết việc kết hôn, lập gia đình giờ đây không còn là ưu tiên hàng đầu của người trẻ Trung Quốc. Có đến 42% trong số 80.000 sinh viên được khảo sát bởi Viện Khoa học về sức khỏe tâm thần sinh viên của Trung Quốc vào năm 2022 mong muốn sống độc thân trong tương lai.

Đầu năm 2022, Tân Hoa Xã đăng một video nhắc nhở những người sinh năm 2000 đã đủ điều kiện để kết hôn. Điều này phản ánh tình trạng “lười yêu, ngại kết hôn” đáng báo động của người trẻ Trung Quốc. Tuy nhiên, ở dưới video nhiều người đã có những ý kiến khác nhau và “Hôn nhân như một canh bạc, thay vì lo được lo mất, tôi quyết định không tham gia” trở thành câu nói “truyền cảm hứng” cho người trẻ Trung Quốc. 

 

Việc số lượng người kết hôn giảm khiến doanh thu của ngành cung cấp dịch vụ đám cưới Trung Quốc sụt giảm theo. Doanh thu của ngành công nghiệp đám cưới trong năm 2023 ước tính sẽ đạt 642 tỉ nhân dân tệ, giảm 704 tỉ nhân dân tệ so với năm 20219, theo dữ liệu của Statista.

Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân khiến người trẻ Trung Quốc không muốn kết hôn. Năm 2023, Trung Quốc ghi nhận tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm thanh niên trong độ tuổi từ 16-24 tăng cao kỷ lục với 20,8%. Xu hướng đi xuống của nền kinh tế gây ảnh hưởng nặng nề đến tầng lớp trung lưu và giới trẻ, dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp cao và niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm.

Tỉ lệ cạnh tranh trong thị trường lao động giữa bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay đã khiến nhiều người trẻ Trung Quốc cảm thấy kiệt sức. Nhiều người lựa chọn phát triển sự nghiệp thay vì kết hôn sớm như thế hệ trước. Việc có trình độ học vấn cao cùng với mong muốn độc lập tài chính trở thành ưu tiên hàng đầu của giới trẻ thay vì chuyện hôn nhân. Điều này trở thành vấn đề khiến các nhà chức trách lo ngại. Bởi việc không kết hôn là một trong những lý do khiến tỉ lệ sinh ở Trung Quốc giảm cũng như sự sụt giảm về dân số lần đầu tiên trong 60 năm qua.

Trước thực trạng này, chính phủ Trung Quốc tung ra hàng loạt chiến dịch tuyên truyền nhằm hối thúc người dân kết hôn và sinh con. Thậm chí, nhiều địa phương còn tổ chức các sự kiện tìm kiếm bạn đời do nhà nước bảo trợ. Không những vậy, một tỉnh ở phía Đông Trung Quốc còn triển khai ứng dụng “ông tơ bà nguyệt” để giúp người trẻ tìm đối tượng kết hôn.

Có thể bạn quan tâm:

Ấn Độ nỗ lực trong công cuộc trở thành công xưởng thế giới

Nguồn Reuters


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày