Thế giới

Vì sao người giàu nhất thế giới "rớt ngôi" và mất 145 tỉ USD chỉ trong 1 tháng?

Gia Khánh Thứ Ba | 28/02/2023 11:06

Tỉ phú Gautam Adani. Ảnh: Bloomberg

Trái phiếu USD do các doanh nghiệp Adani phát hành cũng đang được bán tháo với mức giao dịch 0,8 USD/1 USD mệnh giá.
Tỉ phú Gautam Adani. Ảnh: Bloomberg

Đế chế kinh doanh của tỉ phú Gautam Adani đã mất hơn 145 tỉ USD giá trị vốn hóa thị trường chỉ trong vòng 1 tháng sau khi bị một công ty chuyên bán khống của Mỹ cáo buộc gian lận, cho thấy cuộc chiến giành giật lại niềm tin của nhà đầu tư mà ông phải đối mặt sắp tới.

Đợt bán tháo cổ phiếu các công ty thuộc quyền kiểm soát của ông Adani được phát động sau khi Công ty Hindenburg Research, có trụ sở ở New York, công bố một báo cáo nói rằng các công ty kể trên có hành vi thao túng giá cổ phiếu và gian lận kế toán. Cả thị trường tài chính Ấn Độ và Tập đoàn Adani Group với các công ty con trải rộng khắp các lĩnh vực từ cảng biển tới năng lượng và sân bay đã chao đảo vì vụ báo cáo bán khống chưa từng có tiền lệ ở nước này. Hiện tại, tổng vốn hóa của Adani Group đã bốc hơi khoảng 60%.

 

Tuy đã kiên quyết phủ nhận cáo buộc của Hindenburg, nhưng cổ phiếu các công ty của ông Adani vẫn chịu áp lực. Sự sụp đổ vào ngày 24/2 khiến tổng giá trị vốn hóa thị trường của Andani Group ở mức thấp nhất kể từ khi bị Hindenburg cáo buộc. Đồng thời khiến cho khối tài sản ròng cá nhân của ông Adani thất thoát 79 tỉ USD từ đầu năm đến nay, khiến ông tuột ngôi tỉ phú giàu nhất châu Á, nhường lại vị trí cho người đồng hương Mukesh Ambani.

Trước cuộc khủng hoảng năm nay, ông Adani đã mở rộng đế chế của mình với tốc độ chóng mặt, vay nợ nhiều hơn và đẩy mạnh vào các lĩnh vực đầu tư lớn, bao gồm kinh doanh hydro và năng lượng mặt trời.

Nhưng giờ đây mọi thứ đang đảo chiều. Nhiều công ty trong Adani Group đã dừng hoạt động đầu tư mới, bao gồm một vụ mua lại nhà máy than trị giá 847 triệu USD. Một thỏa thuận xây dựng một nhà máy xi măng cũng bị hủy.

Tuy nhiên, việc Adani Enterprises, công ty con chủ lực của Adani Group phải hủy kế hoạch phát hành 2,4 tỉ USD cổ phiếu mới là một trong những cú sốc lớn nhất mà cuộc khủng hoảng này gây ra. Sau đó, Moody’s đã hạ triển vọng tín nhiệm của một số công ty con trong Tập đoàn.

Trái phiếu USD do các doanh nghiệp Adani phát hành cũng đang được bán tháo, với 750 triệu USD trái phiếu từ Adani Green Energy và Adani Ports, đáo hạn lần lượt vào năm 2024 và 2027, chỉ được giao dịch ở mức 0,8 USD/1 USD mệnh giá.

Với việc đế chế Adani vẫn đang bị giám sát chặt chẽ, các nhà phân tích cho rằng tập đoàn này nên tập trung vào việc giảm đòn bẩy và trấn an các nhà đầu tư về sự vững mạnh của các hoạt động kinh doanh cơ bản.

 

Sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán cũng đang gây áp lực đối với các khoản vay mà gia đình ông Adani lấy cổ phiếu của các công ty niêm yết làm tài sản thế chấp. Trong tháng này, ông Adani phải trả một khoản vay 1,1 tỉ USD thế chấp bằng cổ phiếu, sau khi nhận lệnh gọi ký quỹ hơn 500 triệu USD.

Trong nỗ lực trấn an các trái chủ, các công ty của ông Adani đang trả nợ trước hạn cho một số chủ nợ. Giám đốc Điều hành Cảng Adani và Đặc khu kinh tế Karan Adani cho biết Công ty sẽ hoàn trả hoặc trả trước hơn 600 triệu USD khoản vay trong năm tài chính tới.

Bất chấp biến cố trong những tuần gần đây, có những dấu hiệu cho thấy ông Adani vẫn duy trì tham vọng quốc tế, một tháng trước ông đã đến thăm Israel để hoàn tất thương vụ mua lại Cảng Haifa chiến lược. Trong khi đó, Tập đoàn Adani cho biết đã đấu thầu một nhà máy thép đang được xây dựng ở bang Chhattisgarh miền trung Ấn Độ.

Có thể bạn quan tâm: 

Người Trung Quốc đi du lịch không chỉ mở rộng tầm nhìn mà còn để đầu tư

Nguồn FT


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày