Hạ tầng logistics hạn chế kết nối vùng tăng trưởng kinh tế

Hải Vân Thứ Hai | 10/12/2018 09:16

Năm 2017, tốc độ phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam đạt khoảng 12-14%. Ảnh: Hải Vân

Thách thức về hạ tầng logistic, một trong 4 vấn đề lớn tác động đến kết nối kinh tế vùng.
Năm 2017, tốc độ phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam đạt khoảng 12-14%. Ảnh: Hải Vân

Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Vương Đình Huệ, tại Diễn đàn "Logistics - Kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế", hôm 7.12, cho biết, Việt Nam đặt kết nối kinh tế là một trọng tâm, trong đó ưu tiên hàng đầu là kết nối hợp tác phát triển ngành dịch vụ logistics xanh.

“Chúng ta cần hợp tác ở cả 3 cấp độ từ chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp trong phát triển ngành dịch vụ logistics xanh nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của mỗi bên”, Phó Thủ tướng đưa nhận định trong bối cảnh vấn đề cơ sở hạ tầng được xem là một trong những “nút thắt” làm hạn chế kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế.

Chưa nhận thức được

5 năm gần đây, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục nằm trong danh sách các cảng có mức tăng trưởng tốt nhất thế giới, với mức tăng đạt 22,7% cao thứ 6 trên thế giới và cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, mục tiêu trở thành đô thị cảng biển hiện đại tầm cỡ khu vực, trong đó dịch vụ logistics là hoạt động trọng tâm của Bà Rịa - Vũng Tàu đến nay chưa đạt được, theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam. Công suất cảng thấp, hạ tầng kết nối liên cảng thiếu và chưa đồng bộ, trong khi hạ tầng đường thủy từ TP.HCM đi Cái Mép – Thị Vải chưa hoàn thiện, đang là lực cản Bà Rịa-Vũng Tàu đi đến mục tiêu này.

Theo Cục thống kê tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nay dịch vụ logistics chỉ chiếm 20% GDP của tỉnh này. Phần lớn nguồn lợi của lĩnh vực này đang chảy vào túi các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi hơn 546 doanh nghiệp logistics trên địa bàn chủ yếu làm công việc hỗ trợ hàng qua cảng, hoặc hỗ trợ khách hàng trên địa bàn chưa tham gia vào chuỗi gia trị logistics toàn cầu.

Thách thức về hạ tầng logistic, một trong 4 vấn đề lớn Bộ Công Thương xác định có tác động đến kết nối kinh tế vùng. Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Cao Quốc Hưng, nói rằng: “Có lúc, có nơi, chúng ta chưa nhận thức được về phát triển ngành dịch vụ logistics thành một dịch vụ cơ bản để hỗ trợ các ngành kinh tế khác”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng xác nhận, tại nhiều tỉnh và thành phố có tiềm năng nhưng cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ hạn chế, gây không ít khó khăn cho kết nối các doanh nghiệp ngành logistics, làm ảnh hưởng đến kết nối kinh tế vùng.

Mục tiêu tham vọng

Việt Nam ưu tiên hàng đầu là kết nối hợp tác phát triển ngành dịch vụ logistics xanh, nên đã có những cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia phát triển cơ sở hạ tầng và các chuỗi sản xuất phục vụ phát triển ngành logistics.

Cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, nâng cao hiệu quả và chất lượng kết nối cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông và đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin, cũng  như đổi mới tư duy sáng tạo ứng dụng công nghệ trong kết nối hợp tác phát triển ngành dịch vụ logistics xanh.

Ha tang logistics han che ket noi vung tang truong kinh te
Cảng Hải Phòng.

Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 của Việt Nam, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt cho là “tham vọng” khi đưa ra mục tiêu, tỉ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia phát triển cơ sở hạ tầng và các chuỗi sản xuất phục vụ phát triển ngành logsitics. Song tại nhiều văn bản, Bộ Giao thông Vận tải cũng thừa nhận, nổi cộm là sự thiếu đồng bộ giữa cảng biển với đường bộ, đường sắt và hệ thống dịch vụ hỗ trợ có cảng biển và tính kết nối giữa các loại hình vận tải.

Ha tang logistics han che ket noi vung tang truong kinh te
 

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, năm 2017 tốc độ phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam đạt khoảng 12-14%. Đang có khoảng 4.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế và nội địa, nhưng chỉ khoảng 1.300 doanh nghiệp hoạt động và hầu hết là doanh nghiệp SME, chỉ khoảng 1% là doanh nghiệp lớn.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018 cho thấy chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam đạt 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 26 bậc so với  năm 2016. Tính bình quân từ 2012-2018, qua 4 kỳ nghiên cứu, khảo sát và công bố chỉ số LPI của Việt Nam là 45/160.

Trong khi đó, theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam sẽ cho phép các công ty dịch vụ hàng hải, logistics 100% vốn nước ngoài hoạt động bình đẳng tại Việt Nam, đặt doanh nghiệp trong nước trước những thách thức gay gắt.

Trên thực tế, năng lực hạ tầng logistics, gồm hạ tầng cứng, như kho, bãi, cảng… và hạ tầng mềm, gồm công nghệ, trí tuệ nhân tạo, giáo dục, đào tạo… “Việt Nam còn khoảng cách rất xa để đến được “Logistics xanh”, Giám đốc khu vực Việt Nam, Campuchia, Lào của DHL Global Forwarding, ông Clement Blanc, nhận định.

Ông Clement Blanc cho rằng Việt Nam có hạ tầng Logistics của Việt Nam chưa phát triển. Hiện nay, với hạ tầng cứng, khu vực phía Nam đang đi sau phía Bắc. Hà Nội và Hải Phòng đang tiến rất nhanh về đường cao tốc và cảng, trong khi tại TP.HCM, cảng hàng không trong tình trạng quá tải.

“Ngành logistics Việt Nam đang chứng kiến tình trạng xe chạy không tải chiều về”. Ông Clement Blanc cho đây không chỉ là câu chuyện lãng phí về chi phí, mà còn là câu chuyện phát thải. Ông cũng chỉ ra sự thiếu hụt đối với “hạ tầng mềm” với những hạn chế về sử dụng công nghệ, Big Data trong quản lý kho bãi, để tính toán dòng lưu chuyển trong giờ cao điểm.

“Doanh nghiệp không thể thực hiện các hoạt động kinh doanh nếu không lên kế hoạch để nắm bắt những đổi mới, phát kiến công nghệ trên toàn cầu”, một điều Giám đốc vùng của DHL Global Forwarding cho là “rất quan trọng”. Theo ông, vai trò và cách thức vận hành chuỗi cung ứng sẽ khác sau 20 năm nữa.

Một nghiên cứu của Công ty tư vấn Baker & McKenzie, 2/3 công ty trên thế giới sẽ xuất phát từ thay đổi của cung ứng. Ông Clement Blanc tin rằng, Việt Nam cần có những thay thế, cụ thể là những dịch vụ chuyển phát, giao hàng mới.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày