Vốn FDI: “Chén to, miệng nhỏ”

Sơn Nguyễn Thứ Tư | 02/10/2019 10:00

Ảnh: QH

Dòng vốn đầu tư đổ về việt nam kéo theo nỗi lo về năng lực hấp thụ nguồn lực quý giá này.
Ảnh: QH

Chưa bao giờ Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư lớn đến thế. Chỉ trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký lên tới 22,62 tỉ USD, chủ yếu chảy vào lĩnh vực chế biến và bất động sản. Hay trên thị trường vốn đầu tư mạo hiểm, các doanh nghiệp non trẻ trong nước đã nhận được 246 triệu USD trong nửa đầu năm, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, tích cực gia nhập các hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao, đi kèm cấu trúc dân số thuận lợi, dòng vốn chảy vào Việt Nam dự báo sẽ rất sôi động trong thời gian tới. Nhưng giống như bài học gia nhập WTO năm 2006, liệu Việt Nam có đủ nguồn lực để hấp thụ dòng vốn khủng này hay chỉ tạo cơn sốt đầu tư ngắn hạn?

 

Thực tế vẫn còn đó nhiều điểm nghẽn. Lo ngại đầu tiên phải kể đến là hạ tầng nhiều khu vực không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, thậm chí ngay cả thủ phủ công nghiệp là khu vực Đông Nam Bộ. Chia sẻ tại Hội nghị đối thoại cộng đồng doanh nghiệp của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương ngày 24.9.2019, lãnh đạo một công ty sản xuất thiết bị laser tại Khu Công nghiệp VSIP 1 cho biết, nỗi lo của giới đầu tư hiện nay chính là hệ thống giao thông liên vùng Đông Nam Bộ không được nâng cấp kịp thời và đồng bộ, khiến thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Bình Dương kéo dài hàng tiếng đồng hồ trong khi khoảng cách không quá xa. Đại diện một doanh nghiệp khác tại Khu Công nghiệp Đồng An 2 cho biết nhiều nhân viên của Công ty phải bỏ việc vì nhà họ ở TP.HCM, cách Bình Dương chỉ vài chục cây số nhưng mỗi ngày phải ngồi trên xe di chuyển tới 4 tiếng do giao thông ùn tắc.

Hạn chế về hạ tầng giao thông, nếu không giải quyết dứt khoát, sẽ là điểm nghẽn lớn, làm gia tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp cũng như là điểm yếu của Việt Nam khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực. Chẳng hạn, bà Amanda Rasmussen, Giám đốc Vận hành của ITL Corp và Chủ tịch AmCham TP.HCM, cho biết, những hạn chế của cơ sở hạ tầng ở Việt Nam như đường hàng không tắc nghẽn, đường thủy chưa phát triển như tiềm năng, phụ thuộc vào đường bộ... đang ảnh hưởng lớn đến quyết định chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam của các nhà đầu tư Mỹ. Bà Amanda nhấn mạnh, lấy ví dụ như chi phí logistics tại Việt Nam hiện chiếm tới 21% GDP. Đây là con số rất cao so với các nước như Mỹ, Nhật hay các nước lân cận ở Đông Nam Á.

 

Một điểm nghẽn khác chính là Việt Nam thiếu một chuỗi công nghiệp phụ trợ hiệu quả, đặc biệt khi so sánh với chính Trung Quốc. Theo than phiền của lãnh đạo một doanh nghiệp chế biến hàng thủy tinh ở Bình Dương, tỉ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của họ tại Việt Nam gần như là con số 0%.

Ngay cả nguyên liệu là bu lông để trang trí sản phẩm, Tập đoàn phải nhập từ các quốc gia láng giềng khác với mức giá chỉ bằng 1/3 trong nước và không bị hạn chế về số lượng. “Phát triển công nghiệp phụ trợ là điều kiện quan trọng nhất để tiếp tục hấp dẫn dòng vốn đầu tư”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.

Điều lạc quan hơn cho các nhà đầu tư là chính quyền một số tỉnh thành đã lắng nghe, đồng thời lập kế hoạch hành động để khắc phục. Mới đây, TP.HCM cùng các tỉnh vệ tinh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã lập tổ liên kết vùng, để bàn về kế hoạch đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông thông suốt cho toàn vùng. Sau khi cầu sắt Bình Lợi được nâng cao tĩnh không, cầu Phú Long được tháo dỡ, tỉnh Bình Dương cùng với TP.HCM đang xây dựng kế hoạch quy hoạch nâng cấp tuyến đường sông Sài Gòn và 4-5 cảng kèm theo. Một khi đưa vào vận hành, tuyến đường thủy này sẽ giúp khơi thông dòng chảy hàng hóa và giảm tải cho hệ thống đường bộ về cảng Cát Lái.

 

Đó còn là đề án xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm cung cấp cho doanh nghiệp các thông tin tốt nhất về chuỗi cung ứng, hình thành chuỗi liên kết sản xuất trên nền tảng ứng dụng công nghệ, giúp hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ Việt Nam phát triển tốt hơn. Các nhà đầu tư cũng lo ngại về nhiều vấn đề khác như chính sách thuế, sự sợ trách nhiệm của một số lãnh đạo tỉnh, thành.

 Nhìn chung, cơ hội luôn đi kèm theo thách thức. Theo ông Simon Ogus, CEO của Công ty Tư vấn DSG Asia (Hồng Kông), Việt Nam có thể tiến lên trở thành một nền kinh tế mới nổi, đủ sức thách thức các đối thủ khác tại châu Á. Nhưng con đường đó không thể xảy ra chỉ sau một đêm. Bên cạnh các điểm nghẽn kể trên, các hạn chế khác như luật pháp còn nhiều khoảng trống, tỉ lệ nợ đang ở ngưỡng khá cao, đi kèm với tỉ trọng tiếp tục đáng kể của khu vực kinh tế nhà nước là các rào cản lớn khi xét về triển vọng trung hạn của nền kinh tế.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày