Chuyên đề

Kinh tế Việt Nam 2020 - 2030: Suy thoái hay hưng thịnh?

Sơn Nguyễn - Ngọc Thủy Thứ Tư | 13/11/2019 08:00

Ảnh: shutterstock.com

Dù có điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có cái nhìn lạc quan trong thập niên tới.
Ảnh: shutterstock.com

Việt Nam đang trở thành tâm điểm của dòng vốn đầu tư trong khu vực với các cơ hội rộng mở trên nhiều lĩnh vực như tài chính, bất động sản, F&B. Nhưng đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo sẽ đối mặt với các rủi ro khó lường, liệu ước mơ thịnh vượng của Việt Nam có trở thành hiện thực? Và đâu là những cơ hội đầu tư tiềm năng cho cộng đồng doanh nghiệp khai phá?

Những câu hỏi này đã được nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính giải đáp phần nào tại Hội nghị Đầu tư “Kinh tế Việt Nam 2020-2030: Suy thoái hay hưng thịnh?” do Tạp chí NCĐT tổ chức. Sự kiện lần này còn đưa ra kịch bản tăng trưởng then chốt, khuyến nghị nhiều giải pháp để các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra những quyết sách phù hợp với sự phát triển bền vững trong thập niên tiếp theo.

Triển vọng lạc quan

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), gần đây Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích khích lệ nhờ hàng loạt chính sách và cải cách được thực hiện từ năm 2011-2012. Đó là kinh tế vĩ mô từng bước ổn định, tăng trưởng phục hồi, trong khi môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện.

 

Quan trọng hơn, Việt Nam tiếp tục chính sách hội nhập sâu rộng thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do có mô lớn như CPTPP, EVFTA hay AEC. Đồng thời, Nhà nước cũng thúc đẩy nhiều đổi mới sáng tạo, khuyến khích cộng đồng startup phát triển. Với nền tảng ổn định hơn, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt khá cao: trung bình hơn 6,5%, riêng năm 2019 có thể ở mức 6,8-7% và đưa Việt Nam nằm trong top các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

Theo báo cáo mới đây của U.S. News & World Report, Việt Nam đã nhảy vọt từ vị trí 23 năm ngoái lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về lạm phát, thâm hụt ngân sách hay quy mô dự trữ ngoại hối đều được cải thiện, giúp tăng cường sức chống chịu với những cú sốc có thể diễn ra trong tương lai. Sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi, nền kinh tế gần 100 triệu dân đang thể hiện tham vọng rất lớn khi đặt mục tiêu lọt vào các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 hay đuổi kịp các quốc gia có thu nhập cao OECD vào năm 2045.

Nếu so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam đang chiếm thế thượng phong trên nhiều khía cạnh và là điểm nóng của dòng vốn đầu tư quốc tế. Theo Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), khu vực Đông Nam Á có mức tăng trưởng kinh tế chung trong nửa đầu năm 2019 chậm lại 4% so với 4,5% cùng kỳ năm 2018. Chỉ có Việt Nam và Malaysia có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội so với khu vực. Trong khi đó, các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại quốc tế như Singapore, Thái Lan và Philippines tăng trưởng giảm sút do xuất khẩu chậm lại đã đè nặng lên tăng trưởng.

Bức tranh kinh tế Việt hiện tương đối lạc quan, đó là sự chuyển động chính sách và cải cách với sự ổn định kinh tế vĩ mô cùng hồi phục tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tái cấu trúc nền kinh tế, hội nhập sâu rộng; tăng trưởng kinh tế kế hoạch năm 2016-2020 là trên 6,5%, ổn định kinh tế vĩ mô 5 năm gần đây tốt, dự trữ ngoại tệ trên 72 tỉ USD, thâm hụt ngân sách dưới 3,6%, lạm phát năm 2019 dưới 4%.

“Nhà đầu tư chơi với Việt Nam sẽ dễ dàng chơi với thế giới, vì chúng ta có 16 hiệp định tự do thương mại (FTA). Không chỉ là vấn đề thị trường 100 triệu dân, mà đầu tư vào Việt Nam nhà đầu tư có thể chơi với nhiều nhà đầu tư trên thế giới, với yếu tố lợi thế hạ tầng, nhân lực, đặc biệt sự nhất quán của chính sách”, Tiến sĩ Thành đánh giá.

Tất nhiên là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam sẽ phải dè chừng nguy cơ từ xu thế tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới trong thập niên tới. Đó còn là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mâu thuẫn địa chính trị, chính sách tiền tệ khó dự đoán của các nước, nợ công cao... sẽ mang đến những thách lớn khó lường.

Còn về dài hạn, hàng loạt xu thế sẽ định hình lại diện mạo của thế giới. Đó là xu thế đa cực sẽ gia tăng áp lực địa  chính trị, xu thế già hóa của dân số, cách mạng công nghệ 4.0, xu thế hình thành các mega-FTA và gia tăng tính kết nối khu vực, xu thế dịch chuyển dữ liệu xuyên biên giới, tác động của biến đổi khí hậu, sự nổi lên của châu Á với 2 quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ trong khi đồng USD sẽ giảm dần sức mạnh vốn có.

Theo ông Thành, nhiều tổ chức đã dự báo kinh tế thế giới trong thời gian tới tiếp tục giảm tốc, thời gian cụ thể là vào khoảng cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này, nếu có cũng không nặng như khủng hoảng tài chính năm 2008. Thực tế số liệu cho thấy một vài quốc gia đang có tín hiệu suy thoái, theo định nghĩa kinh tế tăng trưởng âm trong vài quý liên tiếp.

 

CIEM vừa cập nhật triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, với tăng trưởng GDP năm 2019 có thể đạt 7,02%. Con số này tăng khá cao so với dự báo 6,82% được chính CIEM đưa ra 3 tháng trước. Nhưng xu hướng không lặp lại trong dự báo năm 2020, khi tốc độ tăng trưởng GDP chỉ được đưa ra ở mức 6,72%. Trước đó, trong các lần cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam, World Bank, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đưa ra mức thấp hơn so với năm 2019, tương ứng 6,5-6,7% so với 6,6% và 6,8%.

Theo Tiến sĩ Thành, mặc dù đang bước vào xu thế tăng trưởng chậm lại nhưng xác suất xảy ra một cuộc suy thoái trên diện rộng như năm 2008 trong các năm tới là không cao. Vậy các lĩnh vực nào là tiềm năng nhất để giới đầu tư khai thác? Theo ông Thành, trong giai đoạn 2020-2030, cơ hội sẽ nằm ở những ngành có lợi thế so sánh truyền thống (như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử; nông sản và thủy sản), lĩnh vực phục vụ tiêu dùng (phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế), các hỗ trợ mạng sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị (dịch vụ hỗ trợ, logistics, công nghiệp hỗ trợ). Tiềm năng cũng nằm ở những lĩnh vực mới nổi (kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh). Lĩnh vực kết cấu hạ tầng và bất động sản (nhà ở, văn phòng, bất động sản du lịch, bán lẻ, logistics, khu công nghiệp)... được đánh giá có nhiều cơ hội cho giới đầu tư trong và ngoài nước khai phá.

Nhìn chung, cơ hội để kinh tế Việt Năm tăng tốc trong 10 năm tới là lạc quan nếu Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt được xu thế chuyển mình của thế giới, đi kèm tận dụng năng lực nội tại. “Các doanh nghiệp muốn thành công phải nhìn ra xu thế của thế giới, biết tận dụng lợi thế, sáng tạo, gia tăng năng lực kết nối và quan tâm đến quản trị rủi ro”, Tiến sĩ Thành đúc kết.

Đường đến vốn hóa 100% GDP

Tại Hội nghị Đầu tư năm nay, các chuyên gia đã dành không ít thời gian bàn đến câu chuyện vốn. Trong đó, theo ông Nguyễn Hiếu, CEO Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mục tiêu thị trường chứng khoán đạt đến vốn hóa 100% GDP là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, để mục tiêu này khả thi hơn, cần chia ra từng chặng.

Trước hết, có thể thấy rõ, sau gần 20 năm hình thành thị trường chứng khoán Việt Nam (từ năm 2000), vốn hóa trên thị trường đã đạt quy mô ấn tượng, chiếm 76,4% GDP vào cuối năm ngoái. So với mục tiêu ban đầu ước chiếm 70% GDP vào năm 2020 thì vốn hóa thị trường chứng khoán đã về đích trước hạn 2 năm. Hiện nay, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến cuối quý III/2019, vốn hóa thị trường cho riêng nhóm cổ phiếu niêm yết đã đạt khoảng 195 tỉ USD, chiếm hơn 80% GDP.

 

Việt Nam chỉ còn đi thêm một chặng ngắn nữa là vốn hóa thị trường chứng khoán có thể đạt mốc 100% GDP. Tuy nhiên, để đạt mốc này, ông Hiếu ước tính, cần tăng tốc qua các con đường. Thứ nhất là tăng quy mô vốn hóa dựa theo giá cổ phiếu. Với cách này, giá trị vốn hóa của thị trường phải tăng ít nhất 35% trong điều kiện giả định kinh tế tăng trưởng 6,8%, lạm phát quanh ngưỡng 4%.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo sẽ gặp khủng hoảng, nhiều nước lớn nới lỏng tiền tệ, đẩy giá tài sản lên cao... thị trường chứng khoán năm 2020 được dự báo không nhiều dư địa để tăng điểm. Trong khi đó, từ năm 2010 đến nay, chỉ duy nhất một lần vào năm 2017, VN-Index tăng bình quân 48%.

Ông Hiếu lưu ý thêm, mức tăng vốn hóa đột biến (80%) trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2017  là  nhờ vào hàng loạt doanh nghiệp niêm yết mới như VJC, HVN, PLX, VPB và VRE. Ngoài ra, đây cũng là năm diễn ra các thương vụ thoái vốn đình đám của VNM, SAB. Theo tính toán từ VDSC, IPO và thoái vốn ở một số doanh nghiệp lớn đã chiếm hơn 50% tổng vốn hóa thị trường tăng thêm thời điểm năm 2017.

 

Hiện tại, Tiến sĩ Thành đánh giá, thị trường cổ phiếu đã chuyển từ phấn khích (năm 2017) sang cẩn trọng, e dè. Bằng chứng là quy mô giao dịch trung bình trên thị trường đã sụt giảm đáng kể, về mức 4.000-4.500 tỉ đồng/ngày.

Để VN-Index tăng trên 20%, lãnh đạo VDSC cho rằng, sẽ rất khó khăn và cũng khó dự đoán. Cách khả dĩ nhất, theo ông Nguyễn Hiếu, “cổ phần hóa, thoái vốn ở khối doanh nghiệp Nhà nước và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của các doanh nghiệp tư nhân lớn là những điều kiện tiên quyết để vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt mốc 100% GDP năm 2020”.

Sang năm 2020, hàng loạt doanh nghiệp lớn như Mobifone, VNPT, Agribank, VICEM... dự kiến sẽ IPO. Ước tính, các doanh nghiệp này sẽ niêm yết với giá trị lên tới 8 tỉ USD, hứa hẹn góp phần gia tăng giá trị vốn hóa cho thị trường chứng khoán Việt Nam. “Tuy nhiên, để thị trường chứng khoán không lập lại tình trạng tăng mạnh vào cuối năm 2017 nhưng giảm nhanh ngay đầu năm 2018, thị trường cần tính ổn định và bền vững hơn”, ông Nguyễn Hiếu nhấn mạnh. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn niêm yết kiểu hình thức và Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối lớn. Vì thế, các chỉ số như tỉ lệ freefloat (tự do chuyển nhượng), vòng quay cổ phiếu của thị trường chứng khoán Việt Nam lần lượt chỉ ở mức 42%, 40%, theo Bloomberg và World Bank.

Khơi thông dòng vốn

Đây là một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư nước ngoài bị trở ngại trong đầu tư và thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thật hấp dẫn. Số liệu từ FiinPro cho hay, ở Việt Nam chỉ có khoảng 2,3 triệu tài khoản, chiếm 2,4% dân số. Trong đó, chỉ 10% tổng tài khoản là có giao dịch thường xuyên. Quy mô giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chỉ khoảng 400 triệu USD, bằng 1/4-1/5 so với các nước như Thái Lan.

Theo World Bank, chứng khoán Việt Nam có cơ hội thay đổi tình trạng này, khi Việt Nam là một trong những quốc gia có tình hình chính trị khá ổn định, xếp thứ 74, hơn Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Trung Quốc... Riêng giới phân tích lẫn nhà đầu tư đều lạc quan khi nhìn về triển vọng vĩ mô. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với dòng vốn ngoại, suốt 8 năm qua, Việt Nam ghi nhận tăng trưởng trung bình 7,5%/năm. Sắp tới, dòng vốn này được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhờ những FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký kết như CPTPP, EVFTA... Ngoài ra, với lợi thế giá nhân công rẻ và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam được xem là một đích đến của các nhà đầu tư.

 

Riêng trên thị trường chứng khoán, thoái vốn và cổ phần hóa sẽ là cơ hội để thị trường thu hút dòng vốn ngoại đổ vào. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được MSCI nâng hạng, từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Khi chứng khoán được nâng hạng, các quỹ ETF sẽ dễ dàng tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo dự đoán của VDSC, các ETF dựa trên các chỉ số mới như VN Diamond, VNFin Select và VNFin Lead hứa hẹn sẽ thu hút dòng tiền của khối ngoại.

Tuy nhiên, nút thắt về sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài vẫn là yếu tố trở ngại cho việc nâng hạng. Ngoài ra, theo nhận định của ông Nguyễn Hiếu, thị trường chứng khoán năm 2020 có thể đối diện với những rủi ro từ xu hướng lãi suất trung và dài hạn ước sẽ tăng. Đặc biệt, công cuộc thoái vốn và cổ phần hóa dự báo sẽ tiếp tục khó khăn do Chính phủ mới chỉ hoàn thành được khoảng 30% kế hoạch.

Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Thành cho biết hiện nền kinh tế vẫn cơ bản dựa vào hệ thống ngân hàng; tái cấu trúc ngân hàng có bước tiến tích cực, nhiều ngân hàng bước vào chuyển đổi số; nợ xấu đến tháng 8.2019 ở dưới 2%, tính cả tại VAMC là dưới 5%. “Tuy nhiên, thị trường tài chính cũng còn không ít vấn đề, đó là thách thức Basel II ở nhiều ngân hàng; xử lý vài ngân hàng yếu kém, nợ xấu nhóm 4-5 còn cao tại một số ngân hàng”, Tiến sĩ Thành nhận định. Vì thế, đây là một trong những nguyên nhân khiến dòng vốn cho doanh nghiệp đang bị siết lại từ phía các tổ chức tín dụng.

Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tìm kiếm nguồn huy động vốn khác qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.Theo Asia Bond Monitor, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng VND của Việt Nam đã đạt 4,3 tỉ USD vào năm 2018, tăng trưởng kép 66%/năm, giai đoạn 2014-2018. Trong đó, 30 doanh nghiệp như Vingroup, Masan, ACB, CII, BIDV, VPBank, Techcombank, REE, PAN... đã chiếm 85% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Tuy nhiên, theo SBV, trái phiếu doanh nghiệp ở Việt  Nam vẫn đạt quy mô nhỏ, chiếm khoảng 5% GDP  so với Malaysia, Hồng Kông, Singapore và Thái Lan.

 

Theo bà Stephanie Betant, Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm vốn qua phát hành trái phiếu quốc tế. Hiện tại, Việt Nam được xếp hạng quốc gia từ B1 (tích cực) lên Ba3 (ổn định). Một số doanh nghiệp cũng đã tiếp cận được thị trường vốn quốc tế, dù chỉ mới dừng ở phát hành trái phiếu riêng lẻ. Bà Stephanie Betant nhấn mạnh, để phát hành trái phiếu quốc tế, các doanh nghiệp phải được xếp hạng tín dụng, hiểu biết pháp lý và trình tự thủ tục để chuẩn bị hồ sơ, đợi phê duyệt thủ tục, tổ chức quảng bá, xúc tiến đầu tư, công bố, dựng sổ, định ra thị trường thứ cấp. Trong tất cả các công việc này, bà Stephanie Betant lưu ý, quảng bá marketing rất quan trọng vì nhà đầu tư quốc tế, nhất là ở châu Âu, Mỹ thường không biết câu chuyện của doanh nghiệp. Một hình thức khác là doanh nghiệp có thể tìm nguồn vốn tài trợ nước ngoài. Cách này giúp doanh nghiệp đa dạng được khoản vay, đa dạng rủi ro, tiếp cận được nguồn vốn lớn từ thế giới, đồng thời giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, như ông Võ Trí Thành, thị trường chứng khoán Việt Nam sắp tới ra sao, nguồn vốn huy động được bao nhiêu sẽ còn phụ thuộc vào tốc độ cải cách luật chơi, sửa đổi luật chứng khoán, nới room, thêm công cụ phái sinh, tăng cường minh bạch, tăng cung nhờ ép tiến độ cổ phần hóa, nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, thị trường trái phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là khả năng chuyển đổi tiền tệ...


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày