Công Nghệ

Lời giải nào cho bài toán cạnh tranh của mạng xã hội "made in Vietnam"

Chủ Nhật | 22/09/2019 17:34

Ảnh: thuvienphatluat.vn

Mạng xã hội là miếng bánh hấp dẫn khi chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các mạng xã hội của Việt Nam đã lần lượt ra mắt người dùng.
Ảnh: thuvienphatluat.vn

Cuộc đua làm mạng xã hội: Sớm nở, chóng tàn

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt mạng xã hội “Made in Vietnam” như Hahalolo, Gapo, Viva và trong tuần qua, thị trường đón nhận sự ra mắt của mạng xã hội Lotus. Sau ngày đầu ra mắt, mạng xã hội này đã đạt 1 triệu lượt tải trên kho ứng dụng. Đây có thể coi là thành công bước đầu của Lotus nhưng con đường chinh phục người dùng sẽ không hề đơn giản.

Báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, bên cạnh Facebook và YouTube, hiện nay, Việt Nam đã có 455 mạng xã hội được cấp phép, trong đó 6 tháng đầu năm nay đã có 48 mạng xã hội nội mới.

Trong gần một thập kỷ qua đã có nhiều mạng xã hội thuần Việt xuất hiện và cạnh tranh với “gã khổng lồ” Facebook. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động thì lép vế hơn hẳn với các mạng xã hội nước ngoài có nhiều ưu điểm nổi trội như là giao diện thì thu hút, khả năng tương tác cao, liên kết cộng đồng rộng và bổ sung các tính năng mới liên tục. 

Ra đời năm 2010, Zing Me của VNG là mạng xã hội Việt đầu tiên tuyên bố cạnh tranh trực tiếp với Facebook tại Việt Nam. Và từ năm 2013 trở đi, Facebook đã tăng trưởng với tốc độ “chóng mặt” tại Việt Nam, trong khi đó Zing Me lại đi xuống liên tục và giờ chủ yếu là kênh phân phối ứng dụng và game.

Mạng xã hội được đánh giá là miếng bánh hấp dẫn, nhưng không dễ ăn. Ảnh: Tuyengiao.vn
Mạng xã hội được đánh giá là miếng bánh hấp dẫn, nhưng không dễ ăn. Ảnh: Tuyengiao.vn

Trong năm 2010, một ông lớn khác cũng cho ra đời mạng xã hội Go.vn để cạnh tranh trực tiếp với Facebook tại Việt Nam. Đây là một dự án được đầu tư rất lớn, từ kỹ thuật lẫn truyền thông. Song giờ đây mạng này chuyển thành một trang tin tức tổng hợp. Tiếp theo đó là Yume.vn, tamtay.vn… cũng không trụ được lâu.

Mạng xã hội được đánh giá là miếng bánh hấp dẫn, nhưng không dễ ăn. Đã có nhiều người chơi phải ngã ngựa nhất là khi các mạng xã hội nội xuất hiện khi những gã khổng lồ toàn cầu như Facebook, Instagram hay Tiktok đã thâu tóm thị trường. Do đó, để chinh phục được người dùng, các mạng xã hội cần có những “vũ khí” cạnh tranh nổi bật.

Token sẽ là phương thức cạnh tranh?

Theo thông tin từ mạng xã hội Lotus, ngoài định vị lấy nội dung làm trọng tâm thì một điểm cũng được nhấn mạnh đó là token. Cụ thể, nhấn nút "Thích" bài viết là nhận được 1 token. Để lại "Nhận xét" được 2 token. Chia sẻ bài viết được 3 token. Càng tương tác nhiều trên mạng xã hội Lotus, người dùng nhận được về càng nhiều token. Số token được tích lũy có thể được dùng cho những việc khác không chỉ có giá trị tinh thần mà còn là giá trị vật chất.

Thực tế, hình thức này đã được sử dụng ở nhiều mạng xã hội khác với các tên gọi như xu, heo đất, cây xanh... Khi lượng tương tác càng nhiều, lượng xu càng lớn, heo đất càng to và cây xanh càng phát triển. Đến một giới hạn được quy định, giá trị của những loại token này sẽ được quy đổi sang thẻ cào điện thoại, hay nhiều dịch vụ khác nhau trong hệ sinh thái của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thế Tân - TGĐ VCCorp, cho biết, người dùng có thể sử dụng Token cho những việc mà họ thấy là hữu ích. Ví dụ như tặng cho người khác hoặc đổi lấy thưởng.

MXH Lotus được cho là đi theo hướng hoàn toàn khác biệt lấy nội dung làm trọng tâm
Mạng xã hội Lotus với hướng đi khác biệt lấy nội dung làm trọng tâm. Ảnh: Vietnammoi.vn

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Thắng, Phó chủ tịch Hội đồng Đầu tư Công nghệ thuộc Hội đồng Quản trị CTCP Công nghệ Sao Bắc Đẩu, các dạng thức token của mạng xã hội Việt Nam đang dừng lại ở mức cơ bản, chưa rõ khả năng quy đổi giá trị đến đâu, trong khi đó, đối thủ là gã khổng lồ Facebook đang ấp ủ tạo ra tiền kỹ thuật số Libra có tính ứng dụng rộng rãi hơn nhiều.

“Token ở Việt nam hiện nay mới chỉ dừng ở mức điểm thưởng và nếu như các token của một mạng xã hội nào đó nếu được neo vào một đồng tiền nào đó thì nó mới có thể trở thành một phần của hệ sinh thái của một đồng tiền kỹ thuật số”, ông Thắng nhận định.

Nhiều chuyên gia đánh giá, các doanh nghiệp Việt đang bắt đầu đi đúng xu hướng chia sẻ giá trị trong mạng xã hội bằng công cụ khuyến khích hành vi như token. Tuy nhiên, các đối thủ ngoại như Facebook cũng đang chuyển động rất nhanh. Do đó, còn quá sớm để nói token đủ sức giúp doanh nghiệp Việt cạnh tranh.

►Thời của tổng sản phẩm dữ liệu

►Mạng xã hội 'made in Vietnam' và cơ hội kiếm tiền

Nguồn VTV


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày