Bức tranh kinh tế Việt Nam 2019
Hàng loạt hiệp định tự do thương mại giúp kinh tế Việt Nam có độ mở thương mại lớn. Ảnh: TL
Lĩnh vực sản xuất đã tăng trưởng ở mức 2 con số trong 4 năm trở lại đây và đà tăng này có thể sẽ tiếp diễn trong năm 2019.Ngay những ngày đầu năm, các nhà phân tích đã nhận định, châu Á sẽ đối mặt với một số thách thức. Nhất là đối với thương mại toàn cầu, mọi thứ sẽ còn xấu đi thêm trước khi có thể khởi sắc. Các rủi ro này bao gồm: Thương mại giảm tốc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất và bất ngờ về lạm phát. Trong đó, cần lưu ý là thương mại hàng hóa tương đương hơn 200% tổng sản phẩm trong nước (GDP) đối với Singapore và hơn 100% GDP đối với các nước Việt Nam, Malaysia và Thái Lan.
Việt Nam là nền kinh tế nhỏ, nhưng có độ mở thương mại rất lớn và đến cuối năm 2018, độ mở thương mại của Việt Nam chỉ thấp hơn Singapore trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á. Theo đó, kịch bản xấu nhất, thị trường xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng rất mạnh, bất ổn kinh tế toàn cầu sẽ làm giảm thanh khoản dòng vốn, nguồn vốn nước ngoài sẽ giảm sút.
Đặc biệt, Tập đoàn tài chính Merrill Lynch thuộc Bank of America dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp sẽ tiếp tục tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Mức tăng GDP chung của 5 quốc gia này được dự đoán sẽ giảm xuống 4,8% trong năm 2019, so với 5% năm 2018 và 5,1% năm 2017.
Tuy nhiên, trước các cảnh báo này, Standard Chartered vẫn có cái nhìn lạc quan về kinh tế Việt Nam trong năm 2019. Tại sự kiện thường niên được tổ chức tại TP.HCM, Ngân hàng Standard Chartered tổ chức buổi thảo luận với các báo cáo Fighting the Current (Đối mặt với thực tại) và Vietnam in 2019 - Steady and Sustainable Growth (Việt Nam trong năm 2019 - tăng trưởng ổn định và bền vững). Nhìn tổng thể, bức tranh kinh tế Việt Nam được hỗ trợ bởi nhiều bệ đỡ kinh tế vĩ mô quan trọng.
Trước hết, theo báo cáo của Standard Chartered, hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được cải thiện trong năm 2018. Đơn cử, lãi suất và tỉ giá được duy trì ổn định mặc dù FED tăng lãi suất và tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, nợ xấu được quản lý ở mức dưới 3%.
Lĩnh vực sản xuất đã tăng trưởng ở mức 2 con số trong 4 năm trở lại đây và đà tăng này có thể sẽ tiếp diễn trong năm 2019. Ngân hàng dự báo lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay dù chậm hơn một chút so với năm ngoái do môi trường bên ngoài bất ổn và tốc độ tăng trưởng vốn đang nằm ở mức cao.
Ngoài ra, dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất sẽ thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực này. Các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered dự báo FDI vào Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2019, đạt xấp xỉ 15 tỉ USD và dòng vốn chảy vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử, sẽ vẫn rất mạnh mẽ trong trung hạn. Nghiên cứu của Ngân hàng cũng chỉ ra rằng, hoạt động xây dựng diễn biến ổn định trong năm 2018, với mức tăng cả năm đạt 8,9%. Ngoài ra, khu vực bất động sản sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2019, đạt 7,5%.
“Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á cũng như là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2019”, ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ.
Về tỉ giá hối đoái, dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì chính sách linh hoạt trong ngắn hạn để hỗ trợ tăng trưởng, ngay cả khi lạm phát gia tăng. Lãi suất dự báo sẽ ổn định trong năm 2019 và VND sẽ tăng giá nhẹ, nhưng khả năng thắt chặt chính sách trong nửa sau của năm 2019 có thể sẽ xảy ra khi lạm phát tăng.
“Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,1% trong năm 2018, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Chúng tôi lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn nhờ hoạt động sản xuất diễn ra mạnh mẽ khi dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất hàng điện tử tiếp tục duy trì ở mức cao”, ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered, cho biết
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư