Kinh Doanh

Công trình vượt sông Hàn tại Đà Nẵng: Cầu hay Hầm?

Thứ Bảy | 09/04/2016 19:40

Chủ trương xây dựng hầm vượt sông Hàn của thành phố Đà Nẵng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia và dư luận nhân dân.

Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức lấy ý kiến phản biện về phương án thiết kế hầm qua sông Hàn do Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu Lớn - Hầm thuộc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải thực hiện đã nhận nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến ủng hộ làm cầu nhưng cũng nhiều ý kiến thiên về phương án xây hầm.

Kỹ sư Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường Đà Nẵng, người có kinh nghiệm lâu năm với ngành cầu đường không ủng hộ việc xây hầm qua sông Hàn. Theo ông Dân, ưu điểm của hầm là không cản trở giao thông thủy và không ảnh hưởng cảnh quan sông Hàn. Tuy nhiên, do chiều ngang sông Hàn quá ngắn, chỉ có 600 mét không đủ để giảm độ dốc xuống hầm. Thiết kế hầm qua sông Hàn của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm Việt Nam là không phù hợp, riêng thiết kế độ dốc hầm 5 % là quá lớn, bất hợp lý.

Ông Trần Dân cho rằng, đường hầm thiết kế quanh co, đi qua nhiều khu dân cư nên việc thi công rất phức tạp, ảnh hưởng đến vận hành khai thác và mất an toàn giao thông. Mặt khác, nếu làm hầm theo phương án nhà thiết kế đưa ra sẽ giải tỏa một vùng quá rộng lớn phía bờ Tây thuộc phường Thuận Phước, quận Hải Châu. Khu vực này, trước đây đã giải tỏa một lần, cư dân mới ổn định cuộc sống, nay phải xới lên, ảnh hưởng lớn đến đời sống, tâm lý người dân, phá vỡ qui hoạch. Về kinh phí, xây hầm cao gấp đôi  so với làm cầu. Nhà tư vấn thiết kế dự toán xây hầm là hơn 4000 tỷ đồng, nhưng đây chỉ là con số dự tính ban đầu, còn với tính chất phức tạp của hầm thì mức vốn đầu tư có thể tăng lên 20% nữa. Trong khi đó, chưa tính đến kinh phí bảo trì, vận hành khai thác, phòng chống cháy nổ đối với công trình đường hầm.

Kỹ sư Trần Dân, Phó chủ tịch Hội Cầu đường thành phố Đà Nẵng cho biết, sau khi phân tích kỹ ưu và nhược điểm đối với cả 2 phương án làm cầu và hầm, Hội Cầu đường thành phố Đà Nẵng kiến nghị thành phố Đà Nẵng nên xây cầu vượt sông Hàn.

“Nếu hầm làm như Thủ Thiêm đi thẳng thì được, đằng này khúc sông Hàn ngắn, hai bên là phố dày đặc, cho nên tôi phản đối phương án làm hầm. Cần phải tổ chức nghiên cứu kỹ và  thi phương án để chọn ra phương án tối ưu nhất. Theo tôi, ở đó xây cầu là tốt nhất vì chỉ chiếm một nửa tiền so với làm hầm”, ông Trần Dân chia sẻ.

Trái với quan điểm của Hội Cầu đường thành phố Đà Nẵng nhiều hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng lại ủng hộ phương án làm hầm qua sông Hàn. Kiến trúc sư Phan Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng giải thích, đến nay Đà Nẵng đã xây dựng 7 cây cầu nối đôi bờ sông Hàn. Tuy nhiên, nhiều cây cầu trên sông Hàn vẫn chưa sử dụng hết chức năng, tình trạng giao thông quá tải chủ yếu tập trung tại cầu quay Sông Hàn. Việc xây dựng thêm một cây cầu mới qua sông Hàn sẽ làm mất đi không gian và vẻ đẹp của dòng sông, vì vậy giải pháp làm hầm là tốt nhất.

Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng chưa đồng tình với phương án thiết kế hầm qua sông Hàn mà Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế Cầu Lớn - Hầm vừa thực hiện. Lý do vị trí hầm nằm trong tổng thể quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Độ dốc hầm và phương án nút giao thông lập thể quá rối răm, phức tạp, gây tốn kém chi phí đầu tư.

Ông Hải cho rằng, cùng với làm hầm thành phố cần tính đến sự kết nối giao thông trong quy hoạch tổng thể tương lai sau khi di dời ga Đà Nẵng và nghiên cứu lại vị trí làm hầm. Phương án nhà tư vấn đưa ra không phù hợp, hầm vòng vo lại đi xuyên qua nhiều khu dân cư. Vì vậy, nên chọn vị trí gần cầu Thuận Phước để có độ dài cho lối ra và vào hầm.

Theo ông Phan Đức Hải, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố kiến nghị cần tính toán cẩn trọng, không nên quyết định vội vàng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phương Hoa, Trưởng bộ môn Cầu-Hầm, trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng cho rằng, lấy lý do làm cầu phá vỡ cảnh quan là chưa thuyết phục. Trên thế giới có những thành phố mật độ cầu bắc qua sông dày đặc hơn. Mỗi cây cầu tạo ra một điểm nhấn kiến trúc riêng. Ở thành phố Đà Nẵng hiện có nhiều cầu hiện đại, khoảng cách giữa các cầu không quá xa thì việc xây hầm chui để giảm tải giao thông cho các cây cầu khác là rất khó khả thi. Là người đi đường thì ai cũng chọn cầu mà đi chứ không mấy ai chui xuống hầm luôn bất an chuyện tai nạn, cháy nổ…

Là chuyên gia ngành cầu hầm, gắn bó với Đà Nẵng gần 30 năm, ông Hoa cũng muốn tham gia phản biện, góp ý một công trình hầm để lưu giữ kỷ niệm nhưng vì cái chung, vì thực tế khách quan mà ông mong muốn lãnh đạo thành phố nên làm cầu qua sông Hàn. Nếu thành phố vẫn giữ quan điểm làm hầm thì cần xem xét kỹ để sử dụng tuyến vận tải ô tô từ phía Bắc vào thành phố. Ông Hoàng Phương Hoa cho rằng, trong tương lại phải tính đến sử dụng hầm để mở tuyến tàu điện ngầm khi thành phố phát triển.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định sự cần thiết phải xây dựng thêm môt công trình vượt sông Hàn để giảm tải giao thông. Nguồn vốn để xây dựng công trình vượt sông Hàn không phát hành trái phiếu, tránh gia tăng nợ công. Thành phố sẽ “liệu cơm gắp mắm” có thể sử dụng nguồn vốn BT, đấu thấu công khai theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng.

Ông Thơ cho biết, về phương án xây cầu hay hầm qua sông Hàn, thành phố tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến phản biện.

Với tốc độ phát triển nhanh của thành phố Đà Nẵng, bài toán giải quyết ùn tắc giao thông đang đặt ra cấp thiết. Phương án xây dựng thêm một công trình vượt sông Hàn là hết sức cấp bách. Lựa chọn phương án làm hầm hay cầu vượt sông Hàn, thành phố Đà Nẵng đang là vấn đề gây tranh cãi. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và người dân thành phố Đà Nẵng mong muốn lãnh đạo địa phương này cần thận trọng lựa chọn phương án tối ưu trước khi đưa ta quyết định đầu tư.

Nguồn VOV


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày