Kinh Doanh

Đất đai gánh ngân sách

Hoàng Hạnh Thứ Hai | 28/01/2019 07:30

Số thu từ tiền sử dụng đất giai đoạn 2012-2017 chiếm khoảng 6,6% tổng thu ngân sách nhà nước. Ảnh: Quý Hòa

Mối lo thu ngân sách phụ thuộc vào đất đai thay vì sự phát triển của sản xuất kinh doanh chính đáng ở rất nhiều lẽ.
Số thu từ tiền sử dụng đất giai đoạn 2012-2017 chiếm khoảng 6,6% tổng thu ngân sách nhà nước. Ảnh: Quý Hòa

Những áp lực về bội chi, gánh nặng nợ công và nợ lãi... đã phần nào được giải tỏa khi theo số liệu từ Kho bạc Nhà nước, tính đến 14h ngày 31.12.2018, tổng thu cân đối đã đạt 1,42 triệu tỉ đồng, vượt 7% so với dự toán. Lại thêm niềm vui với thành tích tăng trưởng GDP kỷ lục 7,08% năm 2018, nhưng vẫn còn những mảng tối.

Số liệu báo cáo thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2018 chỉ ra những dấu hiệu cần suy ngẫm. Theo đó, những khoản thu tiến độ đạt cao so với dự toán và tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 là các khoản thu về nhà đất; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết; thu cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước... Thu từ dầu thô bằng 134% dự toán nhưng nguyên nhân là giá dầu thô thanh toán bình quân tăng 23,5 USD/thùng so với giá dự toán. Sự không ổn định của nguồn thu này cũng đã được nhận diện, không chỉ bởi Kiểm toán Nhà nước.

Dat dai ganh ngan sach
 

Chính Bộ Tài chính trong Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2019 đã lưu ý, thu khai thác dầu thô dự kiến giảm 18,9%, thu từ bán tài sản (tiền sử dụng đất, tiền thoái vốn) dự kiến giảm 23,5%. Trong bối cảnh các khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018 được xác định là tăng nhưng không đạt được yêu cầu, đặc biệt khu vực tư nhân tăng trưởng thấp, con đường cán đích thu ngân sách năm 2019 có thể sẽ rất gập ghềnh.

Ít nhất, đang có hai cách nhìn nhận về nhịp điệu tăng - giảm nguồn thu ngân sách từ đất đai. Một quan điểm cho rằng, phải cảnh giác trước nguy cơ ngân sách phụ thuộc vào dạng tài nguyên đặc biệt này. Được biết, từ năm 2016 tới nay, nguồn lực đất đai chiếm tới 11-12% trong tổng thu ngân sách nhà nước, ghi nhận sự tăng trưởng đặc biệt so với mức đóng góp chỉ một con số những năm về trước. Trong số thu này, sự tăng trưởng vượt bậc nhất được ghi nhận ở nhóm tiền sử dụng đất, từ hơn 49.000 tỉ đồng năm 2010 tới gần 90.000 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018.

Con số này cũng trùng khớp với thống kê của Bộ Tài chính, số thu từ tiền sử dụng đất giai đoạn 2012-2017 chiếm khoảng 6,6% tổng thu ngân sách nhà nước, tương đương 9,1% tổng thu nội địa và 14,7% tổng thu ngân sách địa phương. Là khoản tiền mà người mua hoặc được giao đất (cá nhân được giao đất ở, tổ chức được giao đất để thực hiện dự án kinh tế) phải nộp để có quyền sở hữu/quyền sử dụng đất trong ít nhất vài chục năm, tăng thu từ nguồn này không khác việc tăng thu từ khai thác thêm lượng tài nguyên hữu hạn.

Nếu tồn tại một sự phụ thuộc vào nguồn thu đất đai, phải chấp nhận sống chung với... thấp thỏm. Kể cả khi không tính tới những hệ lụy như người nông dân mất đất cho khu công nghiệp, đất lúa trở thành đất sân golf, cuộc chạy đua vào ngành kinh doanh bất động sản tạo nên một nền kinh tế có đôi chân bằng đất sét..., sự thật là chỉ một số ít đại gia giàu lên nhanh chóng từ đất cũng là điều không thể để lặp lại. Tính toán có lợi nhưng đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn được Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), đặt ra khi trao đổi với NCĐT.

Qua nghiên cứu thực tế, vị chuyên gia chỉ rõ 2 điểm căn cốt: một là, mức đóng góp 11-12% của đất đai vào tổng thu ngân sách phải xem là rất khiêm tốn, đặc biệt khi so sánh với Singapore (khoảng 50%) hay Đài Loan, Trung Quốc (trên 30%); hai là, để tăng về lượng cũng như tính bền vững của thu ngân sách từ đất đai, phải có những cải cách nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn đóng góp một lần, tăng mức đóng góp thường xuyên của các chủ thể đang sử dụng nguồn tài nguyên đất đai.

Dat dai ganh ngan sach
 

Chìa khóa chính là sự công bằng, minh bạch trong tiếp cận cũng như nghĩa vụ khi được quyền sử dụng đất đai. Trong vấn đề quản lý, phải đo đếm đầy đủ, rõ ràng diện tích đất đang được khai thác vì các mục đích cá nhân cũng như kinh doanh và thực hiện nguyên tắc dùng một m2 đất phải đóng thuế một m2 đất. Phải chấm dứt tình trạng doanh nghiệp FDI được cấp thừa đất, dẫn đến nghịch lý doanh nghiệp Việt phải thuê đất từ những người bạn nước ngoài. Dù đã phân bổ tiền sử dụng đất về ngân sách địa phương, vẫn cần giám sát chặt chẽ, tránh cuộc chạy đua giao quyền sử dụng đất để tăng thu ngân sách.

Về mặt chính sách, cần loại bỏ ngay tình trạng hai biểu giá, sang nhượng theo giá thị trường còn thực hiện nghĩa vụ ngân sách theo bảng giá đất của nhà nước. Giải pháp đơn giản và triệt để nhất là cần cập nhật và xây dựng bảng giá đất thống nhất theo giá thị trường, có tính đến các biến số khi các khu vực được đầu tư thêm cơ sở hạ tầng. Những nhiệm vụ này đều không quá khó, đặc biệt không vượt qua năng lực của đội ngũ công bộc mẫn cán đang được giao trọng trách, vì thế, chúng ta có quyền hy vọng.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày