Dịch vụ giao - nhận hàng nhanh: Cuộc chạy đua thời gian
Giaonhan24h.vn
Đến năm 2020 sẽ có 30% dân số Việt Nam chuyển sang mua sắm trực tuyến, trong khi hiện chỉ có 1,5% dân số sử dụng dịch vụ này.Việt Nam có hơn 50 đơn vị giao hàng nhanh quy mô lớn nhỏ. Con số này đã tăng 10 lần trong vòng 5 năm với bối cảnh thương mại điện tử tăng trưởng 32% trong 3 năm liên tục. Sự bùng nổ của việc mua sắm trực tuyến kéo theo cơ hội kinh doanh đầy hứa hẹn cho ngành giao - nhận, mà nhanh là yếu tố hàng đầu.
Vì vậy, cuộc đua của các nhà cung cấp dịch vụ tập trung vào yếu tố rút ngắn thời gian giao hàng và đây thực sự là "bài toán" rất khó giải.
Tốc độ quyết định dịch vụ
Với sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử kéo theo việc tăng nhanh loại hình giao hàng nhanh tự phát, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Hiện người tiêu dùng nếu có nhu cầu mua sắm, chỉ cần lên mạng tìm kiếm và đặt mua. Không tốn thời gian, công sức, khách hành chỉ cần ngồi một chỗ vẫn mua được món đồ mình yêu thích và có người mang đến tận nơi.
Với sự phát triển của thương mại điện tử, hiện nay việc mua bán, trao đổi hàng hoá đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần có 1 chiếc xe máy, 1 điện thoại thông minh và thông thạo đường phố là có thể hoạt động trong nghề shipper.
"Thị trường shipper tại Hà Nội rất đông, hiện có tới 70% thành viên của các trang là shipper. Thị trường này ngày càng đông nên sức cạnh tranh lớn, công việc vì vậy sẽ khó khăn hơn", anh Trần Mạnh Linh, người làm nghề shipper chia sẻ.
Cũng theo anh Linh, một shipper không chuyên chỉ cần bỏ ra chút thời gian, nhận các đơn hàng lẻ mỗi ngày có thể kiếm thêm được 200.000 - 300.000 đồng. Còn với những người có thâm niên trong nghề và có nhiều mối hàng, trung bình mỗi ngày bỏ túi khoảng 1,5 triệu đồng.
Cuối tháng 5, DHL eCommerce đã giới thiệu dịch vụ vận chuyển DHL Parcel Metro Same Day, hỗ trợ các nhà bán lẻ trực tuyến trong nước về việc cung cấp dịch vụ giao hàng linh hoạt trong ngày cho khách hàng của họ tại Hà Nội và TPHCM.
Dịch vụ giao hàng trong ngày nói trên của DHL được bổ sung vào nhóm các dịch vụ chuyển phát nhanh nội địa hiện nay mà DHL eCommerce Vietnam đang cung cấp, thông qua các nguồn lực có sẵn gồm các tuyến vận chuyển hàng không và đường bộ sẵn có cùng các trạm trung chuyển tại TPHCM, Hà Nội và các địa phương lớn khác. Thông qua 250 điểm dịch vụ của DHL, hệ thống giao hàng của doanh nghiệp sẽ cung cấp các địa điểm nhận và trả hàng thuận lợi cho khách hàng. Bên cạnh đó, DHL eCommerce sẽ cung cấp các dịch vụ hoàn tất đơn hàng (fulfillment service) cùng DHL Parcel Metro Same Day nhằm cung cấp đến các nhà bán lẻ các giải pháp thương mại điện tử được nội địa hóa, cho phép họ phân phối hàng hóa một cách hữu hiệu hơn.
Việc DHL cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày nói trên diễn ra trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 32% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2022, theo Euromonitor. Bên cạnh đó, khoảng 30% dân số được dự đoán sẽ chuyển qua mua sắm trực tuyến vào năm 2020.
Ông Charles Brewer, Tổng giám đốc điều hành DHL eCommerce, chia sẻ “Những dẫn chứng nêu trên cho thấy nhu cầu giao hàng của ngành thương mại điện tử sẽ tăng lên đáng kể trong thời gian tới”. Theo đó, dịch vụ vận chuyển trong ngày DHL Parcel Metro Same Day ra đời nhằm bảo đảm sản phẩm được giao thành công đến tay người mua, đồng thời cung cấp cho các nhà bán lẻ dịch vụ nhanh chóng, linh hoạt, rõ ràng và đáng tin cậy để xây dựng lòng tin của người tiêu dùng.
Cuộc cạnh tranh đang vô cùng khốc liệt
Trên thực tế, nhu cầu giao hàng tức thì trong thương mại điện tử đang làm cho cuộc đua giao hàng nhanh giữa các nhà cung ứng dịch vụ chuyển phát ngày càng gay gắt và họ dùng công nghệ để giải quyết. Ông Nguyễn Trần Thi, Giám đốc điều hành của Giao Hàng Nhanh, cho rằng sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp nước ngoài, với vốn đầu tư lớn và cung cách chuyên nghiệp là dấu hiệu tích cực đối với thị trường.
Khi đó, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến sẽ giúp nhà cung ứng dịch vụ tối ưu hóa chi phí đầu vào, chuẩn hóa quy trình, nâng cao chất lượng dịch vụ và từ đó giảm giá cước, thay vì chọn cách chạy đua về giá để cạnh tranh, sẵn sàng bán dịch vụ dưới giá thành để giành hợp đồng của nhau mà không đảm bảo được chất lượng cam kết, thường xuyên giao chậm trễ, làm thất lạc hàng hóa…
Những đơn vị giao hàng công nghệ hiện đang tập trung nhiều vào thuật toán, tối ưu hóa lộ trình để giải quyết các bài toán của bưu chính truyền thống chưa làm được, thay vì thâm dụng lao động. Các doanh nghiệp giao hàng trực tuyến cũng đang hướng đến việc phát triển nền tảng cộng đồng, thu hút những người tham gia mạng lưới giao thông cũng có thể vận chuyển hàng hóa được và dùng cách thức đó để giải quyết bài toán về thời gian và chi phí giao hàng.
Trong khi đó, ban giám đốc DHL eCommerce kỳ vọng rằng dịch vụ DHL Parcel Metro Same Day sẽ giúp nhà bán lẻ trực tuyến quảng bá thương hiệu thông qua dịch vụ giao hàng với khả năng theo dõi đơn hàng theo thời gian thực và thay đổi lịch trình giao hàng thông qua nền tảng số hóa có khả năng tùy chỉnh toàn diện.
Nền tảng số sử dụng công cụ điều phối và định tuyến để giảm thiểu chi phí và gia tăng hiệu suất hoạt động, đồng thời tích hợp nhiều phương thức giao hàng khác nhau, bao gồm xe máy, xe đạp, đi bộ, xe tải và xe ô tô, để có thể tối đa hóa tốc độ vận chuyển trong tình trạng đô thị thường xuyên có sự tắc nghẽn giao thông.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư