Kinh Doanh

Giá nguyên liệu giảm: Cơ hội để các doanh nghiệp ngành điện cải thiện lợi nhuận

Phạm Vũ Thứ Tư | 18/12/2019 10:48

Giá nguyên liệu giảm: Ngành điện chớp thời cơ. Ảnh: Solarsonglam.

Theo nhận định của KIS, giá nguyên liệu đầu vào than và dầu giảm tác động tích cực đến các doanh nghiệp điện...
Giá nguyên liệu giảm: Ngành điện chớp thời cơ. Ảnh: Solarsonglam.

Giá than quốc tế trượt dốc

Theo nhận định của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), than nội địa cung cấp cho các nhà máy điện sẽ tiếp tục thiếu hụt. Cụ thể, năm 2019, nhu cầu than cho nhiệt điện ước tính khoảng 60 triệu tấn, trong đó 36,5 triệu tấn được cung cấp bởi Tập đoàn Công nghiệp Khoáng sản Than Quốc gia Việt Nam (TKV) và 23,5 triệu tấn được nhập khẩu chủ yếu từ Úc và Indonesia.

Đáng chú ý, nhu cầu than cho nhiệt điện năm 2020 ước tính sẽ tăng lên khoảng 69 triệu tấn. Tuy nhiên, theo Kế hoạch phát triển ngành than đã được phê duyệt, khối lượng than thương mại ước tính chỉ là 47-50 triệu tấn vào năm 2020, trong đó than cho điện là 40 triệu tấn. Do đó, khối lượng than nhập khẩu cho nhiệt điện dự kiến sẽ tăng lên 29 triệu tấn.

Ngoài ra, nguồn cung than cho các nhà máy nhiệt điện sẽ là tỷ lệ 50:50 giữa than trong nước và than trộn (giữa than nội địa và nhập khẩu) vào năm 2020, thay vì 70:30 năm 2019. Do đó, giá than quốc tế sẽ tác động đáng kể hơn đến kết quả kinh doanh của các nhà máy nhiệt điện tham gia thị trường.

 

Mặt khác, nhu cầu than giảm đang gây áp lực giảm giá than nhiệt. KIS đánh giá năm 2019 là một năm đảo chiều đối với thị trường than nhiệt. KIS ước tính giá than bình quân là 70 USD/tấn vào năm 2020, sẽ góp phần cải thiện biên lợi nhuận cho các nhà máy nhiệt điện than.

 

Qua đó, KIS đánh giá cao các nhà máy nhiệt điện đã ký kết thành công hợp đồng cung cấp than dài hạn với TKV như Nhiệt điện Phả Lại và Nhiệt điện Hải Phòng. 

Bên cạnh than, triển vọng giá dầu HSFO giảm cũng thúc đẩy ngành điện. 

Giá dầu HSFO giảm trong bối cảnh nguồn cung khí thiếu hụt năm 2020

Sản lượng khí từ các mỏ khí trong nước hiện tại đã giảm mạnh, trong khi đó lượng khí từ các mỏ mới được thêm vào hệ thống là không đáng kể. Dòng khí đầu tiên của mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt (dự kiến đi vào hoạt động vào quý IV/2020) sẽ chỉ cung cấp khoảng 90 triệu m3, thấp hơn nhiều so với ước tính 500 triệu m3 trước đây được bổ sung vào hệ thống năm 2020.

Tuy nhiên, theo dự thảo kế hoạch kinh doanh của PV GAS 2020, PV GAS sẽ cung cấp không dưới 7.200 triệu m3 cho các nhà máy nhiệt điện vào năm 2020. Do đó, với triển vọng giá HSFO thấp hơn và sản lượng khí giảm mạnh, các nhiệt điện khí ở khu vực phía Nam với chi phí sản xuất thấp và tỷ lệ hiệu quả cao (nhờ công nghệ tiên tiến) như Cà Mau 1 và 2, Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2),... sẽ được ưu tiên cấp khí.

Quy định mới IMO kéo giá dầu FO sụt giảm

Theo thông tin của KIS, vào ngày 01/01/2020, quy định mới của IMO về khí thải tàu biển chính thức có hiệu lực. Do đó, xu hướng thế giới sẽ có sự chuyển đổi đáng kể từ dầu nhiên liệu với hàm lượng lưu huỳnh cao sang dầu MGO. Các quy định mới về giới hạn phát thải lưu huỳnh trong nhiên liệu được IMO triển khai vào đầu năm 2020 có khả năng tăng giá dầu MGO. Nói cách khác, giá HSFO đang phải đối mặt với sự sụt giảm bởi quy định này.

Trên thực tế, KIS cho biết trong quý III/2019, giá HSFO trung bình giảm thấp hơn so với ước tính của Công ty chứng khoán này, ở mức 391 USD/MMBTU. Kể từ ngày 30/11, giá HSFO tiếp tục giảm sâu hơn nữa, chỉ còn khoảng 250 USD/MMBTU.

Nhìn chung, KIS ước tính giá HSFO bình quân sẽ giảm xuống còn 350 USD/MMBTU vào năm 2020. Theo đó, Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) có thể cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp nếu giá dầu tiếp tục giảm như ước tính.

Như vậy, theo đánh giá của KIS, giá nguyên liệu đầu vào có xu hướng giảm tác động tích cực đến nhiều doanh nghiệp ngành điện. Ngoài ra, doanh nghiệp điện còn được hỗ trợ bởi nhu cầu điện tăng cao, trong khi miền Bắc gặp khó khăn trong việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng và miền Nam phải đối mặt với việc cắt giảm công suất. 

 ►Thiếu hụt điện, Việt Nam sắp phải tăng nhập điện từ Trung Quốc?

►Điện mặt trời: 1 vốn, 4 lời


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày